Sự phụ thuộc của quân đội Mỹ vào quỹ đạo Trái đất tạo nên gót chân Achilles.

‘Tấn công vệ tinh có thể sẽ diễn ra nếu Mỹ - Trung giao tranh ở eo biển Đài Loan’

Nhân Hoàng | 26/05/2021, 19:42

Sự phụ thuộc của quân đội Mỹ vào quỹ đạo Trái đất tạo nên gót chân Achilles.

tan-cong-ve-tinh-co-the-se-bat-dau-neu-my-trung-giao-tranh-o-eo-bien-dai-loan.jpg
Trung Quốc thúc đẩy vào không gian để bắt kịp Mỹ 

Khi Trung Quốc hạ cánh tàu thăm dò Chúc Dung xuống sao Hỏa vào tháng này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ca ngợi thành công của sứ mệnh cũng như tình trạng chương trình vũ trụ đang phát triển của nước này.

Theo Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình cho biết: “Cuộc hạ cánh đã để lại dấu ấn của Trung Quốc trên sao Hỏa lần đầu tiên. Đó là một tiến bộ mang tính bước ngoặt khác trong sự phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc".

Sứ mệnh tàu vũ trụ Thiên vấn-1 giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai hạ cánh thành công tàu thám hiểm trên sao Hỏa sau Mỹ. Vào năm 2019, Trung Quốc thực hiện thành công chuyến hạ cánh đầu tiên của tàu thăm dò ở phía xa của Mặt trăng. Ngày 29.4 vừa qua, Trung Quốc đã phóng tên lửa Trường Chinh 5B mang theo mô đun lõi Thiên Hà lên trạm Thiên Cung, với kế hoạch hoàn thành căn cứ vào năm 2022.

Ngoài hoạt động khoa học hoặc quân sự, việc tiến vào vũ trụ của Trung Quốc về cơ bản được thúc đẩy bởi tham vọng trở thành siêu cường và bắt kịp Mỹ.

Kazuto Suzuki, Giáo sư Đại học Tokyo và chuyên gia về an ninh trong không gian, cho biết: “Nó đòi hỏi chi phí khổng lồ và đi kèm với rủi ro để đưa con người vào không gian. Nếu mục đích hoàn toàn là quân sự, nó sẽ chỉ yêu cầu phóng các vệ tinh tinh vi. Nhưng họ xây dựng một trạm vũ trụ, lên Mặt trăng và thăm dò sao Hỏa vì muốn chứng minh những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc với người dân và cộng đồng quốc tế".

tan-cong-ve-tinh-co-the-se-bat-dau-neu-my-trung-giao-tranh-o-eo-bien-dai-loan3.jpg
Liên Xô đã phóng Sputnik 1 (bên trái), vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới, vào năm 1957 trong khi Mỹ đạt được sứ mệnh Mặt trăng có người lái đầu tiên (phải) vào năm 1969

Niềm tự hào về các siêu cường đã thúc đẩy Mỹ và Liên Xô cạnh tranh trong không gian. Liên Xô đã phóng Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới, vào năm 1957. Không chịu thua kém, người Mỹ đã đổ tiền vào Apollo, chương trình thực hiện sứ mệnh có người lái đầu tiên lên Mặt trăng vào năm 1969.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc, nước đặt mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2050, đang cố gắng cạnh tranh với Mỹ trong không gian.

Thế nhưng khi nói đến phát triển không gian, việc tách mục đích hòa bình khỏi động cơ quân sự luôn là điều khó khăn nên việc phân tích tham vọng của Trung Quốc cũng không khác.

Như đã lưu ý những năm gần đây, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã phát triển khả năng tấn công các vệ tinh của Mỹ trong chiến lược nhằm làm tê liệt quân đội Mỹ.

Mỹ dựa vào vệ tinh cho nhiều hoạt động quân sự của mình. Vệ tinh rất cần thiết cho việc liên lạc, chỉ huy và giám sát, cũng như dẫn đường cho tên lửa. Việc mất chức năng vệ tinh sẽ khiến quân đội Mỹ giống như một gã khổng lồ có hệ thống thần kinh trung ương đã bị tổn thương.

tan-cong-ve-tinh-co-the-se-bat-dau-neu-my-trung-giao-tranh-o-eo-bien-dai-loan33.jpg
Tàu thám hiểm mặt trăng Thỏ Ngọc 2 của Trung Quốc đang lăn quanh phía xa của Mặt trăng

Do đó, Trung Quốc đã nhắm vào lỗ hổng quan trọng này của Mỹ, chiến lược gợi lại câu chuyện dân gian Nhật Bản về Issunboshi, cậu bé cao 1 inch đã dũng cảm chiến đấu với con quỷ bằng một chiếc kim khâu.

Scott W. Harold, nhà khoa học chính trị cấp cao tại tổ chức tư vấn Rand Corp (Mỹ), nói: “Công bằng mà nói, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang phát triển tất cả các loại khả năng để tấn công vệ tinh”.

Những khả năng này bao gồm tên lửa trên mặt đất và "vệ tinh sát thủ" có thể được sử dụng trong cuộc tấn công từ đồng quỹ đạo, các vũ khí năng lượng có định hướng như laser và các lực lượng hoạt động không gian mạng hoặc đặc biệt có thể tấn công các trạm điều khiển mặt đất, Scott W. Harold nói.

Trung Quốc có thể nhắm mục tiêu vào các vệ tinh trong bất kỳ loại quỹ đạo Trái đất nào, từ độ cao thấp vài trăm km đến quỹ đạo địa tĩnh cách hành tinh 36.000 km, theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ.

