Ngày 4.1.2021, BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhân bị cua kẹp, biến chứng viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết nguy kịch biến chứng choáng nhiễm trùng, nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân là ông Võ Văn L. (58 tuổi, ngụ TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) được chuyển đến từ bệnh viện địa phương vào ngày 28.12.2020 với chẩn đoán choáng nhiễm trùng, viêm mô tế bào cẳng chân phải, theo dõi nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, tri giác lơ mơ, huyết áp thấp dù đã sử dụng thuốc vận mạch liều cao, được can thiệp đặt ống nội khí quản và gắn máy trợ thở.
Do bệnh nhân nguy kịch, nguy cơ tử vong cao nên được nhanh chóng chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BVĐKTƯCT) để tiến hành điều trị. Người nhà bệnh nhân cho biết, cách nhập viện 3 ngày, bệnh nhân bị vết thương ngoài da vùng cẳng chân do cua nuôi bị kẹp. Sau đó bệnh nhân tự đắp thuốc lên vết thương (gừng trộn với mật ong) theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên sau khi đắp thuốc, vết thương ngày càng tấy đỏ nhiều hơn khiến bệnh nhân sốt cao, mệt và khó thở ngày càng tăng.
Bệnh nhân nhập bệnh viện địa phương ngày 27.12 với tình trạng huyết áp khó đo, suy hô hấp nặng được xử trí cấp cứu thở máy, kháng sinh phổ rộng liều cao, vận mạch… trước khi chuyển đến BVĐKTƯCT. Bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm thường xuyên do bệnh lý thoái hóa đa khớp khoảng 10 năm nay và cùng nhiều loại thuốc đông y dân gian (không rõ thành phần thuốc).
Các bác sĩ BVĐKTƯCT hội chẩn thống nhất chẩn đoán: cua kẹp biến chứng viêm mô tế bào cẳng chân phải; nhiễm trùng huyết biến chứng choáng nhiễm trùng suy đa cơ quan. Bệnh nhân có chỉ định lọc máu liên tục cấp cứu và sử dụng kháng sinh phổ rộng theo phác đồ của bệnh viện...
Qua 48 giờ lọc máu liên tục, huyết áp bệnh nhân cải thiện dần, ngưng được thuốc vận mạch, các chỉ số suy tạng dần trở về giá trị bình thường. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ngưng máy thở và rút được ống thở thành công. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, đang được theo dõi điều trị tiếp tại Khoa Nội Tim mạch - Khớp.
Theo BS.CK2 Dương Thiện Phước - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BVĐKTƯCT: “Trong đời sống, đôi khi do sơ suất trong lúc làm cua để chế biến món ăn, người nội trợ có thể bị cua kẹp. Cua kẹp thường gây đau, bầm tím, chảy máu... Đặc biệt khi bị cua biển kẹp thì nỗi đau càng kinh khủng hơn. Trên thực tế, thế giới đã chứng kiến nhiều trường hợp cua cắp dẫn đến tử vong.
Tùy vào mức độ nặng nhẹ do cua kẹp, người bệnh có thể bị chảy máu, rách da, tạo vết thương hở hoặc mất một mảng thịt. Ngoài ra còn có cảm giác đau tại nơi bị cắp và sưng, nóng, đỏ, đau vùng lân cận. Một số người cũng ghi nhận sốt và nhiễm trùng tại nơi cắp, biến chứng nhiễm trùng huyết.
Khi bị cua kẹp, mọi người cần bình tĩnh tách cua ra, sau đó rửa sạch vết thương bằng nước sạch, loại bỏ các dị vật bên trong vết thương. Nếu có sẵn, nên rửa vết thương bằng các loại nước sát trùng như nước muối, oxy già, iodine và băng ép vết thương khi chảy máu nhiều hoặc miệng vết thương rộng. Không được tự ý đắp các loại thuốc nam lên vết thương.
Trường hợp vết đau sưng nóng, khả năng vùng sưng đau đó đang bị viêm mô tế bào cần đến bệnh viện để kiểm tra. Căn cứ vào vết thương các bác sĩ có thể khám cấp cứu, khám chuyên khoa nhiễm hay chuyên khoa ngoại tổng quát. Sau đó sẽ xác định mức độ để có hướng xử trí kịp thời. Ngoài ra cần lưu ý nghỉ ngơi, hạn chế đi lại. Nam giới không thuốc lá, không rượu bia.