Nếu phải liệt kê những vấn đề căng thẳng nhất trong cuộc đời mình, đứng đầu bảng sẽ là chuyện tiền nong, từ ngày tôi tròn mười tám tuổi và mở chiếc thẻ tín dụng đầu tiên cho đến lúc gần bước sang tuổi bốn mươi, khi Mark và tôi quyết định phải trả sạch nợ.

Tâm hồn giản dị - Nếu được chọn, bạn sẽ chọn tiền hay cuộc sống?

29/06/2020, 20:51

Nếu phải liệt kê những vấn đề căng thẳng nhất trong cuộc đời mình, đứng đầu bảng sẽ là chuyện tiền nong, từ ngày tôi tròn mười tám tuổi và mở chiếc thẻ tín dụng đầu tiên cho đến lúc gần bước sang tuổi bốn mươi, khi Mark và tôi quyết định phải trả sạch nợ.

Vợ chồng tôi đã mệt mỏi với việc cứ phải đưa ra quyết định dựa trên chuyện tiền bạc. Khi quyết định thanh toán hết nợ nần, cảm giác nặng nề, căng thẳng bắt nguồn từ khoản nợ của chúng tôi vơi dần.

Đánh đổi cuộc sống để kiếm tiền

Tôi bắt đầu quá trình này bằng việc đọc lại quyển sách từng khiến mình cân nhắc đến chuyện thay đổi nhiều năm trước khi mắc bệnh, đó là quyển Your Money or Your Life (tạm dịch: Tiền hay cuộc sống) của Vicki Robin và Joe Dominguez. Tôi nghĩ lý do mình đón nhận thông điệp của quyển sách này là vì nó không xem xét chủ đề tiền bạc dưới góc độ con số mà chú trọng đến lối sống và hành vi. Nếu việc làm chủ chuyện tiền nong toàn xoay quanh mấy con số thì tôi gặp rắc rối to rồi.

Cơ sở lập luận của quyển Your Money or Your Life là nhiều người đang đánh đổi cuộc sống của mình chỉ để kiếm tiền, như ví dụ sau đây trong sách:

“Hãy quan sát cuộc sống của một người lao động bình thường tại bất kỳ khu đô thị công nghiệp nào. Chuông báo thức vang lên vào lúc sáu giờ bốn mươi lăm phút, họ thức giấc và bắt đầu một ngày của mình. Làm vệ sinh cá nhân buổi sáng. Khoác lên người bộ đồng phục công sở - một số sẽ mặc com-lê hoặc đầm váy, số khác mặc đồ bảo hộ, nhân viên y tế thì mặc đồ trắng, còn thợ xây mặc quần jean và áo sơ mi bằng vải fla-nen. Họ ăn sáng nếu kịp giờ. Vơ vội chiếc cốc giữ nhiệt và cặp táp (hoặc hộp cơm trưa). Ngồi vào xe ô tô và chịu đựng ách tắc giao thông vào giờ cao điểm - một loại hình phạt hàng ngày - hoặc leo lên một chuyến xe buýt hay tàu điện chật ních người.

Họ làm việc từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều. Ứng phó với sếp. Ứng phó với những đồng nghiệp xấu tính hay chọc ngoáy. Ứng phó với nhà cung cấp. Làm việc với đối tác/khách hàng/bệnh nhân. Ra vẻ bận rộn. Giấu giếm sai lầm. Mỉm cười khi bị giao những công việc có thời hạn bất khả thi. Thở phào nhẹ nhõm khi lưỡi rìu nhân danh “tái cấu trúc” hay “giảm biên chế” - hoặc đơn giản là sa thải - chém xuống đầu người khác. Oằn vai gánh lấy lượng công việc tăng thêm. Nhìn đồng hồ. Tán đồng sếp trong một việc gì đấy nhưng lại tranh cãi với lương tâm về việc đó. Lại mỉm cười. Năm giờ rồi. Lại đi lấy xe và đi vào đường cao tốc, hoặc chen lên một chuyến xe buýt hay tàu điện để hòa vào dòng người tan tầm. Họ về đến nhà. Trở lại làm người bên vợ chồng, con cái hoặc bạn cùng phòng. Ăn tối. Xem ti-vi. Lên giường. Tám tiếng đồng hồ hành động trong vô thức.”

Có thể đây không phải là bức tranh mô tả chính xác cuộc sống của bạn, nhưng nhiều người trong chúng ta sẽ trải nghiệm một cuộc sống tương tự như thế, trong đó có cả việc kiểm tra e-mail và Facebook năm phút một lần. Tôi hiểu cảm giác khi phải làm công việc mình không thích nhằm kiếm tiền và mua những thứ mình cần để giúp bản thân cảm thấy dễ chịu hơn vì phải làm công việc mình không thích.

Những bài học từ quyển sách này đã giúp ích cho tôi nhiều mặt, nhưng đến lúc lập kế hoạch cố định cho việc trả nợ, chúng tôi lại tìm đến chia sẻ của tác giả kiêm người dẫn chương trình phát thanh Dave Ramsey. Chúng tôi muốn có một chiến lược đã được kiểm chứng và không bắt nguồn từ triết lý “làm giàu nhanh”, và cách này đã phát huy tác dụng với chúng tôi. Trên website của mình, Dave chia sẻ rằng 78% người dân Mỹ “làm đồng nào xào đồng đó” và 90% đang mua những thứ mà họ không đủ khả năng chi trả. Vợ chồng tôi rơi vào cả hai trường hợp trên.

