Ngày 30.3, Tổng cục Thống kê công bố mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM.

Tăng trưởng GRDP quý 1/2023 của TP.HCM thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương

H.Đ | 30/03/2023, 19:20

Ngày 30.3, Tổng cục Thống kê công bố mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM.

Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn, là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra trên địa bàn trong một khoảng thời gian nhất định) quý 1/2023 cao nhất, đạt 9,65% (đứng thứ 3/63 địa phương, sau Hậu Giang, Bình Thuận). Xếp thứ 2 là Đà Nẵng với GRDP tăng 7,12%, đứng thứ 19/63 địa phương trong cả nước).

Với GRDP tăng 5,8%, Hà Nội xếp vị trí thứ 3 và đứng thứ 32/63 địa phương. Đứng vị trí thứ 4 là TP.Cần Thơ với GRDP tăng 4,02%, đứng thứ 43/63 địa phương. TP.HCM có mức tăng trưởng GRDP quý 1/2023 thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạt 0,70% và đứng thứ 56/63 địa phương.

Về tổng giá trị tăng thêm (không có thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm), trong quý 1/2023, chỉ số này của Hải Phòng ước tính tăng 9,83% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,49%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,09%, đóng góp 6,04 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 10,21% đóng góp 3,77 điểm phần trăm.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng, là động lực tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng với giá trị tăng thêm tăng 11,97%, đóng góp 5,84 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Với Đà Nẵng, nhờ đà phục hồi tích cực của hoạt động du lịch và các lĩnh vực dịch vụ khác đi kèm, kinh tế thành phố Đà Nẵng quý 1 vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá với mức tăng tổng giá trị tăng thêm đạt 7,84% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 11,53%, đóng góp 8,86 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,01%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 4,74%, làm giảm 1,02 điểm phần trăm.

Hà Nội có tổng giá trị tăng thêm quý 1 ước đạt 6,21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,11%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng khá với mức tăng 7,4%, đóng góp 5,64 điểm phần trăm.

Tại Hà Nội, trong khu vực dịch vụ, một số ngành tăng trưởng cao và đóng góp nhiều vào mức tăng chung như: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 35,13%, đóng góp 1,04 điểm phần trăm; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,69%, đóng góp 0,92 điểm phần trăm; bán buôn, bán lẻ tăng 8,22%, đóng góp 0,84 điểm phần trăm…

TP.Cần Thơ, mức tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm quý 1 đạt 4,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,60%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,64%, đóng góp 0,87 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,19%, đóng góp 3,33 điểm phần trăm.

Tại TP.HCM, khu vực dịch vụ (chiếm hơn 65% GRDP của thành phố) tăng 2,07% đóng góp 1,53 điểm phần trăm trong tốc độ tăng chung nhưng có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm (vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội). Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng cũng giảm 3,6%, làm giảm 0,91 điểm phần trăm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,06%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm.

Theo Tổng cục Thống kê, sang quý 2/2023, kinh tế cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều này, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng trưởng GRDP quý 1/2023 của TP.HCM thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương