Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, đã thảo luận các vấn đề về trí tuệ nhân tạo (AI) với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 27.2 trong chuyến thăm châu Á.
Thế giới số

Mark Zuckerberg gặp Thủ tướng Fumio Kishida thảo luận về AI, cựu nhân viên Apple giúp Nhật thiết kế chip AI

Sơn Vân 18:59 27/02/2024

Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, đã thảo luận các vấn đề về trí tuệ nhân tạo (AI) với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 27.2 trong chuyến thăm châu Á.

“Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện vui vẻ và hiệu quả về AI cùng tương lai của công nghệ”, Mark Zuckerberg nói trong phát biểu ngắn gọn với các phóng viên tại dinh Thủ tướng Nhật Bản ở thủ đô Tokyo. Mark Zuckerberg rời đi mà không trả lời câu hỏi nào.

Tỷ phú người Mỹ 39 tuổi đã đến Nhật Bản từ tuần trước để cùng gia đình trượt tuyết. Sau đó, ông có hai ngày làm việc với các nhà phát triển của chi nhánh Platforms ở Tokyo về chương trình kính thực tế ảo Quest và mô hình ngôn ngữ lớn Llama. Llama là một trong những dự án quan trọng của Meta Platforms nhằm cạnh tranh với OpenAI cũng như hai đối thủ Microsoft và Alphabet (công ty mẹ của Google).

Chính phủ và khu vực doanh nghiệp Nhật Bản đang chạy đua để bắt kịp sự phát triển AI. Trong năm qua, Thủ tướng Fumio Kishida đã gặp Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) và Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia) để thảo luận về quy định và cơ sở hạ tầng AI.

mark-zuckerberg-gap-thu-tuong-fumio-kishida-thao-luan-ve-ai-cuu-nhan-vien-apple-giup-nhat-thiet-ke-chip-ai.jpg
Mark Zuckerberg đến Nhật Bản gặp Thủ tướng Fumio Kishida để thảo luận về AI - Ảnh: Reuters

Meta Platforms, công ty mẹ Facebook, tuần trước xác nhận Mark Zuckerberg đang có kế hoạch đến thăm Hàn Quốc.

Trước đây, Meta Platforms và Samsung Electronics từng hợp tác trong lĩnh vực tai nghe thực tế ảo. Trong lần trở lại Hàn Quốc, Mark Zuckerberg tiếp tục tập trung vào kính thực tế ảo và thúc đẩy thảo luận về AI.

Hồi tháng 1, Mark Zuckerberg cho biết lộ trình tương lai phát triển AI tạo sinh đòi hỏi công ty phải xây dựng cơ sở hạ tầng máy tính khổng lồ. Dự kiến đến cuối năm 2024, Meta Platforms sẽ có 350.000 GPU (bộ xử lý đồ họa) H100 mạnh nhất hiện có trên thị trường của Nvidia. Kết hợp với số GPU tương đương từ các nhà cung cấp khác, Meta Platforms sẽ sở hữu một trong những hệ thống lớn nhất trong ngành công nghệ khi hoàn thành.

AI tạo sinh là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh và nhiều loại thông tin khác.

Một ví dụ nổi tiếng về AI tạo sinh là mô hình ngôn ngữ lớn GPT của OpenAI. GPT có khả năng tạo ra văn bản mới, dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện trước đó.

AI tạo sinh có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng, gồm tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh và thậm chí trong việc giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo và thiết kế.

Trước Mark Zuckerberg, Sam Altman từng đến Hàn Quốc hôm 26.1 để gặp gỡ lãnh đạo của Samsung Electronics và SK Hynix (hai hãng sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới), theo hãng tin Reuters. Hai nguồn tin cho biết Sam Altman ​​sẽ thảo luận về các mối quan hệ hợp tác tiềm năng để sản xuất chip.

Sam Altman có kế hoạch sử dụng hàng tỉ USD mà ông đang cố gắng huy động cho một liên doanh chip nhằm thiết lập mạng lưới các nhà máy sản xuất chip AI, trang Bloomberg đưa tin, trích dẫn những người có kiến ​​thức về kế hoạch.

Bloomberg cho biết Sam Altman đã đàm phán với một số nhà đầu tư tiềm năng với hy vọng huy động được số tiền lớn cần thiết cho các nhà máy sản xuất chip (thường được gọi là fab).

Theo báo cáo, dự án sẽ liên quan đến việc hợp tác với những nhà sản xuất chip hàng đầu và mạng lưới các nhà máy sẽ có phạm vi toàn cầu.

Sản xuất chip rất tốn kém và đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên cùng hàng tỉ USD tài trợ. Chi phí đã tăng lên trong những năm qua khi công nghệ sản xuất chip được sử dụng trong các ứng dụng AI tiến bộ.

Tập đoàn G42 (UAE) và SoftBank Group (Nhật Bản) nằm trong số các công ty đã tổ chức thảo luận với Sam Altman, nhưng các cuộc đàm phán vẫn còn trong giai đoạn đầu.

Theo Bloomberg, các cuộc đàm phán với G42, mà OpenAI hợp tác hồi tháng 10.2023, tập trung vào việc huy động từ 8 tỉ USD đến 10 tỉ USD, nhưng tình trạng hiện tại của các cuộc thảo luận vẫn chưa rõ ràng.

Báo cáo cho biết thêm Intel, TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới), Samsung Electronics (hãng chip nhớ số 1 thế giới), SK Hynix (hãng chip nhớ lớn thứ hai thế giới) là những đối tác tiềm năng của OpenAI.

