Truyện ngắn Lão Hạc ra đời vào thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945. Có thể coi đây là truyện hay nhất của nhà văn Nam Cao, rất sinh động về một trường đoạn trong bức tranh hiện thực thê thảm nông thôn Việt Nam thời ấy, về người nông dân bần cùng, bị vùi dập phũ phàng, nhưng trong sạch, hiền lành và trung hậu.

Tại sao lão Hạc gọi con chó vàng là cậu?

22/06/2017, 12:00

Truyện ngắn Lão Hạc ra đời vào thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945. Có thể coi đây là truyện hay nhất của nhà văn Nam Cao, rất sinh động về một trường đoạn trong bức tranh hiện thực thê thảm nông thôn Việt Nam thời ấy, về người nông dân bần cùng, bị vùi dập phũ phàng, nhưng trong sạch, hiền lành và trung hậu.

Lão Hạc và cậu Vàng - Tranh từ nguồn internet

Cốt truyện Lão Hạc không phức tạp. Đây là câu chuyện rất khó kể, hoặc chưa kể đã hết chuyện. Chỉ là chuyện về ông lão nghèo cô đơn làm bạn với một con chó. Tình cảnh khốn quẫn, lão đành bán con chó và cuối cùng tự sát, bởi vì chỉ có bán chó và chết đi mới khỏi ăn vào chút gia sản ít ỏi mà lão muốn trao lại nguyên vẹn cho con… Truyện chỉ có thế, nhưng dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn, những biến cố trong đoạn đời này của nhân vật cứ khiến người đọc day dứt xót thương khôn nguôi và để lại những ám ảnh về thân phận con người.

Truyện không có nhiều nhân vật. Cùng đi trong suốt truyện với nhân vật chính - lão Hạc, là "tôi" - ông giáo láng giềng và cũng là người kể chuyện. Thấp thoáng đây đó có bóng dáng con trai lão Hạc, có vợ ông giáo, có binh Tư… Và có lẽ đặc biệt nhất, ấn tượng nhất, là "người bạn" tri kỷ thân thiết, vừa là chỗ dựa tinh thần vừa phần nào là nguyên cớ dẫn đến bi kịch của lão Hạc - cậu Vàng.

Trong tiếng Việt, từ cậu (vốn chỉ em trai của mẹ) trước đây còn được dùng để chỉ hoặc gọi người con trai nhà giàu sang với ý coi trọng. Như ông giáo trong truyện nhận xét rằng lão Hạc "gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự".

Đằng sau cách gọi cậu Vàng (và cậu, cậu ấy) là một nỗi khát khao tự nhiên của lão Hạc: Trong cô quạnh và tủi cực, lão muốn có cháu nội và mong được làm ông, muốn có chỗ nương tựa và sự an ủi lúc tuổi già. Lão gắp thức ăn cho nó, trò chuyện, chửi yêu, sừng sộ nạt nộ và rồi dỗ dành…, như đối với một đứa cháu bé:

- Cậu có nhớ bố cậu không? Hả cậu Vàng?… Nó mà về, nó cưới vợ, thì nó giết cậu. Liệu hồn cậu đấy!

- Nó giết mày đấy! Mày biết không? Ông cho thì bỏ bố!

- Mừng à? Vẫy đuôi à? Vẫy đuôi thì cũng giết! Cho cậu chết!

- À không! À không! Không giết cậu Vàng đâu nhỉ!… Cậu Vàng của ông ngoan lắm! Ông không cho giết… Ông để cậu Vàng ông nuôi…

Trong tiếng Việt, cách nhân hóa nhằm đưa sự vật không phải người sang thế giới loài người như vậy, căn cứ trên sự liên tưởng chủ quan nhằm phát hiện (hoặc gán cho) những nét giống nhau giữa sự vật đang nói đến và con người. Khi được khoác cái áo của người, thì vật được nhân hóa trở nên có những phẩm chất của con người, biết suy nghĩ, cư xử, thậm chí có khi còn biết nói năng và biết nghe như người. Và nó có một tên riêng, được viết hoa như tên người. Trong sự hình dung theo cách nhân hóa như thế, "cậu Vàng" đã trở thành tri kỷ của lão Hạc. Trò chuyện với con chó, lão nói đủ điều, cả những điều đang khắc khoải day dứt trong lòng lão, nghĩ rằng nó hiểu tất cả và đáp lời theo cách riêng của nó.