Trung Quốc bị nghi ngờ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm vào năm 2020 liên quan đến việc di chuyển các vệ tinh của họ gần nhau trong những gì được cho là thí nghiệm các cuộc tấn công từ đồng quỹ đạo. Một số nhà phân tích cho rằng các vệ tinh của Trung Quốc có khả năng tấn công các vệ tinh khác bằng cách sử dụng tia laser và gây nhiễu điện tử.

Mỹ, Nga, Ấn Độ, Iran và Triều Tiên cũng được cho là có khả năng tấn công vệ tinh. Nhưng sự lớn mạnh của Trung Quốc mang đến bất lợi cho Mỹ. Lý do Mỹ phụ thuộc nhiều vào vệ tinh hơn bất kỳ quốc gia nào khác vì nhu cầu triển khai lực lượng vũ trang của mình trên khắp thế giới.

Mỹ dẫn đầu thế giới về sử dụng vệ tinh, theo Liên minh các nhà khoa học quan tâm. Quốc gia này chiếm 1.897, tương đương khoảng 56%, trong số 3.372 vệ tinh - bao gồm cả các đơn vị chính phủ và tư nhân - trên quỹ đạo vào cuối năm 2020. Theo sau là Trung Quốc và Nga với khoảng 12% và 5%.

Các nước lớn nên ứng phó như thế nào trước nguy cơ gia tăng của một cuộc chiến xâm nhập vào không gian? Một quan chức quân đội Mỹ cho biết, nếu cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra ở eo biển Đài Loan thì có thể sẽ bắt đầu bằng các cuộc tấn công vệ tinh.

Một số chuyên gia quân sự, bao gồm cả những người ở Nhật Bản, cho rằng các quốc gia nên chuyển hướng sang các chiến thuật công nghệ cao sử dụng không gian và không gian mạng hoặc máy bay không người lái. Song nghịch lý thay, khi các nước mở rộng khả năng chiến tranh không gian, các tài sản thông thường như tàu chiến, máy bay chiến đấu và tên lửa cũng có thể trở nên quan trọng hơn.

Nếu gây chiến với nhau, các cường quốc sẽ làm hỏng nhiều vệ tinh của đối phương, khiến chúng không thể sử dụng được. Nếu điều này xảy ra với Mỹ và Trung Quốc, quân đội hai bên sẽ phải đối mặt với chiến tranh thông thường hơn vì các hệ thống vệ tinh định vị GPS và Beidou tương ứng của họ sẽ không khả dụng hoặc ít nhất là bị hư hỏng.

tan-cong-ve-tinh-co-the-se-bat-dau-neu-my-trung-giao-tranh-o-eo-bien-dai-loan333.jpg
Trong ảnh là tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt thứ tư lớp Nimitz trong Hải quân Mỹ. Mỹ bắt đầu tập trận vài năm trước cho các hoạt động không sử dụng GPS, dự đoán một kịch bản trong đó các chức năng vệ tinh không khả dụng

Cách đây vài năm, Mỹ đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận với các hoạt động không sử dụng GPS, dự đoán một kịch bản trong đó các chức năng vệ tinh trở nên không khả dụng. Hải quân Mỹ cũng bắt đầu các cuộc tập trận bằng cách sử dụng sextants, công cụ điều hướng được phát triển vào thế kỷ 18 để đo lường vị trí dựa trên vị trí của các ngôi sao.

Khi mối đe dọa của các vũ khí tấn công vệ tinh ngày càng tăng, những quân đội hàng đầu đã tăng cường khả năng đối phó với chúng.

"Quân đội Mỹ đang tiến tới thiết lập một kiến ​​trúc vệ tinh có khả năng phục hồi và duy trì hoạt động ngay cả khi vệ tinh bị tấn công. Ví dụ, quân đội Mỹ đang xây dựng khả năng phóng ngay các vệ tinh mới hoặc chia sẻ hệ thống vệ tinh của các đồng minh khi cần thiết", Scott W. Harold nói.

Một chòm sao lớn được hình dung có thể cho phép nhiều vệ tinh nhỏ tạo thành một mạng lưới thông tin liên lạc.

Nếu những sáng kiến ​​này diễn ra theo đúng kế hoạch, hiệu quả của các cuộc tấn công vệ tinh sẽ được bù đắp dần dần.

"Những gì vũ khí vệ tinh có thể làm chỉ là làm tê liệt một phần hệ thống thần kinh của lực lượng đối phương. Cuối cùng, điều xác định sự cân bằng sức mạnh trong một cuộc chiến không phải là khả năng quân sự trong không gian, mà là số lượng tài nguyên mà một quốc gia có để hỗ trợ sức mạnh quân sự trên bộ, trên biển và trên không của họ", Giáo sư Kazuto Suzuki của Đại học Tokyo cho biết.

Dù không gian đã trở thành một lĩnh vực quan trọng trong các chiến thuật quân sự, nhưng đánh giá quá cao tầm quan trọng của nó sẽ là điều không khôn ngoan. Dù công nghệ có tiến bộ đến đâu, bức tranh thông thường về một cuộc chiến - các lực lượng vũ trang đối lập chiến đấu trên bộ, trên biển và trên không - sẽ không thay đổi.

Bài liên quan
Mỹ và các nước cần liên kết ngăn Trung Quốc  biến trạm vũ trụ thành sân chơi riêng
Lệnh cấm tham gia Trạm Vũ trụ Quốc tế là nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc đi trên con đường quân sự riêng để đạt được tham vọng trở thành siêu cường có khả năng thách thức ưu thế của Mỹ trong không gian

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tội phạm công nghệ cao đang gia tăng và diễn biến phức tạp
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng có yếu tố nước ngoài và chủ yếu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân… đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Tấn công vệ tinh có thể sẽ diễn ra nếu Mỹ - Trung giao tranh ở eo biển Đài Loan’