Nếu mỗi người đi đền chùa ngày xuân biết tự mình thanh sạch cho mình trước hết thì tự khắc những cảnh đua chen ở nơi thánh tự sẽ mất đi.
Một tập tục có từ lâu đời của người dân Việt vào mùa xuân là trẩy hội viếng chùa để hòa mình cùng cộng đồng vui hưởng không khí tưng bừng xuân tươi, để cầu mong ở một đấng thần linh tối cao những điều an lành tốt đẹp cho cuộc sống của mình và những người thân.
Đến hội xem và dự vào những đám rước lễ, những cuộc thi các trò dân gian, tưởng nhớ tiền nhân đã có bao công lao gây dựng quê hương xứ sở, tắm mình trong niềm tự hào, gây cho mình một nỗi phấn khích sống tốt hơn.
Vào chùa thanh sạch lại lòng mình, lắng nghe trong khói hương bảng lảng, trong tiếng chuông mõ khoan nhặt một tiếng nói từ cao vợi, từ thẳm sâu, từ bên trong khuyên mình hướng thiện, hướng về nhân quần, bớt đi những tham sân si, sống đời giản dị, an lành. Bao đời xưa người trẩy hội lễ chùa không cốt cầu tiền tài lợi lộc.
Nhưng nhiều năm nay thật buồn, thật chán, thật kinh khủng khi đến các chùa chiền, các lễ hội vào dịp đầu xuân.
Ở đó diễn ra những cảnh tượng chen chúc đặt lễ, cúng lễ với bao điều cầu khấn xin tài lộc, xin quyền chức.
Ở đó diễn ra những cảnh gài tiền, đặt tiền vào bất cứ chỗ nào, khiến cho cánh tay Phật Bà Quan Âm cũng bị vướng vào tục lụy, một bức khảm, một pho tượng cũng đầy những đồng tiền dính vào. Ở đó diễn ra cảnh ăn uống chen chúc ồn ào hỗn tạp, những trò chơi rẻ tiền, phi văn hóa.
Như vậy, cảnh lễ hội chùa chiền hiện nay ở ta, không chỉ là trong dịp đầu xuân mà còn quanh năm, đã hiện ra như một sự báo động về văn hóa lễ hội, văn hóa tinh thần của người Việt. Nét đẹp truyền thống cứ bị biến chất và phai nhạt, thay vào đó là những hình thức giả lễ hội hoặc biến tướng lễ hội.
Một câu hỏi nhức nhối là: tình trạng ô nhiễm môi trường văn hóa tinh thần này diễn ra đã lâu, sao không chấm dứt được. Hỏi tức là đã tìm cách trả lời.
Tết Đinh Dậu này, tôi đi chùa với tâm trạng vừa lo vừa mong. Lo là lại thấy đám đông làm ô nhiễm không khí thờ phụng. Mong là được thấy các người hành hương, nhất là những người trẻ, đến các đền thờ với tâm thành tại tâm, không cốt lễ lạt. Và tôi đã thấy có những dấu hiệu vui.
Thay vì cứ a dua theo số đông, theo tập tục, người ta đã bắt đầu cưỡng lại những thói xấu. Tôi đã đến một ngôi chùa ở tỉnh Bắc Ninh, nơi không có hòm công đức, khách vãn chùa cứ việc thoải mái thành tâm xem chùa mà không phải lo có cái gì đóng góp cho phải phép.
Bạn bè tôi ở Sài Gòn cũng cho biết bây giờ đã có nhiều ngôi chùa không thắp nhang, thay vào đó là trao cho phật tử cành hoa huệ trắng. Cành hoa ấy giúp giảm ô nhiễm, mà nào có thiếu lòng thành. Rồi có chùa thì tổ chức tặng chữ thư pháp, một nét sinh hoạt rất văn hóa.
Tôi cũng đã biết vài năm nay Ngân hàng Nhà nước không còn phát hành các đồng tiền lẻ, đỡ được việc du khách viếng chùa cứ gắn tiền vô tội vạ cho các bức tượng thờ. Ý tưởng xuất phát từ nhà chùa nhưng được khách thập phương hưởng ứng. Mới hay mọi sự đều từ tâm con người mà ra.
Bởi vậy, suy cho cùng, tập tục cũng do tự con người mà ra. Trẩy hội viếng chùa ngày xuân lễ tết là mong được hưởng cái tinh thần thanh sạch, thanh cao cho cuộc sống con người đẹp đẽ, thư thái hơn lên.
Nếu mỗi người đi đền chùa ngày xuân biết tự mình thanh sạch cho mình trước hết thì tự khắc những cảnh đua chen ở nơi thánh tự sẽ mất đi.
Không phải cầu cho các lợi lộc trần gian mà cầu cho người bình an, như thế mỗi năm tết đến xuân về người ta đi trẩy hội viếng chùa mới được vui tinh thần.
Theo Phạm Xuân Nguyên - TTO