Nước chủ nhà Indonesia triển khai xe điện hộ tống, ngựa tuần tra, thậm chí cả tàu chiến và chiến đấu cơ để đảm bảo an ninh cho hội nghị thượng đỉnh G20 trên đảo Bali.

Tàu chiến, chiến đấu cơ được huy động giữ an ninh hội nghị thượng đỉnh G20

Cẩm Bình | 13/11/2022, 14:41

Nước chủ nhà Indonesia triển khai xe điện hộ tống, ngựa tuần tra, thậm chí cả tàu chiến và chiến đấu cơ để đảm bảo an ninh cho hội nghị thượng đỉnh G20 trên đảo Bali.

Hơn 18.000 cảnh sát cùng binh sĩ nhận nhiệm vụ bảo vệ các nhà lãnh đạo và phái đoàn tháp tùng đến khu nghỉ dưỡng Nusa Dua dự hội nghị trong hai ngày 15 - 16.11. Chiến dịch đảm bảo an ninh mang tên Grand Castle đối phó từ tấn công bằng bom, tấn công khủng bố đến biểu tình, thiên tai.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto tự tin tuyên bố: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho một sự kiện lớn đối với đất nước. Đây là vinh dự lớn”. Ít nhất 17 nguyên thủ quốc gia đã xác nhận tham dự trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Bali không hề lạ lẫm với việc tổ chức sự kiện quốc tế, nhưng ở hội nghị thượng đỉnh G20 này an ninh được đặc biệt thắt chặt.

12 tàu chiến, 2 chiến đấu cơ F-16, 13 trực thăng sẽ bảo vệ vùng biển cùng vùng trời Bali, còn xe bọc thép Anoa luôn túc trực để sơ tán người tham dự hội nghị trong trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng.

bali01.jpg
Xe bọc thép Anoa - Ảnh: Straits Times

Một chiến hạm đóng ở vùng biển gần Nusa Dua hoạt động như bệnh viện nổi, 42 ô tô cùng 126 mô tô - đều chạy bằng điện - phụ trách hộ tống các nhà lãnh đạo và phái đoàn tháp tùng, 84 mô tô điện khác được sử dụng làm phương tiện an ninh và cứu hộ.

Tại khu vực an ninh cao nhất nơi hội nghị diễn ra, 18 cảnh sát chia thành 3 ca tuần tra bằng ngựa. Đội tuần tra giúp giữ trật tự trong trường hợp xảy ra biểu tình hoặc bạo loạn.

Tại sân bay lẫn cảng biển, đội an ninh đặc biệt dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt giám sát mọi người đến Bali. Người dân địa phương được yêu cầu không tổ chức nghi lễ truyền thống hay hoạt động tôn giáo cho đến ngày 17.11, học sinh chuyển sang học trực tuyến, người lao động làm việc tại nhà. Phương tiện căn cứ biển số xe để lưu thông theo ngày chẵn hoặc ngày lẻ để tránh xảy ra ùn tắc.

bali00.jpg
Mô tô điện phục vụ hội nghị thượng đỉnh G20 - Ảnh: Straits Times

Dù phải chịu nhiều hạn chế, người dân Bali vẫn rất hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh G20. Họ xem đây là dịp khôi phục nền kinh tế và ngành du lịch địa phương.

Du khách đến Bali được tiếp đón nồng nhiệt: đường phố treo đầy cọc tre trang trí (penjor), khắp nơi đều giăng biểu ngữ chào mừng.

Theo tài xế xe buýt Ketut Suardika: “Bali đã chết trong đại dịch COVID-19, không khách du lịch, đường phố vắng lặng, khách sạn vắng tanh. G-20 là một cơ hội lớn để chúng tôi nói với thế giới rằng chúng tôi sẵn sàng hồi sinh ngành du lịch”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu chiến, chiến đấu cơ được huy động giữ an ninh hội nghị thượng đỉnh G20