Sau thời Lý, dòng họ Đông A ngồi ngai vàng, trong 175 năm góp mặt vào sử Việt, làm nên ba chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược Mông – Nguyên, nhà Trần tạo biết bao dấu ấn riêng như chế độ thái thượng hoàng cùng vua trị nước, cho phép hoàng thân, quốc thích có điền trang, thái ấp, quân đội riêng cùng tham gia chống giặc… Ấy, còn riêng việc chống nạn tham nhũng, cũng có đôi điều để nói.

Tham nhũng nhà Trần và chuyện vua Minh Tông xử chết cha vợ

26/06/2016, 06:50

Sau thời Lý, dòng họ Đông A ngồi ngai vàng, trong 175 năm góp mặt vào sử Việt, làm nên ba chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược Mông – Nguyên, nhà Trần tạo biết bao dấu ấn riêng như chế độ thái thượng hoàng cùng vua trị nước, cho phép hoàng thân, quốc thích có điền trang, thái ấp, quân đội riêng cùng tham gia chống giặc… Ấy, còn riêng việc chống nạn tham nhũng, cũng có đôi điều để nói.

Các kỳ trước

Kỳ 1: Nạn tham nhũng ở nước Việt được ghi chép từ thời Hùng vương

Kỳ 2: Các quan thái thú tham nhũng hút máu người dân Việt

Kỳ 3: Nhà Lý oai hùng thắng Tống nhưng lại chịu thua trước sâu mọt

Kỳ 4: Vua siêng ăn chơi nhưng lại đòi mạnh tay chống quan tham nhũng​


Khi dòng vua xuất thân từ nghiệp chài lưới bắt đầu năm Ất Dậu (1225), sử ghi nhận thời vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) ở ngôi dài 33 năm, rồi tới vua con Trần Thánh Tông (1258 - 1278) cũng 20 năm trị vì chứ đâu ít, nhưng hiện tượng tham ô, nhũng lạm của cải chưa thấy hiện diện.

Quãng thời gian này, rõ là việc lo xác lập, củng cố ngai vàng cho dòng họ rất ư quan trọng, nên từ vua chí quan tận tâm, tận lực mà dẹp phản loạn còn vương vấn nhà Lý, còn nuôi mộng đế vương để dựng nghiệp nhà cho vững. Lại thêm việc cố kết sức mạnh dòng họ, dân tộc để chống xâm lược Mông Cổ, lo cho sự yên nguy của nước trở thành nhiệm vụ hàng đầu.
Thế nhưng từ thời vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293) hiện tượng đục tiền, khoét của đã có chép trong sử xưa. Dẫu vậy, những vụ tham nhũng nhỏ lẻ ở thời nhà Trần xét suốt chiều dài 175 năm tồn tại không thấy được ghi lại nhiều và cũng không diễn ra thường xuyên lắm.
Qua việc tổng hợp trong sử cũ, hiện tượng tham nhũng vặt có một số trường hợp như Đại Việt sử ký toàn thư có chép việc vào năm Nhâm Thìn (1292), Phí Mạnh làm An phủ Diễn Châu “giữ chức chưa được bao lâu, có tiếng đồn là tham ô, vua triệu về, đánh trượng”. Hay trường hợp Hồ Tông Thốc tham nhũng tài sản của dân đến nỗi tội trạng bị phát giác mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục có đề cập vào năm Bính Dần (1386).
Không chỉ có quan lại tham ô, nhũng lạm của cải, mà trong giới hoàng thân quốc thích, việc đó cũng xảy ra. Đơn cử như có vụ của bà Trần Thị Thái Bình vốn là cung tần của Thượng hoàng Trần Anh Tông tính tham lam, đã dùng vị thế của mình có được chiếm đoạt ruộng đất dân lành, sau bị khởi kiện phải trả lại cho dân vào đầu thế kỷ XIV. Còn lại, hầu như không thêm trường hợp cụ thể nào ghi về những vụ tham ô, nhũng lạm thường thấy nữa.
Có một điểm đáng nói ở đây là về tư tưởng hưởng lợi từ chức tước, vị thế của đội ngũ quan lại thời Trần. Điều đó được biểu hiện rất rõ qua sự trần tình của An phủ sứ Hồ Tông Thốc với vua Trần Nghệ Tông.

Ấy là khi làm An phủ sứ, Hồ Tông Thốc có lấy của dân, sau bị phát giác. “Nghệ Tông lấy làm lạ hỏi ông. Ông lạy tâu: “Một con chịu ơn vua, cả nhà ăn lộc trời” (Trích Việt sử cương mục tiết yếu). Sự giãi bày ấy nay vẫn còn thấy bóng dáng trong câu ngạn ngữ “Một người làm quan, cả họ được nhờ” của dân Việt ta

Vua Nghệ Tông vốn tính không cương quyết, khi nghe viên quan tham nhũng họ Hồ trả lời vậy thì lại không trách phạt, răn dạy gì mà ngược lại còn tha cho cái tội tham ô, phong cho chức Hàm lâm học sĩ phụng và kiêm coi Thẩm hình viện.

