Tăng trưởng kinh tế thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả chống dịch, đặc biệt là tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn quốc.

Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất lớn vào tiến trình tiêm vắc xin COVID-19

Tuyết Nhung | 01/09/2021, 15:43

Tăng trưởng kinh tế thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả chống dịch, đặc biệt là tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn quốc.

Trong báo cáo nhận định về tình hình kinh tế trong nước tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 26,2 tỉ USD, giảm 6% so với tháng trước.

article-32.jpeg
Tình hình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc lớn vào việc tiêm xắc xin - Ảnh: Internet

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,94 tỉ USD, giảm 9,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,26 tỉ USD, giảm 4,5%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 27,5 tỉ USD, giảm 5,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế vốn trong nước đạt 9,65 tỉ USD, giảm 5,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,85 tỉ USD, giảm 5,4%. 

Trong khi đó, sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,4%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%...

Bộ Công Thương nhìn nhận, trong thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trải rộng trên toàn quốc đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước.

Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, dù đã ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa... nhưng một số địa phương vẫn còn cứng nhắc ban hành một số quy định không phù hợp, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất. 

Các nhà máy, đơn vị sản xuất đóng tại địa phương là một mắt xích của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng. 

Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 trong nước, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh thành phía nam đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu từ tháng 7 đến nay. "Do đó, tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn quốc", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm trong khi xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao phục vụ cho mùa tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may, da giày và thủy sản… Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể gặp nhiều khó khăn khi TP.HCM và các tỉnh phía nam buộc phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến giao thông vận tải, hậu cần và logistics bị gián đoạn. 

Các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng được các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến"… Không những vậy, việc lao động về quê tránh dịch cũng dẫn đến nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử… 

Quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía bắc. 

Do đó, từ nay đến cuối năm để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực, hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, đại diện của Bộ sẽ làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc để đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía bắc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất lớn vào tiến trình tiêm vắc xin COVID-19