Nguồn cung toàn cầu bị siết chặt, lo ngại lạm phát thêm nghiêm trọng nổi lên sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng một số đối tác (OPEC+) quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.

Tác động của việc OPEC+ giảm mạnh sản lượng dầu

Cẩm Bình | 07/10/2022, 10:22

Nguồn cung toàn cầu bị siết chặt, lo ngại lạm phát thêm nghiêm trọng nổi lên sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng một số đối tác (OPEC+) quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.

Quốc gia đứng đầu OPEC+ là Ả Rập Saudi tuyên bố tổ chức buộc phải cắt giảm vì nhiều ngân hàng trung ương phương Tây tăng lãi suất và kinh tế toàn cầu suy yếu. Quyết định lập tức khiến giá dầu thế giới tăng hơn 1%.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman khẳng định OPEC+ đang phát huy vai trò điều phối giữ ổn định thị trường. Nhưng giá dầu cao cùng đồng USD mạnh tạo ra thế khó cho hầu hết quốc gia trên thế giới vì họ mua dầu bằng USD, đem đến nguy cơ lạm phát và chi phí sinh hoạt gia tăng.

thumbs_b_c_3bb5fd716e2b6cf58d0a30aee3e55b0c.jpg

Nhà phân tích Ipek Ozkardeskaya thuộc nền tảng tài chính Swissquote cảnh báo động thái cắt giảm mạnh sản lượng có thể phản tác dụng với OPEC+ nếu giới đầu tư lo ngại về nguy cơ lạm phát bị đẩy lên cao và ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất đến mức gây nên suy thoái.

“Giá năng lượng càng cao, các ngân hàng trung ương càng phải làm giảm nhu cầu để kéo giá cả xuống thấp”, nhà phân tích Ozkardeskaya lý giải.

OPEC+ giảm mạnh sản lượng cũng có thể khiến nhiều khu vực chẳng hạn như châu Âu rơi vào tình thế khó khăn. Các nước châu Âu chuẩn bị áp giá trần với dầu Nga, Moscow đe dọa không bán dầu cho quốc gia nào làm vậy.

Giáo sư Adam Pankratz thuộc trường Kinh doanh Sauder (Đại học British Columbia) khẳng định giá dầu chắc chắn tăng cao, dầu trở thành mặt hàng “khan hiếm”.

“Điều này sẽ tạo ra vấn đề lớn hơn về chính sách môi trường đối với châu Âu. Có nên khoan dầu của mình không? Có lẽ trước mắt họ không định làm vậy, tuy nhiên đây là điều thực tế cần nghĩ tới”, theo giáo sư Pankratz.

Nhà phân tích Emily McClain thuộc Công ty Rystad Energy cho biết trong bối cảnh mùa đông sắp tới, thị trường khí đốt tuy ổn định nhưng không hoàn toàn an toàn. Một mùa đông đến sớm hoặc kéo dài có thể làm cạn dự trữ khí đốt, đẩy giá lên cao. Châu Âu đang nỗ lực lấp đầy 90% kho dự trữ.

Không chỉ châu Âu, các nền kinh tế nhập khẩu dầu - một số rất dễ bị tổn thương bởi cú sốc tăng giá - cũng hứng chịu tác động từ quyết định giảm mạnh sản lượng của OPEC+.

Sri Lanka đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Tình trạng thiếu ngoại tệ, lạm phát cao khiến quốc gia Nam Á không thể nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu như dược phẩm, thực phẩm, nhiên liệu.

Tổng thống Ranil Wickremesinghe cảnh báo khi các nước giàu chạy đua tích trữ, Sri Lanka lại phải trả nhiều hơn để mua nhiên liệu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tác động của việc OPEC+ giảm mạnh sản lượng dầu