Cả SK Hynix và Samsung Electronics đều sản xuất chip nhớ băng thông cao (HBM) được sử dụng trong chipset AI. Samsung Electronics cũng đóng vai trò là nhà sản xuất chip theo hợp đồng, cạnh tranh trực tiếp với TSMC.

Cựu nhân viên Apple và Tesla giúp Nhật Bản thiết kế chip AI

Nhóm nghiên cứu phát triển chất bán dẫn được chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn sẽ hợp tác với công ty khởi nghiệp Tenstorrent (Mỹ) để thiết kế chip AI tiên tiến đầu tiên cho nước này.

Được Jim Keller (cựu nhân viên Apple và Tesla) lãnh đạo, Tenstorrent sẽ cấp phép thiết kế của mình cho một phần máy gia tốc AI của Nhật Bản và cũng đồng thiết kế chip tổng thể. Công ty Mỹ tiết lộ thông tin tại một sự kiện chung ở Tokyo hôm 27.2.

Làm việc với tiêu chuẩn nguồn mở RISC-V, Tenstorrent cung cấp cho khách hàng giải pháp thay thế Nvidia và Arm Holdings, hai công ty thiết kế chip hàng đầu có bộ hướng dẫn riêng để giao tiếp giữa phần cứng với phần mềm.

Chính phủ Nhật Bản đang tài trợ cho hàng loạt dự án từ nghiên cứu đến sản xuất chip tiên tiến, đưa ra gói thầu đầy tham vọng trị giá 67 tỷ USD để giành lại vai trò trung tâm trong ngành bán dẫn. Thỏa thuận với Tenstorrent có tiềm năng thúc đẩy những nỗ lực đó, với mục tiêu sản xuất chip AI tiên tiến được thiết kế chung tại công ty khởi nghiệp Rapidus Corp do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn.

Atsuyoshi Koike (Giám đốc điều hành Rapidus Corp) nói tại sự kiện cùng Jim Keller (Giám đốc điều hành Tenstorrent): “Những lo ngại xung quanh việc AI sử dụng hết điện trên thế giới khiến công nghệ giảm mức tiêu thụ điện năng trở nên quan trọng. Với Tenstorrent, chúng tôi hy vọng sẽ ra mắt các công cụ tăng tốc AI với tốc độ nhanh nhất trên thị trường”.

Rapidus Corp, công ty mới thành lập được 18 tháng, đang đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất chip AI tiên tiến vào năm 2027 để cạnh tranh với các hãng hàng đầu là TSMC và Samsung Electronics. Thế nhưng, Rapidus Corp sẽ cần khách hàng cho nhà máy sản xuất của mình và đội ngũ của Jim Keller nhận thấy Nhật Bản đang nỗ lực để đảm bảo cả cung lẫn cầu.

David Bennett, Giám đốc khách hàng của Tenstorrent nói trong một cuộc phỏng vấn: “Những gì Nhật Bản đang làm là nhận ra rằng bạn không thể chỉ xây dựng một nhà máy và hy vọng. Vì vậy, Nhật Bản đang đầu tư lớn để đảm bảo rằng họ sẽ lấp đầy nhà máy này. Vì vậy, những gì bạn nhìn thấy hôm nay thực sự là cái đầu tiên”.

David Bennett cho biết Tenstorrent có “tầm nhìn về hàng trăm triệu USD doanh thu ở Nhật Bản” và đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ cùng các tập đoàn nước này. Tenstorrent hiện có 400 nhân viên trên khắp Mỹ, Canada, Serbia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tenstorrent cũng liên hệ chặt chẽ với chính quyền Biden để đảm bảo rằng tuân thủ đầy đủ biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Mỹ.

Ngoài Jim Keller, Tenstorrent còn có Keith Witek (từng 13 năm làm việc tại AMD) là giám đốc vận hành và Wei-han Lien là kiến trúc sư trưởng về chip. Wei-han Lien từng dẫn dắt công việc tại Apple nhằm cải tiến thiết kế chip nội bộ, cung cấp năng lượng cho iPhone, iPad và thậm chí cả máy tính Mac để bàn.

Tại Nhật Bản, Tenstorrent sẽ hợp tác thiết kế chip AI với nhóm nghiên cứu của chính phủ nước này, được gọi là Leading-edge Semiconductor Technology Center (LSTC).

Tuy nhiên sản xuất chip ở Nhật Bản có thể là một thách thức. Mục tiêu sản xuất chip logic 2 nanomet tiên tiến của Rapidus Corp vào năm 2027 được coi là điều gì đó còn xa vời.

LSTC sẽ theo đuổi và thúc đẩy công nghệ AI dành riêng cho “AI tạo sinh thông qua hợp tác quốc tế”, theo lãnh đạo LSTC - Tetsuro Higashi.

David Bennett cho biết Nhật Bản đã cố gắng thu hút nhiều chuyên gia bán dẫn đã đi làm việc ở nước ngoài để củng cố chuyên môn của mình.

Bài liên quan
Mark Zuckerberg chỉ trích các quy định mới phiền phức của Apple App Store
Meta Platforms đã gia nhập hàng ngũ các công ty chỉ trích các quy tắc mới của Apple App Store ở Liên minh châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mark Zuckerberg gặp Thủ tướng Fumio Kishida thảo luận về AI, cựu nhân viên Apple giúp Nhật thiết kế chip AI