Tổng thống Syria Bashar al-Assad mới đây tiết lộ ông “thảo luận nghiêm túc” với Trung Quốc để tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này cần tìm kiếm nguồn đầu tư tái thiết đất nước sau khi bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh.
“Có một mối quan tâm chung mà có lợi cho Trung Quốc, Syria và tất cả các quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường”, ông Assad hôm 16.12 nói với đài Phoenix TV của Trung Quốc.
Trung Quốc trong nhiều năm đã cố gắng khôi phục các liên kết thương mại từng rất phát triển trong quá khứ với khu vực Trung Đông thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, một kế hoạch đầu tư ở nước ngoài trị giá 1 nghìn tỉ USD.
Bắc Kinh cũng luôn thể hiện lập trường ủng hộ chính phủ của ông Assad trong việc chống lại phe đối lập tại Syria. Cho tới nay, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong khu vực khi ký kết rất nhiều hợp đồng hợp tác với các quốc gia Trung Đông như Ai Cập, Qatar, Ả Rập Saudi và một số nước khác.
Syria - một trong những quốc gia có trữ lượng dầu lớn, đãlần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh về Sáng kiến Vành đai - Con đường hồi tháng 4 năm nay.
"Chúng tôi đã đề xuất khoảng 6 dự án với chính phủ Trung Quốc phù hợp với sáng kiến Vành đai, Con đường và chúng tôi đang mong chờ nghe ý kiến của họ. Tôi nghĩ rằng khi cơ sở hạ tầng này được phát triển, theo thời gian, con đường tơ lụa (Sáng kiến Vành đai và Con đường) đi qua Syria trở thành một điều tất yếu chứkhông phải là con đường chỉ có trên bản đồ", ông Assad nói.
Cuộc xung đột nội bộ và cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 8 năm qua đã phá hủy hầu hết các thành phố, làng mạc, tàn phá nặng nề hệ thống hạ tầng trọng yếu của Syria.
Liên Hợp Quốc ước tính tổn thất kinh tế với Syria vào khoảng hơn 388 tỉ USD và chi phí tụt giảm năng suất lao động so với GDP vào khoảng 268 tỉUSD. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng quốc gia Trung Đông này sẽ mất ít nhất một thập kỷ để có thể khắc phục hậu quả chiến tranh.
EU - nhà viện trợ lớn nhất thế giới - đã tuyên bố rằng họ chỉ hỗ trợ cho công cuộc tái thiết Syria chỉ khi Damascus diễn ra “một cuộc chuyển giao chính trị đáng tin cậy” từ tay Tổng thống Assad. Ngoài ra, Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Damascus và cảnh báo toàn cầu với mọi cá nhân, thực thể trong ngành vận tải rằng họ sẽ bị trừng phạt nếu hợp tác với Syria.
Cho đến nay chính quyền của ông Assad vẫn đang phải dựa vào viện trợ từ các quốc gia bao gồm Iran và Nga, các đồng minh chính của Damascus, đã cung cấp viện trợ tài chính để đổi lấy việc khai thác tài nguyên và sự hiện diện quân sự lâu dài ở nước này.
Hoàng Vũ (theo Telagraph)