Nếu họ làm được tôi cũng làm được

Tôi tình cờ phát hiện ra chương trình phát thanh của Dave Ramsey. Nghe những người bình thường như mình gọi điện đến chương trình, đặt câu hỏi về vấn đề tài chính và chia sẻ câu chuyện thoát khỏi nợ nần của họ đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi nghĩ: “Nếu họ làm được thì mình cũng làm được”. Tôi cũng thích phương pháp đơn giản và dễ hiểu của Ramsey nữa.

Chúng tôi làm theo lời khuyên của Dave Ramsey và thanh toán các khoản nợ nhỏ nhất trước. Có người không đồng tình với phương pháp này và cho rằng nên thanh toán các khoản nợ lớn nhất, có mức lãi suất cao nhất trước. Ramsey thì cho rằng: “Kiểm soát tiền bạc không phải là vấn đề phép tính, mà là vấn đề hành vi. Cách hay nhất để đánh bại nợ nần không phải là lách luật và mang bàn tính ra dùng; bạn phải thay đổi cách nghĩ của mình về tiền bạc”. Chúng tôi không cố tính toán để tìm mức lãi suất thấp hơn hay cải thiện điểm tín dụng của mình. Chúng tôi chỉ muốn tự do.

Chúng tôi “tấn công” các khoản nợ của mình từ mọi hướng. Chúng tôi dành riêng một ngàn đô-la làm quỹ khẩn cấp, chủ yếu để phòng trường hợp cấp thiết, rồi bắt đầu dồn tiền trả nợ, từ khoản nhỏ nhất đến khoản lớn nhất. Tôi cắt bỏ toàn bộ số thẻ tín dụng (tương đương với các nhu cầu) của mình.

Tôi còn nhớ mình đã tự tin nhường nào khi gọi điện cho từng công ty một để từ chối những đãi ngộ mới đầy hấp dẫn của họ về lãi suất thấp hơn, nhiều điểm tích lũy hơn. Quá trình đó hơi đáng sợ. Nếu tôi phải chi tiền gấp và cần thẻ tín dụng thì sao? Và rồi tôi nghĩ đến quỹ khẩn cấp của mình và những lần mua hàng “gấp” bằng thẻ tín dụng không khẩn cấp. Chúng tôi bắt đầu mua những thứ mình cần bằng tiền mặt và ngừng mua sắm những thứ không thật sự cần thiết. Chúng tôi cũng bán đi một số đồ đạc và lấy tiền đó trả nợ. Chúng tôi đặt ra quy tắc bán đồ năm mươi đô-la. Nếu chúng tôi nghĩ món đồ nào đó có thể bán với giá từ năm mươi đô-la trở lên thì sẽ đem bán, còn nếu không đến mức đó thì đem cho.

Thời gian của chúng tôi cũng rất quý báu, nên chúng tôi không muốn phí thời giờ cò kè mặc cả cho những món đồ chỉ có giá mười đô. Khi đã dứt khỏi nợ nần, chúng tôi ngừng bán và cho đồ. Chúng tôi tổ chức một sự kiện mà tôi thích gọi là “chợ đồ cũ cuối cùng” và hẹn một hội từ thiện trong vùng đến lấy những món đồ không bán được. Chúng tôi cũng cho phép Bailey bán đồ của con bé và giữ lại tiền để tiêu xài. Con bé mở một quầy hàng trong dịp đó, bán thú nhồi bông và quần áo không mặc đến. Từng xu kiếm được đều dùng để trả nợ, và số đồ đạc còn lại thì chúng tôi đem làm từ thiện.

Khi bán nhà, có mấy món đồ chẳng biết dùng vào việc gì nữa, thế là chúng tôi chất hết chúng ở trên lối cho xe vào nhà và đăng hình chụp đống đồ đó lên mạng, kèm địa chỉ của mình và ba từ đơn giản: “Đồ miễn phí”. Toàn bộ số đồ đạc đó biến mất trong chưa đầy một tiếng đồng hồ.

Những thước đo trong định nghĩa mới về thành công của tôi là cách sử dụng thời gian, cách đối xử của tôi với mọi người, với cả bản thân tôi. Thành công không còn liên quan gì đến thời hạn hoàn thành công việc, tiền bạc, đồ đạc, diện tích nhà hay chức danh công việc nữa.

Theo Tâm hồn giản dị

Vài nét về tác giả: Là một trong những blogger hàng đầu thế giới về lối sống tối giản, Courtney Carver được vinh danh trong rất nhiều bài báo, chương trình podcast và vô số buổi phỏng vấn về cách sống đơn giản. Các dự án của cô từng được nhắc đến bởi Vogue, CNN, Forbes, USA Today, The Wall Street Journal, The Oprah Magazine...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tâm hồn giản dị - Nếu được chọn, bạn sẽ chọn tiền hay cuộc sống?