Trong thực tế, tôi cũng “thấy sao sao ấy” khi biết rằng mức lương một vị bộ trưởng như hiện nay (hệ số từ 9,7 đến 10,3) từ năm 2019 cũng mới được nâng lên tầm 14,3 triệu đến kịch trần là 15,4 triệu đồng/tháng.

Suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19 và lộ trình tăng lương

30/04/2020, 12:41

Trong thực tế, tôi cũng “thấy sao sao ấy” khi biết rằng mức lương một vị bộ trưởng như hiện nay (hệ số từ 9,7 đến 10,3) từ năm 2019 cũng mới được nâng lên tầm 14,3 triệu đến kịch trần là 15,4 triệu đồng/tháng.

Bị đại dịch VOVID-19, cuộc sống của người lao động lại càng khó khăn với đồng lương ít ỏi - Ảnh: Internet

Nếu đại dịch COVID-19 không bùng phát trên toàn cầu, viễn cảnh tăng lương theo lộ trình đã được nhà nước vạch ra từ trước đó rất lâu sẽ thành hiện thực. Vấn đề là chỉ còn chờ thời gian để “bấm nút”. Tức là chỉ chờ tới ngày 1.7.2020 triển khai bước 1. Tiếp đến, chuẩn bị cho bước 2 quan trọng hơn được “bấm nút” vào năm 2021, đúng như nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp".

Ngay từ năm 2018, khi đề cập đến đề án cải cách chính sách tiền lương, trả lời báo chí, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng LĐ-TB-XH cho rằng việc lập đề án đưa ra lộ trình tăng lương từ năm 2021 là để nâng mức lương khu vực công tiệm cận với khu vực doanh nghiệp, hướng theo thị trường.

Tính toán sơ bộ ,mức lương thấp nhất giữa khu vực doanh nghiệp với khu vực công hiện nay đang chênh lệch khá nhiều. Ví dụ, một người tốt nghiệp đại học mới ra trường vào khu vực nhà nước lương hệ số 2,34 nhân với lương cơ sở 1,39 triệu thì chỉ khoảng hơn 3,2 triệu đồng. Còn ở khu vực doanh nghiệp, con số phổ biến từ 6-8 triệu đồng/tháng.

Nếu như lương cơ sở được điều chỉnh vào ngày 1.7.2020 tới đây, từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu thì người tốt nghiệp đại học làm cho nhà nước sẽ có mức lương 3,74 triệu đồng. Để rồi, theo lộ trình, tới năm 2021, đối tượng này sẽ có mức lương tầm 5,96 triệu đồng/tháng.

Theo đà tăng lương chung đó thì mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3, hệ số 10 lên hơn 33 triệu đồng, cũng có nghĩa lương bộ trưởng khi đó sẽ là khoảng 33 triệu đồng. So với hiện nay thì đúng là quá đột biến.

Trong thực tế, tôi cũng “thấy sao sao ấy” khi biết rằng mức lương một vị bộ trưởng như hiện nay (hệ số từ 9,7 đến 10,3) từ năm 2019 cũng mới được nâng lên tầm 14,3 triệu đến kịch trần là 15,4 triệu đồng/tháng. Nếu so với tổng thu nhập của một vị đại tá trong lực lượng vũ trang với hệ số lương 8,0 (chưa tính thêm phụ cấp vùng miền khó khăn) thì thường rơi vào khoảng trên dưới 20 triệu. Một sĩ quan cấp thượng tá có thâm niên lâu năm cũng đã hơn đứt lương của vị bộ trưởng đương chức. Rồi đây, nếu cải tiến lại, những nghịch lý này có thể sẽ được khắc phục thì đó là điều tốt.

Nếu cứ so sánh thì mọi thứ đều là khập khiễng. Song, một khi chính sách của nhà nước để lương cấp bộ trưởng chỉ trên 600 USD/tháng thì liệu họ có sống mà làm việc tốt được không? Mức này chưa bằng tổng lương và phụ cấp của một sĩ quan có quân hàm thượng tá (cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn), vậy đã hợp lý hay chưa?

Tuy nhiên, biết rằng rất khó đấy, nhiều khi quá trớ trêu khi chúng ta từng có hồi xử lý tình huống chắp vá, nâng phụ cấp cho cán bộ làm công tác đảng và đoàn thể lên, nhưng cơ quan đề xuất lại muốn chỉ dành cho cán bộ cấp vụ trở xuống (do nghĩ họ không còn khoản gì khác ngoài lương chăng?). Sau đó mới té ngửa, hóa ra vụ trưởng của ban đảng lại có thu nhập cao hơn cả cán bộ cao cấp, chẳng hạn phó ban trung ương (hàm thứ trưởng, thậm chí là ủy viên trung ương) thì quả thật quá vô lý.

