Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có trên 30.000ha đất trồng cam sành. Trong đó, 4 tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre trồng nhiều nhất. Hằng năm cả ĐBSCL sản xuất ra khoảng 1,5 triệu tấn quả cam sành. Với số lượng lớn như vậy mà thị trường trong nước tiêu thụ hết, mới thấy sức hấp dẫn của trái cam sành với thị trường

Sức hấp dẫn của cam sành đồng bằng sông Cửu Long

Văn Kim Khanh | 24/07/2022, 22:56

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có trên 30.000ha đất trồng cam sành. Trong đó, 4 tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre trồng nhiều nhất. Hằng năm cả ĐBSCL sản xuất ra khoảng 1,5 triệu tấn quả cam sành. Với số lượng lớn như vậy mà thị trường trong nước tiêu thụ hết, mới thấy sức hấp dẫn của trái cam sành với thị trường

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, ông Trương Thành Dãnh cho biết: “Hiện nay Vĩnh Long gần 15.000ha đất trồng cam sành. Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm là 3 địa phương có diện tích cam sành lớn. Chỉ tiêu thụ nội địa chưa xuất khẩu, nhiều năm qua cam sành Vĩnh Long tăng trưởng rất tốt và thắng lợi ngay cả lúc đại dịch COVID-19”

images.jpg
Vĩnh Long vườn cam sành phát triển mạnh - Ảnh: Internet

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2019-2022, diện tích cam sành trong tỉnh tăng từ 1.600-2.200ha/năm. Năm 2022, diện tích cam sành của tỉnh là 14.970ha, sản lượng thu hoạch đạt gần 650.000 tấn. Trong đó, cam sành trồng trên đất ruộng chiếm trên 80% diện tích cam hiện có, tập trung nhiều nhất ở huyện Trà Ôn hơn 7.200ha, Tam Bình hơn 4.000ha và Vũng Liêm hơn 2.500ha. Năng suất cam sành đạt cao nhất là năm thứ ba, bình quân từ 20-22tấn/ha/vụ. Tổng doanh thu từ 1-1,2 tỉ đồng/ha/năm đối với cam vụ thuận (lợi nhuận 40-60% doanh thu); ở vụ nghịch, lợi nhuận từ 0,8-1 tỉ đồng/ha/năm (lợi nhuận 50% doanh thu).

images-2-.jpg
80% vườn cam phát triển trên đất lúa - Ảnh: Internet

Tường Lộc là một trong những xã có phong trào trồng cam sành nổi lên sớm ở huyện Tam Bình. Nhiều nông dân đã giàu lên nhanh chóng sau vài vụ thu hoạch. Anh Lưu Hoàng Minh người đang trồng 30 công (1 công là 1.000m2) cam sành ở ấp Tường Nhơn cho biết: “Trong 5 năm qua, nhiều nơi ở Tam Bình cây cam đã nổi lên như một phong trào. Nếu làm ruộng một năm 3 vụ trừ hết chi phí nông dân có thể lời khoảng 60-80 triệu đồng/ha. Trong khi đó, trồng cam sành từ năm thứ 3 đến năm thứ 6, thu hoạch 2 vụ cam mỗi năm, với giá cam 12.000 đồng/kg, nông dân có thể thu từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng/ha sau khi trừ hết các chi phí. Chính vì vậy, cam sành đang hấp dẫn nhiều nông dân.

z3591250414538_b516d6467a58c77c4fc1287a841e4101.jpg
Đa số cam đưa về vựa từ thương lái - Ảnh: Internet

Anh Nguyễn Ngọc Minh, một chủ vựa cam sành ở xã Mỹ Thạnh Trung - Tam Bình cho biết: “Hiện nay cam sành tại điểm thu mua loại I giá 15.000 đồng/kg; loại II giá 13.000 đồng; loại cam thường bán cho các chợ hoặc các điểm bán cam vắt 8.000 - 10.000 đồng/kg. Nếu vào vụ nghịch, cam loại I giá có thể lên đến 20.000-25.000 đồng/kg.

Nhiều người trồng cam sành thắng lợi lớn đã mạnh dạn thuê ruộng nông dân với hợp đồng thời hạn 7 năm cho 1 vòng đời cam sành. Giá thuê đất phổ biến ở Trà Ôn, Tam Bình hiện nay là 7 triệu đồng/công. Nhiều nông dân canh tác với diện tích thuê mua lớn từ 5-10 ha, đã đầu tư máy tưới, máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật như anh Huỳnh Công Vinh, ngụ ấp An Hòa A, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Anh Vinh đầu tư  trồng 15ha cam sành, anh mạnh dạn đầu tư nhiều công nghệ kỹ thuật cao để quản lý vườn cam sành một cách khoa học, hiệu quả hơn. Anh Vinh cho rằng: "Hướng đến việc sản xuất nông nghiệp một cách bài bản, khoa học, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng đó là hướng đi của nhà vườn trồng cam sành trong tương lai". Đây là mô hình nông nghiệp hiện đại cần được nhân rộng.

may-bay-o-nguoi-lai-phan-thuoc-cam-samnh.jpg
Dùng máy bay không người lái trong canh tác cam sành của anh Huỳnh Công Vinh (Tam Bình) - Ảnh: internet

Về hệ thống thu mua, tiêu thu cam sành, từ lâu Vĩnh Long đã có. Mỗi huyện có từ 10-20 vựa cam sành. Sau hệ thống vựa cam sành là thương lái đi thu mua cam các loại hết trong vườn. Thương lái phân loại và cân lại cho chủ vựa. Hiện tại, thương lái đến các vườn cam thu “mua mão” (hình thức mua hết vườn). Giá mua hết vườn 10.000-12.000 đồng/kg.

Chủ vựa có hệ thống liên lạc với các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM, các tỉnh Miền Trung và Hà Nội. Từ vựa đến các chợ đầu mối giao dịch chủ yếu qua zalo, email. Ngoài ra còn các trang web giới thiệu cam sành, nhận đặt hàng và thanh toán theo hình thức thương mại điện tử.

images-1-.jpg
Cam sành Tam Bình

Lý giải vì sao cam sành Vĩnh Long thời gian qua luôn đắt hàng, phát triển, bất chấp đại dịch COVID-19, ông Trương Thành Dãnh, cho rằng: “Cam sành Vĩnh Long chưa xuất khẩu nhưng có thị trường trong nước ổn định từ TP.HCM, miền Trung, Hà Nội cùng các tỉnh phía Bắc. Cam sành cũng có may mắn vì nhiều ý kiến của thầy thuốc,  thông tin cho rằng với Vitamin C từ cây có múi, tạo cho con người sức đề kháng góp phần tạo cho cơ thể khỏe hơn, chống vi rút xâm nhập. Căn bản cam sành ngon, chất lượng tốt, giá cả cũng hợp lý nên thị trường dễ chấp nhận”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức hấp dẫn của cam sành đồng bằng sông Cửu Long