Một đặc điểm trong ngôn từ của lão Hạc là mang đậm tính khẩu ngữ tự nhiên, dân gian mộc mạc, và điều đó góp phần khắc họa nên tính cách chất phác của ông lão nông dân này. Đặc tính khẩu ngữ tự nhiên như vậy được bộc lộ qua cách sử dụng các từ ngữ giàu hình ảnh trực quan sinh động và nhiều hư từ nhằm biểu đạt những nét tình thái đa dạng, các kết cấu cú pháp không chặt chẽ, sự tỉnh lược và dư thừa do lặp lại, sự thay đổi ngữ điệu, sự ngập ngừng, và cả cách gọi con chó rất gợi cảm là cậu Vàng… Trong đó, rất đáng chú ý là mạch hội thoại nhiều khi bị đứt quãng khi đuổi theo dòng suy tư, đề tài trong các cuộc hội thoại thường chuyển đổi như tùy tiện và có vẻ lan man lê thê…, để rồi cuối cùng luôn trở lại với nỗi mong chờ đứa con và về số tài sản lão định dành cho nó.

Ngay từ đoạn mở đầu, người đọc đã chứng kiến cảnh "lão đang nói chuyện con chó, lại nhảy vọt sang chuyện thằng con". Ở đoạn sau đó, lão hỏi con chó xem có nhớ "bố" không, rồi kể rằng lâu lắm "bố cậu" không có thư về, rồi lại nhẩm tính xem ba năm hay ngót bốn năm "bố cậu" không có thư, và rồi phỏng đoán cuối năm nay không biết "bố cậu" có về không… Theo cái đà suy tưởng ấy, lão đột ngột nói đến chuyện cưới vợ của con, để rồi dọa rằng nếu cưới vợ thì nó sẽ giết "cậu"… Lúc sau, đang dỗ dành "cậu Vàng", thì lão lại ngẩn mặt ra thở dài, tính tiền bòn vườn cho con…

Trong những câu nói của lão Hạc, có những chỗ ngập ngừng (trên chữ viết ghi bằng dấu ba chấm (…). Đó là những dấu hiệu ngôn từ thể hiện nội tâm bâng khuâng buồn bã và khắc khoải: Có lúc lão nói với con chó lại xen lẫn lẩm nhẩm độc thoại, có khi nói về "cậu Vàng" mà lại nghĩ đến đứa con trai.

Những lời lẽ âu yếm, cách rỉ rả tâm tình, những nạt nộ và dỗ dành thân thiết của lão Hạc đối với "cậu Vàng"…, như những tiếng sấm ì ầm báo trước cơn giông bão, đẩy sự hụt hẫng khi thiếu vắng con chó và sự dằn vặt vì đã trót lừa một con chó của lão lên đến tột đỉnh, như sẽ gặp ở ngay đoạn sau. Hơn thế nữa, những mảnh hội thoại này còn ngầm biểu lộ cả tình cảnh éo le của ông lão, với chút niềm vui nhất thời mong manh để bấu víu bên cạnh nỗi cô đơn cay đắng trong khắc khoải trông đợi triền miên…

Truyện Lão Hạc sở dĩ làm cảm động lòng người, vì qua ngôn từ như thế nhà văn đã hàm ẩn sự cảm thông và tình yêu thương da diết đối với những thân phận đắng cay, cơ cực, tủi hờn. Đó là những thân phận trong bi kịch của nhân sinh muôn đời, như lời của nhân vật trong truyện: "Ấy! Sự đời lại cứ thường như vậy đấy!".

Để rồi mỗi lần nhắc đến lão Hạc và "cậu Vàng", ta lại như thấy một chiều nắng hiu hắt. Thấy trong lòng quạnh vắng, và có gì đâu đây như thể một nỗi buồn...

Tạ Văn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao lão Hạc gọi con chó vàng là cậu?