Chỉ còn gần 1 tháng sẽ diễn ra kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập, các trường THCS đang dồn toàn lực để ôn tập cho học sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi được đánh giá là khá căng thẳng sắp tới.

Kỳ thi vào lớp 10: Cha mẹ đừng nên áp lực, để học sinh bớt hoang mang

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 18/05/2022, 09:21

Chỉ còn gần 1 tháng sẽ diễn ra kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập, các trường THCS đang dồn toàn lực để ôn tập cho học sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi được đánh giá là khá căng thẳng sắp tới.

Gần 30% học sinh THCS sẽ phải học ngoài trường công lập

Theo số liệu từ Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay, toàn thành phố có khoảng 104.000 học sinh (tăng khoảng 14.000 học sinh so với năm học 2021-2022) tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và có khoảng 129.000 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS. Trong đó, chỉ tiêu vào các trường công lập tuyển khoảng 77.000 học sinh (tăng khoảng 10.000 học sinh so với năm học 2021-2022). Như vậy có nghĩa gần 30% học sinh sẽ phải chuyển đổi sang học các trường nghề hoặc học các trường ngoài công lập khi điểm số thấp hơn so với các học sinh khác. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 18 và 19.6.2022. Năm nay, các thí sinh của Hà Nội sẽ dự thi 3 môn Toán, Văn hệ số 2 và Ngoại ngữ hệ số 1. Vì thế các trường tăng tốc ôn tập 3 môn trên để tăng cơ hội đậu vào lớp 10 công lập cho học sinh. Để dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập không chuyên, mỗi học sinh phải dự thi đủ 3 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đưa vào diện xét tuyển những học sinh không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả thi và không có bài thi nào bị điểm 0.

Điều này cũng đồng nghĩa, nếu không trúng tuyển vào trường chuyên, vào các trường THPT công lập, nhiều thí sinh sẽ phải học trường ngoài công lập dù điểm thi của các em có thể cao hơn điểm chuẩn một số trường công lập khác trên địa bàn. Trong khi đó, hiện nay so với nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh, số học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội thường đông hơn nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 vào công lập thường ít và tỷ lệ cạnh tranh luôn nằm trong tốp đầu cả nước.

Chia sẻ về việc ôn tập của con trai mình trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay, chị Quách Thị Hiệu - Nghĩa Tân, Hà Nội cho biết suốt gần 2 năm qua các con học trực tuyến là chủ yếu nên kiến thức đã ít nhiều không được củng cố một cách liên tục. "Thời gian này khi chỉ còn 1 tháng nữa là thi nên tôi đã đăng ký thêm các buổi ôn luyện cho cháu ở những nơi luyện thi. Gia đình cũng phải động viên cháu thêm chứ áp lực quá cho các con cũng không tốt, đặc biệt đã có những hệ lụy vừa xảy ra. Nhưng nói thế chứ gia đình tôi cũng rất lo lắng, vì nếu con không đỗ trường công lập thì sang học dân lập, học phí rất cao, sợ lương tháng 2 vợ chồng lại không đủ".

Đưa ra suy nghĩ của mình, thầy Lê Đức Thuận (quận Ba Đình) cho biết rằng bản thân cha mẹ rất kỳ vọng vào con, mong con cái mình thi đỗ một trường công lập tại Hà Nội, tuy nhiên nếu lực học của các học sinh chưa thể tốt nhất thì vẫn nên động viên con, những kỳ vọng của phụ huynh vô tình là áp lực cho chính con em của mình. Mỗi kỳ thi, các học sinh trải qua đều có những áp lực nhất định, ngoài việc học, ôn luyện, các con lại thêm những lời nói hay kỳ vọng của cha mẹ thì vô hình chung lại thành áp lực cho con mình lúc nào không hay. "Thời điểm này, cha mẹ nên động viên con mình, cho con ôn luyện lại những kiến thức đã học và củng cố thêm những bài tập nhỏ".

Áp lực kỳ thi, cha mẹ đừng nên kỳ vọng 

Trước đó, đưa ra ý kiến của mình về áp lực của các kỳ thi, đặc biệt khi các học sinh vừa trải qua đợt dịch COVID-19, TS Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục TP.Hà Nội cho rằng diễn biến áp lực tâm lý sau dịch COVID-19 học sinh nào cũng mắc phải. Nhưng quan trọng chính gia đình và nhà trường phải nhìn nhận ra sao. "Áp lực lớn nhất của học sinh chính là gia đình, cha mẹ nào mà chẳng mong con giỏi giang, đó là mong ước chính đáng. Tuy nhiên, mong muốn đó vô hình trung tạo áp lực cho các con. Bất kỳ mong muốn nào cũng phải xuất phát từ năng lực thực tế của các em. Nếu áp lực từ phía phụ huynh thì phải mạnh dạn nói chuyện, trình bày ý muốn nguyện vọng với bố mẹ để bố mẹ căn chỉnh cho phù hợp bởi không ai thương con cái vô điều kiện như bố mẹ. Nếu là áp lực từ phía nhà trường thì hãy chọn thầy cô mình thấy gần gũi nhất để mạnh dạn tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ của mình và các thầy cô sẽ căn chỉnh, hướng ta đến cái tốt đẹp hơn."

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết: “Đề thi nằm trong nội dung chương trình kiến thức toàn cấp THCS năm học 2021-2022 do Bộ GD-ĐT ban hành và chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Những nội dung đã được Bộ GD-ĐT tinh giảm, hoặc chỉ tham khảo thì không nằm trong nội dung thi”.

Hiện nay, theo thông tin từ các trường THCS trên địa bàn, công tác ôn luyện cơ bản đã hoàn tất. Thầy cô ôn tập theo hướng rà soát lại kiến thức cũ, luyện đề theo thời gian thi mới công bố để học sinh biết cách cân chỉnh thời gian. Cô Nguyễn Mỹ Hảo - Giáo viên trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết khoảng thời gian này gia đình và cả nhà trường đều phối hợp việc ôn luyện củng cố thêm kiến thức cho học sinh. Một mặt vẫn trấn an tâm lý cho các học sinh để các em không quá hoang mang. Chúng tôi cũng lựa chọn những câu hỏi, áng chừng dạng đề thi để xem câu nào là bớt đi, câu nào có thể thay đổi để cho các em không quá lo lắng. Kỳ thi đã đến gần, chúng tôi cũng mong các em cùng phụ huynh cố gắng cho một kỳ thi thuận lợi nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ thi vào lớp 10: Cha mẹ đừng nên áp lực, để học sinh bớt hoang mang