Vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất về dự thảo tăng học phí đối với các bậc học (mầm non, tiểu học, THCS và THPT) áp dụng từ năm học 2022-2023 đã gây nhiều nỗi lo lắng cho các bậc phụ huynh.
Theo mức đề xuất hiện nay của Sở GD-ĐT TP.HCM, ngoài bậc tiểu học không thu học phí theo quy định, các bậc học còn lại từ mầm non đến THPT tại TP đều dự kiến áp dụng mức thu mới, tăng cao so với mức thu hiện nay, từ 70.000 đồng đến 240.000 đồng/tháng, tùy cấp học và nhóm địa bàn. Riêng ở bậc trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên trung học cơ sở tại các quận sẽ tăng học phí từ 60.000 đồng/tháng/học sinh như hiện nay lên 300.000 đồng/tháng/học sinh, tăng gấp 5 lần so với mức hiện đang áp dụng.
Ở thời điểm hiện tại, sau một thời gian dài gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 ở TP thì việc tăng học phí như vậy đã tạo không ít phản ứng trái chiều trong dư luận khi mức tăng được xem là chưa phù hợp, tạo ra gánh nặng cho phụ huynh học sinh. Bên cạnh học phí, nhiều ý kiến lo ngại các khoản thu dịch vụ khác như tiền nước uống, phí quản lý sổ liên lạc điện tử, mua đồng phục, dụng cụ học tập… dự báo cũng tăng do ảnh hưởng của biến động giá cả. Do đó, tổng chi phí tăng thêm cho mỗi học sinh ước tính khoảng 2,5 triệu đồng - số tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình có thu nhập trung bình và thấp.
Anh Thiều - phụ huynh có con đang học lớp 6 Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) cho biết, năm nay Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai chỉ tính riêng các đầu sách trong bộ SGK đã có tổng giá bìa hơn 210.000 đồng/bộ, tăng 90.000 đồng so với sách của chương trình hiện hành.
“Nếu đề xuất tăng học phí được thông qua thì mỗi tháng tôi phải đóng thêm học phí cho con là 240.000 đồng, tức cả năm học tăng gần 2,2 triệu đồng, chưa kể còn hàng loạt khoản phí khác như đồng phục, bán trú, ngoại khóa…”, anh Thiều tâm tư.
Nhiều phụ huynh cho biết, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 chưa kịp hồi phục nên năm học tới vừa tăng giá SGK, vừa tăng học phí thì khá áp lực. Vì vậy, đề xuất tăng học phí trong bối cảnh này được xem là không phù hợp vì sẽ tạo ra “áp lực chồng áp lực” đối với phụ huynh, đặc biệt những gia đình có 2-3 con đi học.
Chị Thu (quận Tân Phú), một phụ huynh có 2 con học THCS, nói quy định đã có nhưng có thể sửa lại là tạm thời chưa tăng học phí để nhiều người khó khăn vực dậy nền kinh tế gia đình trước đã hay không, dù học phí mới chỉ là một trong số nhiều lo lắng khác.
"Hiện giá cả các mặt hàng khác cũng đang tăng, nên người dân vẫn cần được Nhà nước trợ giá học phí cho khu vực trường công ở thời điểm này", chị Thu nêu vấn đề. Ngoài chuyện tăng học phí, chị Thu cũng cho rằng việc tăng giá SGK, đồ dùng học tập thời gian qua cũng chưa hợp lý.
Còn theo chị T.P., một phụ huynh Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), thì nhà nước cần hỗ trợ để các nhà trường xây dựng tủ SGK dùng chung cho học sinh nghèo mượn vì chỉ riêng giá SGK ở các lớp học chương trình mới năm nay đã là gánh nặng với phụ huynh.
"Dịch bệnh bùng phát khiến cuộc sống của nhiều gia đình ở TP.HCM lâm vào cảnh khó khăn hơn. Tôi nghĩ trước khi quyết định tăng học phí, HĐND TP.HCM nên khảo sát xem hơn 1 triệu gia đình có con đang học bậc mầm non, THCS, THPT (bậc tiểu học được miễn học phí) trên địa bàn TP thì có bao nhiêu gia đình "chịu đựng" được mức học phí mới?", cô N., giáo viên lớp 11 ở quận 12 chia sẻ.