Tư tưởng của kẻ bề trên nghiễm nhiên được lấy của kẻ dưới còn được nhìn thấy qua lăng kính của một tôn thất nhà Trần là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, người có tiếng là tham lam, thô bỉ từng bị dân Bài Áng bất bình thưa kiện năm Bính Thân (1296).

Khi sự việc đưa lên vua Trần Anh Tông xem xét, Đại Việt sử ký toàn thư có cho hay, Khánh Dư với vị trí của kẻ là tôn thất nhà vua, đã ngạo mạn mà đã trả lời rằng: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ”. Câu trả lời ấy dĩ nhiên vua không hài lòng, còn Khánh Dư thì cũng lưu lại kinh thành chỉ bốn ngày rồi về ngay vì sợ ở lâu vua khiển trách.
Như trên là một số vụ tham nhũng nhỏ lẻ được ghi lại, cùng với đó là tư tưởng ăn của bất chính từ đội ngũ quan lại, hoàng thân quốc thích thời Trần. Trong thời gian tồn tại 175 năm của dòng họ Trần, sử còn ghi lại có hai trường hợp mà vì tham nhũng, đã gây nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp tới chính sự nhà Trần. Mà xét ở một mức độ nào đó, cũng là góp phần cho sự đi xuống của dòng họ Đông A trong nghiệp chính trị.
Theo Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” có lược thuật, vào năm Mậu Thìn (1328), vua Trần Minh Tông đã giết oan cha vợ là Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn.

Nguyên do cái chết oan của Quốc Chẩn là bởi vua tuổi đã cao mà Hoàng hậu chưa có con, Cương Đông Văn Hiến hầu (con Thái sư Trần Nhật Duật) muốn lật đổ hoàng hậu để Hoàng tử Vượng (vua Trần Hiến Tông sau này) thay, nên Quốc sử toản yếu chép “mới đem của đút cho gia thần Quốc Chẩn là Trần Phẫu 100 lạng vàng, bảo Phẫu vu cáo cho Quốc Chẩn về việc mưu phản”.

Vua Trần Minh Tông không xét kỹ nên lệnh bắt giam cha vợ, sau đó Trần Quốc Chẩn phải chết oan. Việt sử diễn âm còn kể:
Bởi nghe Khắc Chung tôi gian,
Cho nên Quốc Chẩn tội oan thấu trời.
Về sau, bởi vô tình không phát giác sớm âm mưu ấy mà vua Minh Tông bị chê là:
Nhưng không rõ ngay gian,
Ấy là điều đáng tiếc.

(Trích Việt sử mông học)
Ngoài vụ tham nhũng mà làm thiệt thân cha vợ vua Trần, thì đặc biệt nghiêm trọng là việc tử trận của vua Trần Duệ Tông (1373 – 1377) khi đánh Champa lại có nguyên do gián tiếp từ việc tham nhũng của quan lại mà nên.
Thời vua Trần Duệ Tông ngồi ngai vàng trị nước, thì ở Champa (Chiêm Thành) vua Chiêm bấy giờ là Chế Bồng Nga đang tại vị, thường đem quân lấn cướp đất đai biên giới Đại Việt.

Để phòng bị việc biên giới phía Nam, vua Duệ Tông sai Hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ đất Hóa Châu. Vua Chiêm Chế Bồng Nga lo bị quân ta đánh, nên như lời thuật của Đại Việt sử ký toàn thư, y đã sai người “đem 10 mâm vàng dâng lên vua. Tử Bình ỉm đi, cướp làm của mình, nói dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh”.

Chính từ việc tham nhũng của tên quan đại diện triều đình coi giữ biên ải, vì 10 mâm vàng sống làm cho lóa mắt, lo vinh thân cho mình, mà hại đến vận nước, đến muôn dân, góp phần dẫn tới cuộc chiến tranh Việt - Chiêm.

Còn vua Trần Duệ Tông khi đánh vào đất Chiêm Thành đã tử trận năm Đinh Tỵ (1377), chết trong đám loạn quân không tìm thấy xác. Từ sau sự kiện ấy mà về sau, quân Chế Bồng Nga thừa cơ nhà Trần trên bước đường suy vi, đã liên tục vào nước ta đánh cướp, thậm chí tiến quân đến Thăng Long tới ba lần làm vua tôi nhà Trần phải chạy loạn. Tình hình chính trị không ổn định, triều Trần cũng dần đi vào buổi mạt vận.

Không phải là tham nhũng đã dự phần to lớn làm cho nghiệp chính trị của dòng họ xuất thân nghề chài lưới đi đến sự vãn hồi, kết cục đó sao?

Trần Đình Ba

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham nhũng nhà Trần và chuyện vua Minh Tông xử chết cha vợ