Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Hoàn thiện dự thảo nghị quyết giảm thuế VAT: Tiếp sức doanh nghiệp phục hồi

Hoài Lam | 07/05/2023, 09:32

Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Chính phủ vừa quyết nghị thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) như đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị quyết theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký tờ trình báo cáo Quốc hội về dự thảo nghị quyết nêu trên theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chủ động báo cáo, giải trình với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.

Theo dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31.12.2023.

vat.jpg
Chính phủ vừa quyết nghị thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)

Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Về mức giảm thuế VAT, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.

Theo Bộ Tài chính, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu), việc tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5,8 nghìn tỉ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỉ đồng.

Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm thuế VAT được người tiêu dùng và doanh nghiệp rất mong đợi.

Theo ông Thịnh, việc giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp giảm được 2% thuế VAT các chi phí mua vào nguyên liệu đầu vào… phục vụ sản xuất - kinh doanh. Việc giảm chi phí sản xuất - kinh doanh đầu vào tạo điều kiện đã giảm giá hàng hoá đầu ra, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng tích cực, chủ động hơn trong việc mua hàng, từ đó, chi tiêu rộng rãi hơn, có tác dụng kích cầu tiêu dùng.

vat-2.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

“Do đó, nhìn dưới góc độ vĩ mô, việc Chính phủ hỗ trợ giảm thuế VAT sẽ kích thích chi tiêu nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP. Hơn nữa, việc giảm giá hàng hóa sẽ giảm sức ép lạm phát, làm cho VND có sức mạnh hơn, từ đó góp phần ổn định giá trị đồng tiền so với các đồng tiền quốc tế, đặc biệt là USD. Việc tỷ giá ổn định cũng góp phần thúc đẩy hoạt động thu hút FDI và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, bảo đảm các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế quốc dân”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng chính sách cần được áp dụng càng sớm càng tốt. Nếu Quốc hội ban hành nghị quyết trong tháng 5, nên áp dụng ngay trong tháng 6 thay vì từ tháng 7 như đề xuất của Bộ Tài chính.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng cho rằng việc Chính phủ đồng thuận trình Quốc hội xem xét giảm thuế VAT là động thái chính sách có tác động rất tích cực và hết sức cần thiết.

Theo ông Việt, chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp hướng vào thị trường bán lẻ trong nước khi việc giảm thuế sẽ kích thích chi tiêu, trong đó trực tiếp nhất là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, tiêu dùng thiết yếu, thậm chí là dịch vụ, du lịch.

Ông Việt cũng cho rằng mặc dù quý 1/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa vượt ngưỡng nhưng việc phòng ngừa lạm phát ở giai đoạn cuối năm là điều Việt Nam vẫn cần tính toán khi rất nhiều yếu tố có thể đe dọa lạm phát. Do đó, triển khai giảm thuế VAT sẽ như một cú đệm để giảm áp lực tăng giá, giải tỏa áp lực lạm phát.

TS Nguyễn Quốc Việt cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội có thể xem xét cơ chế thông qua chính sách này một cách nhanh chóng nhất có thể.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoàn thiện dự thảo nghị quyết giảm thuế VAT: Tiếp sức doanh nghiệp phục hồi