Để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2023, theo các chuyên gia, phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thông thoáng về môi trường kinh doanh, phục hồi niềm tin từ sản xuất đến tiêu dùng…

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp để bức tranh kinh tế 2023 bớt ảm đạm

Sơn Lam | 10/05/2023, 15:51

Để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2023, theo các chuyên gia, phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thông thoáng về môi trường kinh doanh, phục hồi niềm tin từ sản xuất đến tiêu dùng…

Bức tranh kinh tế ảm đạm những tháng đầu năm

Các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa qua đều đánh giá kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 đã bộc lộ những khó khăn, thách thức. Điều này gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1/2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước. Các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước ở mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn.

Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận mức giảm. Khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp khi tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng.

Bên cạnh những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới và trong nước, doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Ví dụ điển hình là các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy chữa cháy được ban hành.

kt-2.jpg
Bức tranh kinh tế những tháng đầu năm khá ảm đạm

Các doanh nghiệp cho rằng nhiều quy định mới về phòng cháy chữa cháy được giới doanh nghiệp đánh giá là vượt cả nước phát triển và chưa có tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ.

Theo đó, nhiều công trình đã được đầu tư theo phương án cũ bảo đảm quy định tại Nghị định số 97/2014/NĐ-CP, có kết cấu bê tông chắc chắn, hoặc thi công hết phần đất xây dựng. Hiện nay, nếu thẩm định để tuân thủ những quy định mới được ban hành tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP sẽ phát sinh nhiều vướng mắc như phải chỉnh sửa cả kết cấu có thể làm suy giảm tuổi thọ công trình, hay là lắp thêm những đường ống dẫn nước để giúp khả năng dập tắt đám cháy khi xảy ra hỏa hoạn cũng cần đục bê tông để dẫn ống nước vào từng tầng, từng phòng trong căn nhà không chỉ làm suy yếu kết cấu mà còn gia tăng chi phí xây dựng…

“Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy được ban hành không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, khó thực hiện trên thực tế quy định yêu cầu sử dụng vật liệu chống cháy, sơn chống cháy chưa được cấp phép trên thị trường Việt Nam. Chính vì không nghiệm thu được công trình mới, sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa”, doanh nghiệp nêu.

Ngoài ra, một khó khăn nữa là mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao và tín dụng tăng trưởng thấp. Điều này cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế; nợ xấu có xu hướng tăng, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tài chính...

Tình trạng xấu đến mức Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phải “cảm thán” rằng “nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được là đã bán, thậm chí bán với 50% giá thực. Người mua là ai, toàn là nước ngoài. Đấy là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần về việc thâu tóm của nước ngoài, rất nguy hiểm, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn mà chúng ta cần phải giữ".

Các động lực chính đều suy giảm

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng nhiều nguyên nhân dẫn đến bức tranh ảm đạm của kinh tế những tháng đầu năm đã được chỉ ra, nhưng về cơ bản là động lực cầu suy giảm nghiêm trọng. Trong đó, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu từ các bạn hàng chủ lực (thường là các quốc gia phát triển) do suy thoái kinh tế trên nền lạm phát vẫn neo cao, cầu tiêu dùng trong nước cũng chưa thực sự phục hồi như kỳ vọng.

Ngoài ra, theo ông Việt, một nguyên nhân nữa là nền lãi suất tăng cao cuối năm 2022 cộng với chi phí sản xuất đầu vào vẫn ở mức cao đã bào mòn biên lợi nhuận và đẩy nhiều doanh nghiệp vào thua lỗ, phá sản và buộc phải tạm dừng hoạt động; khủng hoảng trái phiếu và khu vực bất động sản đã khiến ngành này co cụm, tác động tâm lý dây chuyền sang một số lĩnh vực khác.

“Chúng ta cũng thấy một số đầu tàu kinh tế cũng mất động lực tăng trưởng, ngoài những nguyên nhân kể trên thì còn do yếu kém cơ sở hạ tầng kéo dài, chi phí tuân thủ và thực thi chính sách tăng cao, khiến nản lòng các nhà đầu tư”, ông Việt nói.

ts-viet-4.jpg
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Theo ông Việt, ngoài các nguyên nhân vĩ mô như kể trên thì còn có nguyên nhân đến từ môi trường kinh doanh kém cải thiện, nhiều điều kiện kinh doanh chuyên ngành ngặt nghèo (ví dụ các quy định về phòng cháy chữa cháy gần đây) gây nản lòng và buộc các doanh nghiệp phải dừng hoạt động.

Để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2023, theo ông Nguyễn Quốc Việt, phải kiên quyết khơi thông sức sản xuất, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thông thoáng về môi trường kinh doanh, phục hồi niềm tin từ sản xuất đến tiêu dùng trong và ngoài nước.

“Phải có chính sách tiền tệ phù hợp và linh hoạt từ phía Ngân hàng Nhà nước để vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, khai thông ách tắc thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn tín dụng cho hệ thống”, ông Việt nêu.

Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng với khó khăn như vậy, dự báo quý 2/2023 kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, vai trò của Nhà nước cần phải được tăng lên.

“Chúng ta hoạt động, vận hành theo cơ chế thị trường, theo quy luật của thị trường nhưng bàn tay vô hình của Nhà nước trong lúc này là rất cần trong việc dẫn dắt, hỗ trợ, làm bệ đỡ giúp cho doanh nghiệp giải quyết những vấn đề khó khăn. Theo đó, cần linh hoạt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư; ổn định lại thị trường bất động sản…”, bà Thanh nêu.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn, số liệu về lao động, việc làm lại có những cải thiện với tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm giảm, thu nhập tăng. Do đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn tình hình lao động, việc làm trong quý 1/2023 và làm rõ nhận định tình hình lao động, việc làm có mâu thuẫn với số liệu về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, hoạt động doanh nghiệp.

Bài liên quan
Dự án chính quyền số TP.Hải Phòng: Gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
UBND TP.Hải Phòng vừa khai trương Dự án Chính quyền số TP.Hải Phòng - một trong những dự án quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp để bức tranh kinh tế 2023 bớt ảm đạm