Theo ý kiến của hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Bình Chánh thì TP.HCM hiện có hơn 370.000 học sinh không có hộ khẩu thành phố trong tổng số 1,7 triệu học sinh ở tất cả bậc học (chiếm tỷ lệ 21,7%). Phần lớn các em có cha mẹ là lao động nhập cư, thu nhập thấp, đang ở trọ tại nhiều khu vực vùng ven trên địa bàn thành phố. Nếu đề xuất tăng học phí được thông qua, cần tính đến việc chăm lo cho nhóm đối tượng này, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền được đi học cho tất cả học sinh.
Đồng quan điểm đó, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng học phí là loại giá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước quản lý giá. Vì thế, trong bối cảnh cả xã hội vừa trải qua dịch COVID-19, thu nhập của người dân còn hạn chế thì không nên tăng học phí ở thời điểm này. Mức tăng học phí tại các địa phương cần được cân nhắc cho phù hợp với sức chịu đựng của đa số người dân, điều này rất quan trọng.
"Học phí tác động tới hầu hết các gia đình, vì nhà nào cũng có con đi học nên cần cân nhắc kỹ tác động trước khi quyết định tăng học phí. Ngay cả việc tăng giá bán SGK thời gian qua cũng cần các cơ quan quản lý vào cuộc làm rõ chứ không thể đẩy hết cho người tiêu dùng được", ông Long nhấn mạnh.
Như vậy, sau 2 ngày Sở GD-ĐT TP.HCM lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo tăng học phí đối với các bậc học, gây ra nhiều nỗi lo lắng bất an cho người dân, đặc biệt là người lao động nhập cư có thu nhập thấp. Hôm nay (18.5), ông Nguyễn Văn Hiếu Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, dựa trên các phân tích về tình hình phục hồi kinh tế của thành phố sau ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở sẽ có các đề xuất tiếp theo thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh ở tất cả bậc học.
"Dự thảo mức thu học phí cần được xây dựng để xác định mức thu học phí mới áp dụng từ năm học 2022-2023, đồng thời là cơ sở để cấp bù học phí khi thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh. Do đó, song song với việc đề xuất mức thu học phí mới, ngành giáo dục đang xây dựng chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí đi kèm áp dụng đối với một số đối tượng học sinh", Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.
Ông Hiếu cũng bày tỏ, trong đề xuất tới đây, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đề xuất chính sách miễn giảm học phí cho học sinh bậc THCS (đề xuất này đã được trình vào năm 2018 nhưng do vướng luật nên không thực hiện được), đồng thời nghiên cứu các phương án lùi thời điểm áp dụng mức thu học phí mới để giảm gánh nặng cho cha mẹ học sinh.
"Đầu năm học là thời điểm phụ huynh chịu nhiều áp lực chi phí. Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ cân nhắc đề xuất thời điểm phù hợp, nhiều khả năng không áp dụng từ đầu năm học 2022-2023 để chia sẻ áp lực với cha mẹ học sinh", Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.
Riêng đối với ý kiến đề xuất tăng học phí theo lộ trình từng năm học, đại diện Sở GD-ĐT khẳng định không thể "chia nhỏ" mức tăng học phí trong nhiều năm học do mức thu học phí mới được đề xuất đã là mức sàn theo quy định mới của Chính phủ, không thể áp dụng mức thu thấp hơn mức sàn của Nghị định 81.
Sau khi xây dựng các phương án về hỗ trợ học phí và thời điểm áp dụng, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét và quyết định. Trong đó, chính sách miễn giảm học phí được thông qua đến đâu thì ngân sách thành phố sẽ thực hiện cấp bù học phí đến đó theo các mức hỗ trợ đã được HĐND TP.HCM phê duyệt.
Mức học phí mới được Sở GD-ĐT TP.HCM dự thảo xây dựng theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Cụ thể:
Bậc mầm non: các quận tại TP.HCM từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng/trẻ/tháng. Các huyện giữ nguyên mức 120.000 đồng/học sinh/tháng.
Các lớp mẫu giáo thuộc quận từ 160.000 đồng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng. Các huyện giữ nguyên mức 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Bậc THCS: học sinh ở các quận từ 60.000 đồng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 5 lần so với trước.
Học sinh bậc THCS, GDTX THCS thuộc các huyện tại TP.HCM từ 30.000 đồng lên 70.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 40.000 đồng/học sinh/tháng.
Bậc THPT: học sinh thuộc các quận từ 120.000 đồng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng.
Học sinh các huyện từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng/học sinh/tháng.