Với người muốn giảm cân, nhảy dây là một bài tập hữu hiệu mà họ nên thử.
Săn chắc cơ bắp
Khi nhảy dây, tất cả các cơ bắp trong cơ thể bạn đều hoạt động tích cực. Phần bắp tay sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ di chuyển lên xuống, xoay vòng linh hoạt để điều khiển cổ tay và bàn tay, giúp nắm và điều khiển dây nhảy. Trong khi đó, toàn bộ phần thân và chân cũng được luyện tập. Các bước nhảy sẽ tác động lên toàn bộ phần chân, đùi, hông và vùng bụng, giúp săn chắc cơ bắp.
Đốt cháy mỡ thừa và giảm cân
Theo các nhà khoa học, nhảy dây trong 30 phút giúp cơ thể tiêu hao 450 calo, nhảy dây liên tục trong 10 phút tương đương với chạy chậm 30 phút hoặc khiêu vũ thể thao 20 phút. Các chuyên gia thể thao nhận định việc thực hiện 80-100 nhịp nhảy/phút tương đương với chạy bộ 10km hoặc đạp xe 30km/h. Ngoài ra, nhảy dây đòi hỏi bạn phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn so với bơi lội hoặc tập aerobic.
Có thể coi đây là cách tập luyện mất ít thời gian nhưng lại tiêu hao khá nhiều năng lượng, giúp đẩy nhanh tốc độ đốt cháy các chất béo trong cơ thể, giúp bạn có một vóc dáng hoàn hảo.
Thải độc ra ngoài cơ thể
Trong quá trình ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, cơ thể mỗi người thường tích tụ nhiều loại độc tố có hại cho sức khỏe. Việc đổ mồ hôi trong khi luyện tập sẽ giúp đào thải bớt những chất độc này, giúp bạn tăng sức đề kháng và tránh được nguy cơ mắc bệnh.
Mồ hôi thoát ra sẽ mang theo lượng muối dư thừa mà cơ thể chuyển xuống thận, giảm khả năng bị bệnh sỏi thận xuống mức tối thiểu. Bên cạnh đó, người tập nhảy dây khi đổ mồ hôi cũng có nhu cầu bổ sung nước nhiều hơn, nhờ đó cơ chế trao đổi chất, lọc thải chất độc cũng diễn ra tốt hơn.
Tăng cường mật độ xương
Michele Olson - Giáo sư phụ trách môn Khoa học hoạt động thể thao tại Đại học Huntingdon cho biết:"Nhảy dây có thể tăng cường mật độ xương. Một nghiên cứu trên Tạp chí Sinh lý học ứng dụng đã phát hiện ra rằng những phụ nữ trẻ nhảy dây 10 cái, một lần một tuần trong 6 tháng sẽ tăng mật độ xương ở chân và phần dưới của cột sống".
Tốt cho tim mạch
Nhảy dây có thể được coi như là một bài tập tim mạch rất hữu hiệu giống như chạy bộ, đạp xe hay chơi bóng... Khi bạn thực hiện các động tác nhún và bật nhảy liên tiếp, cơ thể sẽ ở trong trạng thái hoạt động với cường độ cao. Điều này sẽ kích thích tim hoạt động nhanh và mạnh hơn, để bơm máu mang oxy tới các tế bào ở từng cơ quan. Nếu thường xuyên thực hiện bài tập nhảy dây, bạn sẽ có một trái tim khỏe mạnh và tránh được nguy cơ đau tim, đột quỵ.
Cải thiện tính linh hoạt
Nhảy dây thường xuyên không chỉ giúp giảm cân mà còn cải thiện tính linh hoạt của bạn, đặc biệt là khi chuyển động và giữ cân bằng. Cơ thể bạn sẽ trở nên linh hoạt và bạn có thể đi bộ xuống hàng chục km hoặc hoàn thành một hành trình leo núi dễ dàng hơn.
Cải thiện tâm trạng
Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, việc luyện tập thể thao nói chung có tác dụng giảm đau, xóa tan những căng thẳng và mang lại cảm xúc tích cực. Khi hoạt động thể chất, bên cạnh những thay đổi vật lý ở các cơ quan nội tạng, trong não bộ cũng sản sinh ra chất endorphin. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng tạo ra hưng phấn, tâm trạng thoải mái và thư giãn, điều hòa cơ thể.
Nhảy dây giúp tăng sự tập trung
Khi luyện tập thể dục thể dục thường xuyên thì cơ thể bạn sẽ hoạt động nhanh nhẹn hơn và đặc biệt bạn sẽ có khả năng tập trung cao độ hơn.
Nhảy dây giúp thư giãn cơ thể và giảm stress
Vận động cơ thể với các bài tập thể dục là phương pháp tốt và an toàn giúp con người vui vẻ và yêu đời hơn. Luyện tập nhảy dây hàng ngày sẽ giúp cảm cảm thấy thoải mái và giảm stress sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Hướng dẫn kỹ thuật nhảy dây đúng cách
- Về vị trí cánh tay: Khi nhảy dây, bạn nên thả lỏng hai vai xuống dưới. Giữ khuỷu tay gần thân mình và đảm bảo cho cổ tay chỉ hơi thấp hơn khuỷu tay của bạn một chút. Nên sử dụng cổ tay và cẳng tay để thực hiện mỗi nhịp nhảy. Tập trung xoay dây với vòng nhỏ, điều này cho phép bạn thực hiện động tác đều và sử dụng cả cẳng tay lẫn cổ tay. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng vai để thực hiện các động tác chính, bạn sẽ cảm thấy mệt rất nhanh. Nếu bạn mới bắt đầu nhảy dây, hãy tập một cách từ từ, tăng thời gian và nhịp nhảy dần dần để nâng cao kỹ năng cũng như sức bền.
Về độ cao khi nhảy: Nhảy dây dựa trên thời gian chứ không phải việc bạn có thể nhảy cao bao nhiêu. Với mỗi nhịp nhảy, chân của bạn chỉ cần không chạm dây. Bạn càng nhảy cao, lượng calo tiêu hao sẽ nhiều hơn nhưng lại tiếp đất vất vả hơn. Chú ý tiếp đất nhẹ nhàng bằng cách dồn trọng lượng vào giữa đôi chân để giảm tác động mạnh lên gân và các khớp xương. Hãy tưởng tượng như bạn đang tiếp đất trên sàn bằng kính, cố gắng càng nhẹ nhàng càng tốt.
- Về thời gian nhảy dây: Bạn nên tập nhảy dây khoảng từ 10 - 20 phút mỗi ngày với tốc độ nhanh dần đều khoảng 60 - 70 lần/phút sau đó tăng dần khoảng 140 160 lần/phút.
Thu Thủy (t/h)