Những bất cập, phụ cấp kiểu như vậy lẽ ra không còn tồn tại trong thang bảng lương mới đúng.

Song, vào giai đoạn "hậu khủng hoảng kinh tế“ bởi đại dịch COVID-19, khi thực lực kinh tế đã suy sụp, tăng trưởng sẽ rất thấp, thậm chí còn có thể âm nếu dịch kéo dài sang quý 3, thì kinh tế nước nhà sẽ ra sao?

Trong khối doanh nghiệp nhà nước, các bộ ngành và Chính phủ đang tập trung nghiên cứu thực trạng “hậu COVID-19” thiệt hại nặng nề ra sao. Chỉ riêng 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản, khi ủy ban nhận được báo cáo về thiệt hại và đề xuất các giải pháp hỗ trợ mà thấy lo.

Đáng chú ý trong số doanh thu của Tập đoàn Dầu khí giảm từ 23.000 - 141.000 tỉ đồng, nộp ngân sách từ nguồn thu dầu thô giảm từ 3.000 - 18.600 tỉ đồng, nộp ngân sách của tập đoàn giảm từ 5.000 - 27.000 tỉ đồng. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ước tính lỗ 1.100 tỉ đồng trong năm nay (hôm qua giá xăng đã xuống tới đáy, ngang với giá của 13 năm về trước thì con số này lại càng thê thảm). Tập đoàn Hóa chất lỗ 4.300 tỉ đồng. Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ 19.600 tỉ đồng, và để bảo đảm khả năng thanh toán trong năm 2020, hãng cần nhà nước hỗ trợ 12.000 tỉ đồng ngay từ tháng 4 này để hồi phục .

Đối với doanh nghiệp tư nhân, có lẽ cũng ảm đạm tương tự.

Rồi đây, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, chắc chắn có số lượng không nhỏ nhân công mất việc làm, chịu cảnh thất nghiệp chưa biết khi nào mới ổn định và chờ tương lai sáng sủa dần. Lương mà các chủ doanh nghiệp trả cho họ sẽ còn giảm và giảm đến kinh khủng mà vẫn chưa an toàn. Những gì tích lũy trong nhiều năm qua chắc sẽ tan hoang.

Nói như Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam Dương Chí Thành mới đây thì con số mà hãng thiệt hại ngang với số tiền tích cóp dăm năm vừa qua, mãi mới có nổi được số ấy, giờ mất trắng.

Sắp tới, các doanh nghiệp bị thiệt hại sẽ tồn tại ra sao, người lao động sống ra sao? Lương mới để trả cho người lao động sẽ lấy từ nguồn thu nào nếu tình trạng điêu đứng kéo dài?

Lương tăng theo lộ trình Chính phủ đã hoạch định đương nhiên sẽ là bài toán không có lời giải của các doanh nghiệp không có tiền trả lương, không dễ gì tăng lương trong thời gian tới.

Theo một phân tích của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cách đây 2 năm, ông Dũng đã tỏ ra lo ngại khi tăng lương sẽ dẫn đến rủi ro nợ công vượt trần 65% ngay từ năm 2021.

Vậy thì rõ ràng, nếu chúng ta vẫn không thay đổi về lộ trình tăng lương, tôi e rằng chuyện đang khó khăn một, sẽ thành khó khăn mười. Nợ công từ đó càng vượt trần nhiều hơn.

Thời điểm này đại hội Đảng các cấp đã và đang diễn ra. Tiến độ có thể không như cũ nhưng rồi cũng sẽ triển khai trong những ngày tới. Để tạo không khí vui vẻ phấn khởi cho mọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đương nhiên ai cũng muốn được cải thiện về lương. Song, tôi nghĩ người lao động đều hiểu, chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước nên điều ấy cũng khó thực thi theo tiến độ. Cái quan trọng vào lúc này, cả nước phải cùng chung một ý chí, tin tưởng vào mọi chủ trương của Đảng và sự điều hành của Chính phủ, quyết thắng đại dịch để bứt phá, để tăng tốc về mọi mặt kinh tế, xã hội ,văn hóa...

Đã đến lúc phải đẩy nhanh nền kinh tế số, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tinh giản bộ máy hành chính quá cồng kềnh, kém hiệu quả hiện nay trong hệ thống chính trị của chúng ta. Qua đó, hy vọng sẽ cải tiến lại hệ thống thang bảng lương cho người lao động xứng đáng hơn. Chỉ có cách làm nói trên thì mới thực chất và khả thi, không thể khác trong cuộc cách mạng 4.0. Đó cũng chính là cơ hội mà chúng ta có được. Nó lại bắt đầu khi đất nước ở tình thế gặp những khó khăn ghê gớm nhất.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19 và lộ trình tăng lương