Tết Việt từ hồi nào tới giờ, chả muôn năm là gì và đâu cần hô khẩu hiệu? Nhưng có không ít người ghét, thậm chí thù tết Việt. Vì tết là tai nạn gia tăng, từ giao thông đến say xỉn, đánh lộn. Tết là ăn nhậu, chơi bời xả láng vì sáng không phải đi làm sớm. Tết tiêu tốn tiền để dành cả năm. Tết phải nghỉ làm, ít thì một tuần, nhiều thì cả tháng. Không làm thì không có lương hoặc có lương nhưng không có thưởng (quan trọng hơn lương)…

Tết Việt muôn năm!

28/01/2020, 13:14

Tết Việt từ hồi nào tới giờ, chả muôn năm là gì và đâu cần hô khẩu hiệu? Nhưng có không ít người ghét, thậm chí thù tết Việt. Vì tết là tai nạn gia tăng, từ giao thông đến say xỉn, đánh lộn. Tết là ăn nhậu, chơi bời xả láng vì sáng không phải đi làm sớm. Tết tiêu tốn tiền để dành cả năm. Tết phải nghỉ làm, ít thì một tuần, nhiều thì cả tháng. Không làm thì không có lương hoặc có lương nhưng không có thưởng (quan trọng hơn lương)…

Có nhà khoa học còn mạnh miệng tuyên bố “Còn tết là còn nghèo”. Thế là lắm kẻ nhào vô hưởng ứng, đòi xóa tết để hết nghèo. Những người trung dung hơn thì kêu gọi “Nếu không không bỏ tết Việt thì nhập vào tết tây, cho hòa nhập với thế giới và chỉ nghỉ một ngày. Nhập vào thì phải gọi là hòa tan luôn.

Úm ba la, ù cả tai, hoa cả mắt. Nghe dân mạng tranh luận, bố vợ tôi cáu kỉnh “Tiền làm ra không xài thì để làm gì? Làm thì cũng phải nghỉ, phải chơi chứ? Ai làm sai thì ráng chịu, sao lại đổ cho tết. Đứa nào bảo - còn tết còn nghèo - là nói bậy. Có thể nó bị bồ đá, vợ bỏ vào dịp tết nên thù lây? Sao lại đòi nhập ta vào tây mà không làm ngược lại? Nhập gia tùy tục, xuất gia tùy phong. Nhật Bản không phải giàu nhờ bỏ tết mà nhờ họ lao động kỷ luật, chăm chỉ. Nếu không bỏ tết, Nhật Bản còn giàu hơn, đứng thứ nhất thế giới chứ không thứ ba như hiện nay”.

Tối qua, đang ăn cơm, con trai tôi, học lớp 2, bỗng bí xị mặt, chẳng biết có chuyện gì. Mãi một lúc, nó mới hỏi “Bao giờ hết tết hả ba?”. “Mấy bữa nữa là hết”. “Nhưng mà con không muốn hết”. Nó òa khóc tức tưởi rồi kể lể “Hết tết là hết được chơi thoải mái, không phải dậy sớm, không phải ngủ đúng giờ, không bị mẹ la vì chuyện gì đó. Lại có quần áo mới, tiền lì xì..” Nó bảo “Tết ai cũng vui, không cãi nhau. Con ước tết cả năm”. Mơ ước của nó mà được thì nước không chỉ nghèo mà còn mạt vận. Riêng chuyện vui và không cãi nhau, nếu được quanh năm thì hơn cả thiên đàng.

Chị nó học lớp 5 thì thắc mắc “Sao không ăn tết theo từng xóm cho đã. Ăn tết đồng loạt không xuể. Nhà nào cũng đồ ăn thừa mứa. Tết xoay vòng mới vui”. Kiểu đó cũng như ăn tết quanh năm, trời cũng không chịu thấu nữa là người. Theo tôi thì tết như hiện nay là đẹp và vừa phải. Từ sắm sửa, tiêu dùng đến ăn uống, nghỉ ngơi, du lịch. Vợ tôi trước đây ghét tết vì “Phụ nữ làm gì được ăn tết? Chỉ có tết ăn phụ nữ vì đủ thứ việc cả năm gần như đổ lên đầu”. Năm nay thì khác. Cứ alo, cả thế giới sẽ hầu phụ nữ theo yêu cầu. miễn là có tiền rủng rỉnh.

Năm nay, tôi không chỉ yêu mà cuồng tết. Tôi không biết uống rượu bia, nên không thể ăn nhậu, cũng không thích đàn đúm. Với tôi, tết là dịp bảo dưỡng cả thể xác lẫn tinh thần. Không bị vợ cằn nhằn, không lo sếp phàn nàn, nhân viên thắc mắc. Điện thoại và tin nhắn toàn lời hay ý tốt. Cuộc sống chẳng phải lo lắng gì, ngủ nghỉ thế nào cũng được. Đầu óc thảnh thơi, không nhức đầu chóng mặt vì áp lực doanh thu hoặc khách hàng trở quẻ. Gặp nhau, lạ thì cười, quen thì tay bắt mặt mừng.

Nhờ Tết, tôi yêu thành phố này gấp bội. Thành phỗ bỗng đẹp hẳn ra, sáng lòa vì hoa, đèn, màu sắc và sạch sẽ. Cứ như cổ tích. Quanh năm kẹt xe và xe kẹt, ồn ào, khói bụi, chen chúc. Tết bỗng tĩnh lặng, duyên dáng, điệu đàng, lịch lãm. Mấy ngày tết, sáng nào tôi cũng lượn mấy vòng thành phố. Khi thì xe gắn máy cà tàng, khi thì xe đạp thể thao; để ngắm nghía đường phố, tận hưởng “vẻ đẹp bất tận” mà ngày thường có mơ cũng không thấy. Cứ như hò hẹn với người yêu thủa ban đầu, ngố như con cá hố. Vừa chạy xe đủng đỉnh, vừa hát như một gã không bình thường. Hết “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…” (Nguyễn Đức Toàn). Lại tiếp “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! La là là…” (Y Vân)

Mấy ngày tết, thành phố không có sương mù hay bụi mịn. Nắng đẹp đến nao lòng. Gió se lạnh, vừa đủ nhắc mọi người choàng thêm áo khoác nhẹ khi chạy xe. Nghe nói, dịp tết làng quê nào cũng nhộn nhịp đông vui, khác hẳn ngày thường vắng vẻ vì lớp trẻ đi làm ăn xa. Thành phố thì ngược lại. Đó là qui luật bù trừ, giúp cân bằng cuộc sống.

Nếu không có tết thì cuộc sống cứ một chiều đơn điệu. Đến robot cũng phải được bảo dưỡng định kỳ, ngoài việc thường xuyên nạp năng lượng. Con người càng cần có những thay đổi. Tết, chính là điểm nhấn rất quan trọng giữa dòng đời dâu bể. Dù còn những thói tục lạc hậu nhưng tết vẫn là tết, không thể thiếu với người Việt, kể cả người Việt ở xứ người. Không có cuộc đời hoản hảo. Tết cũng vậy. Cái chính là biết sàng lọc, gạn đục khơi trong; để tết Việt ngày càng nhân văn và ý nghĩa.

Dù không thích hô khẩu hiệu, tôi cứ gào lên khi đạp xe vưỡn phố “TẾT VIỆT MUÔN NĂM!”.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng​

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết Việt muôn năm!