Tết Bính Thân 2016 này là Tết đoàn viên đầu tiên của gia đình ông Đoàn Văn Vươn sau biến cố cưỡng chế đất đai ở khu Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng hồi đầu tháng 1.2012.
Ngày 26 tháng chạp, khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn chìm trong sương mù, mưa phùn lất phất và gió lạnh buốt rít lên từng hồi. Cống Rộc vẫn vậy, rừng cây ngập mặn lá rụng trơ cành hằn lên bầu trời xám xịt ngày cuối năm. Dường như khu bãi ngoài đê không có vẻ của Tết khi vắng tiếng người. Chúng tôi gặp lại ông Vươn khi ông cùng con trai là Đoàn Xuân Quỳnh (21 tuổi) đang dở tay trộn thức ăn cho đàn vịt biển kêu quàng quạc dưới đầm.
Tết năm nay vui nhất!
Cách đây 4 tháng, Quỳnh trở về nhà sau hơn nửa năm cùng anh em trong làng sang Trung Quốc làm nghề in ấn trên quần áo. Khi ấy, ông Vươn đã ở nhà, tập trung cải tạo lại khu đầm. Hằng ngày cậu cùng bố ở ngoài đầm chăm đàn vịt biển hơn 1.000 con và trông nom đầm nuôi cua, cá chép… “Cháu rất khâm phục bố vì bố mới về được hơn 5 tháng mà đã làm cho khu đầm trù phú trở lại, trước đây xơ xác lắm”, Quỳnh nói.
Mặc dù Tết đã cận kề, nhưng Quỳnh vẫn cùng bố Vươn cải tạo lại khu đầm bãi để mở mang sản xuất, chăn nuôi. Ảnh: Mai Linh
Cậu vốn là sinh viên ngành Công nghệ sinh học của Trường đại học Hải Phòng nhưng đã quyết định bỏ học giữa chừng vào đầu năm 2015, hiện đang ôn lại kiến thức để sắp tới thi vào ngành dược. Trong thời gian làm công nhân ở Trung Quốc, Quỳnh góp được 30 triệu đồng, gửi mẹ để làm vốn đi học. Cậu cho biết đã trưởng thành hơn sau gần 4 năm sống xa bố. Trước đây, Quỳnh hay ỷ lại, cãi lời bố mẹ nhưng khi sóng gió ập đến gia đình đã khiến cậu thay đổi, trở nên chăm ngoan vì “là anh cả trong nhà, phải đỡ đần mẹ chăm sóc các em”.
Hơn 4 năm trước, vào dịp cận Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, UBND huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế đất đai tại khu đầm của gia đình ông Vươn. Sau đó, ông Vươn và em trai là Đoàn Văn Quý phải đi cải tạo ở trại giam Hoàng Tiến (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Lúc ấy, Quỳnh đang học lớp 11. Kể lại những chuyến đi thăm nuôi bố và chú ngày cận Tết, Quỳnh cho biết không thể nào quên những khoảng lặng từ khi rời khỏi trại giam ra về cho tới qua 3 ngày Tết. “Tết đến nhưng trong nhà lặng lẽ lắm. Mẹ cháu với thím Hiền (vợ ông Quý – PV) ở ngoài đầm quanh quẩn với vườn chuối, gà vịt. Xem tivi thấy quảng cáo Tết sum họp mà cháu ứa nước mắt vì nhà mình không được sum họp như nhà họ. Nhiều lúc cháu chạy vào bụi chuối ngồi khóc thầm”, Quỳnh giãi bày và nói rằng: “Nhưng đó là câu chuyện đã qua. Tết năm nay vui nhất vì bố và chú Quý đã về”.
Chuyện mới chuyện cũ
Gia đình ông Vươn, ông Quý sống chung một nhà ở trong làng. Tết đang cận kề nhưng gia đình hai ông vẫn tập trung đến những phần việc ngoài đầm đang dang dở. Nhà ông Vươn không gói bánh chưng, trên ban thờ gia tiên đã tươm tất hoa quả, bánh kẹo. Trong suốt hơn 5 tháng qua, có nhiều người đến thăm hỏi ông, trong đó có cả những người dân đang đi khiếu kiện về đất đai. “Tôi rất chia sẻ với mọi người nhưng tôi khuyên không nên làm như tôi hồi đó. Có nhiều con đường để giải quyết”, ông Vươn nói.
