Cúng giao thừa là một nghi thức phổ biến, nguồn gốc sâu xa của nghi lễ này để đón thần Hành binh - Hành khiển của năm, hoặc gắn với việc cầu mong thần Thái Tuế bảo hộ cá nhân.

Nguồn gốc và ý nghĩa ít ai biết về lễ cúng giao thừa

04/02/2019, 17:59

Cúng giao thừa là một nghi thức phổ biến, nguồn gốc sâu xa của nghi lễ này để đón thần Hành binh - Hành khiển của năm, hoặc gắn với việc cầu mong thần Thái Tuế bảo hộ cá nhân.

Việc tiễn Táo, tiễn thần, Phật diễn ra vào những ngày cuối năm, đến giao thừa là thời khắc đón về. Đón ông Táo bằng việc gầy lửa mới, đón thần, Phật gắn với việc đón thần Hành binh - Hành khiển của năm mới.

Cúng các vị thần thay mặt Ngọc Hoàng trông coi thế gian

Nguồn gốc cúng giao thừa được nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng viết rõ trong cuốn Khảo luận về Tết. Theo Huỳnh Ngọc Trảng, nội dung các bài văn khấn trong lễ cúng giao thừa cho thấy đối tượng cung thỉnh rất đông đảo, bao quát “chín phương trời, mười phương chư Phật”. Trong đó đối tượng chính của lễ là Thái Tuế tôn thần, ngoài ra là thần bản cảnh thành hoàng, thổ địa, thần ngũ phương ngũ thổ, long mạch thần tài, bản gia Táo quân, chư vị thần bản xứ…

Sách Khảo luận về Tết của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.

Thái Tuế là tên gọi của thần cai trị mỗi năm của Đạo giáo. Tín ngưỡng này gốc từ việc sùng bái các vì sao thời cổ của người Trung Quốc. Trong khoa thiên văn, sao Thái Tuế là sao Mộc trên bầu trời. Chu kỳ của sao Mộc quay quanh mặt trời là 12 năm nên sao Mộc còn được gọi là Tuế tinh, sau phát triển thành Thái Tuế tinh quân, hay Tuế quân, Thái Tuế tôn thần.

Do là Tuế tinh nên được tôn thành 12 thần Hành khiển. Theo Đạo giáo, thần Thái Tuế là võ tướng, xuất thân là những hung thần trên thiên giới. Còn theo tín ngưỡng phổ thông, đây là tập họp 12 vị thần Hành khiển (quan văn) - Hành binh (quan võ) luân phiên thay mặt Ngọc Hoàng thượng đế trông coi mọi việc ở thế gian từ năm Tị đến năm Hợi, phụ tá là Phán quan. Các thần lo việc thi hành mệnh lệnh của Ngọc Hoàng thượng đế, còn Phán quan lo việc ghi chép công tội của mọi người, mọi gia đình, mọi cộng đồng thôn xã.

Mỗi năm đều có một vị thần Hành binh, Hành khiển và Phán quan khác nhau. Ví dụ, năm Hợi có Lưu Vương hành khiển, Ngũ Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan; năm Tí có Chu Vương hành khiển, Thiên Ôn hành binh chi thần, Lý Tào phán quan; năm Sửu có Triệu Vương hành khiển, Tâm Thập lục thương hành binh chi thần, Khúc Tào phán quan…

Mọi người cho rằng, các vị Hành binh, Hành khiển có vị nhân từ, có vị hung dữ. Năm nào gặp vị thần nhân từ thì mưa thuận gió hòa, cuộc sống khang thái; ngược lại năm nào đói kém mất mùa, dịch bệnh, tai ách loạn lạc triền miên thì người ta cho rằng các tai họa ấy do vị thần Hành khiển - Hành binh năm đó giận dữ gây nên.

Tập hợp 12 vị thần Hành binh - Hành khiển là thần Thái Tuế, gốc từ tín ngưỡng sùng bái tinh tú, cụ thể là Mộc tinh. Nói cách khác, Thái Tuế là dụng ngữ lịch pháp và thuật số cổ đại, đây là tên gọi khác của can chi trực tuế mà lịch pháp cũ dùng để ghi năm. Nếu là năm Giáp Tuất thì Giáp Tuất sẽ là Thái Tuế, năm Ất Sửu thì Ất Sửa là Thái Tuế. Theo đó, từ năm Giáp Tí đến năm Quý Hợi là hết một vòng tổng cộng 60 Thái Tuế.

Đạo Giáo coi đây là 60 vị thần, gọi là 60 thần Giáp Tí (phối hợp 10 thiên can với 12 địa chi, khởi đi từ Giáp Tí đến Quý Hợi, hết một chu kỳ là 60 năm), và cũng coi đây là Lục Thập Nguyên thần (60 vị nguyên thần). Đạo Giáo cho rằng đây là 60 thần bản mệnh. Mỗi người sinh ra vào một năm, tùy vào năm sinh đó mà họ thuộc vào một trong 60 Nguyên thần, đó chính là thần bản mệnh.

Chính vì vậy, việc cầu cúng thần bản mệnh, gọi là “cầu thuận tinh” hay “cầu thần bảo hộ” để cầu thần bảo vệ cho bản thân mình một năm được những điều tốt lành, an khang, hanh thông.

Theo tập quán phổ biến, việc cúng Hành khiển - Hành binh vào giao thừa phổ biến thay cho việc cúng sao Thái Tuế hàng năm của từng cá nhân.

Tuy vậy, từ tín niệm và tín ngưỡng thờ cúng Thái Tuế để cầu sự bảo hộ, hóa giải vận hạn cá nhân, hay cúng thần Hành khiển - Hành binh vào đêm giao thừa dịp Tết là một biến thể riêng, tùy tập tục tế tự đầu năm của mỗi địa phương, gia đình.

Nghi lễ cúng giao thừa diễn ra như thế nào?

Nghi lễ cúng giao thừa của người Việt trước đây được Nguyễn Văn Huyên miêu tả trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt. Vào quá nửa đêm, người ta kê một cái bàn ở giữa sân cúng Thượng đế và Táo quân sắp từ trời về sau khi dâng tờ tấu trình hàng năm. Người ta đặt trước các mũ thần bằng giấy nhiều màu những đĩa kẹo, những chén trà, rượu, hương, nến…

Ở nhiều nhà, người ta bày lên bàn thờ một con gà trống mà chân gà sẽ nói cho chủ nhân biết, nhờ sự giải thích của các thầy cúng va thầy bói, điều ông ta phải chờ đợi trong năm.

Nghi lễ cúng giao thừa

Chủ nhà quỳ lạy trước bàn thờ, và cũng lạy cả bốn phương trời, để cầu xin ân huệ của tất cả các thần trên thế gian. Bàn thờ tổ tiên cũng được thắp đèn sáng, và kẹo bánh được dâng cúng giữa khói hương dày đặc.

Đêm giao thừa này còn được đánh dấu bằng những cuộc đi lễ đền chùa. Ai cũng vui thích tự thấy mình có bổn phận phải ra đình, đến các đền chùa. Ở các đền chùa, khói hương nghi ngút, mọi người đến dâng lên chư Phật cùng những thần linh khác những lời cầu nguyện đầu tiên. Ta có cảm tưởng sống một cuộc sống thật thanh bình sâu lắng giữa đám đông sùng mộ, giản dị và thành tâm.

Theo Zing

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguồn gốc và ý nghĩa ít ai biết về lễ cúng giao thừa