Ông Vươn miệt mài với công việc chăm sóc đàn vịt biển gần 1.000 con sắp đến ngày xuất chuồng. Ảnh: Mai Linh
Hiện ông Vươn đang làm nhiều việc để khôi phục lại khu đầm. Vườn chuối đã cỗi nên ông chặt hết, đào đất đắp mở rộng con đường vào khu nhà ở để cho xe ô tô chở thóc, cám, vật liệu xây dựng… Một doanh nghiệp dược phẩm ở tỉnh Hải Dương hỗ trợ gia đình ông làm thí điểm khu chiết xuất tinh dầu xả. “Vùng đất ven biển này rất giàu dinh dưỡng nhưng tỷ lệ mặn vẫn cao nên rất thích hợp trồng các loại cây như chuối tây, riềng, tỏi, sả. Ra Tết, tôi sẽ trồng cây sả vì loại cây này dễ trồng và tận dụng được chỗ đất bé không để cỏ dại mọc. Nếu kế hoạch thành công tôi sẽ biến thành vùng chuyên canh sả, giúp bà con nơi đây thoát nghèo trên đồng ruộng của mình”, ông Vươn cho biết.
Con đường vào khu trang trại trên đầm đã được gia đình anh em ông Vươn - Quý cải tạo lại rộng và chắc chắn hơn trước. Ảnh: Mai Linh
Dưới đầm, ông thả cá chép, cá mè, hơn 20.000 con cua và nuôi loài vịt biển trên mặt nước từ hồi tháng 11.2015. Đây là ý tưởng của ông từ trước khi xảy ra biến cố, giờ thực hiện tiếp. Ông nói cho chúng tôi cách chăm sóc vịt không dùng thức ăn công nghiệp, cách chế biến cá tươi làm thức ăn cho vịt và cách dùng men vi sinh xử lý nguồn nước, đảm bảo không bị ô nhiễm, dịch bệnh. Thật thú vị nghe về câu chuyện nuôi vịt, trồng sả làm tinh dầu của một nông dân chính hiệu, giàu kinh nghiệm và được đào tạo bài bản ở trường đại học nông nghiệp.
Ông Vươn kể ông đang đầu tư hơn 100 triệu đồng để nuôi vịt biển và đang dần thu hồi vốn khi có nhiều nhà hàng ăn uống ở Hà Nội làm đầu mối tiêu thụ vịt. Ông đang ấp ủ ý tưởng làm vịt sạch để cung cấp ra thị trường. Nhìn đàn vịt phổng phao, ông Vươn cho biết số mệnh gắn bó với mảnh đất nơi cửa biển này xuất phát từ chính những ngày chăn vịt năm nào. “Những ngày thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi ra đây chăn vịt thấy sóng biển vỗ ngày đêm vào chân đê, những cánh rừng ngập mặn không có. Mỗi khi có tin bão là dân trong làng phải đi sơ tán, từng mái nhà tranh bị cuốn bay theo gió lớn. Tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm để thay đổi sự xâm lấn của biển nên đã tìm hiểu tài liệu của Viện Hải dương học. Tôi thấy rằng nguyên nhân là do dòng hải lưu chảy theo hướng đông-tây, cộng với việc dòng chảy của sông Văn Úc lớn khiến bị xâm thực. Ngày 4.10.1993, tôi đã quyết làm “canh bạc” với trời, đổ đá xuống để thay đổi dòng chảy, làm phù sa bồi lắng và dần trồng 60ha rừng ngập mặn. Từ chỗ biển lấn, tôi đã làm thành lấn biển sau 10 năm đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và tiền của. Nhiều người dân đã từng không tin vào sự thành công của tôi lúc ấy mới chịu tin”, ông Vươn kể lại.
Khi đang trò chuyện cùng chúng tôi, ông Vươn có điện thoại công việc, tiếng nhạc bài hát Tình cây và đất vang lên. Ông nói rằng rất thích bài hát này vì thấy được số phận mình trong đồng đất quê hương.
Mai Linh