Về việc sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết rất trăn trở và lấy ý kiến nhiều vòng, nhưng có cán bộ không quan tâm, sau này khi thực hiện sẽ gặp vướng mắc.
Thị trường và chính sách

Sửa luật quan trọng liên quan đến DNNN nhưng có cán bộ vẫn… không quan tâm

Lam Thanh 21:29 03/03/2024

Về việc sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết rất trăn trở và lấy ý kiến nhiều vòng, nhưng có cán bộ không quan tâm, sau này khi thực hiện sẽ gặp vướng mắc.

Sớm sửa luật để doanh ngiệp Nhà nước (DNNN) dám nghĩ, dám làm

Tại hội nghị với Thường trực Chính phủ, ông Nguyễn Năng Toàn, Chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề nghị sớm sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (DN). Trong đó cần cụ thể hóa các quy định về vốn Nhà nước, vốn của DNNN, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào DN và vốn của DNNN đầu tư vào DN khác.

Theo đó, cần thực hiện trên cơ sở tổng thể theo mục tiêu dài hạn của DN, không tách riêng từng dự án, từng danh mục đầu tư... Điều này nhằm phát huy tính tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của người quản lý DNNN.

toan.jpeg
Ông Nguyễn Năng Toàn, Chủ tịch Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn

Ngoài ra, ông Toàn đề nghị điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của DNNN. Cụ thể, cho phép một số DN kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm, có các dự án đầu tư phát triển lớn, hiệu quả được chủ động giữ lại phần lợi nhuận sau thuế (sau khi đã trích lập các quỹ) để bổ sung vốn điều lệ phục vụ đầu tư phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện có nhiều ý kiến về Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

“Chúng tôi rất trăn trở và lấy ý kiến nhiều vòng nhưng có đồng chí không quan tâm đến vấn đề thể chế và việc sửa luật, sau này khi thực hiện, sẽ gặp vướng mắc. Chính vì vậy chúng tôi muốn được nghe ý kiến của các đồng chí, đặc biệt trong vấn đề tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chúng ta quản lý đầu vào hay đầu ra? Chúng ta được quyền tự quyết trong vấn đề trả lương để thu hút người tài, giải quyết các vấn đề khoa học phát sinh….”, ông Phớc nêu.

phoc.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Về vấn đề lợi nhuận để lại, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng rất băn khoăn chuyện này.

“Việc tăng vốn cho DN nào, đầu tư cho DN nào là do Thủ tướng Chính phủ quyết định, chúng ta không thể tạo cơ chế để đầu tư tràn lan, không biết hiệu quả như thế nào. Tuy nhiên cũng cần có chính sách để các DN tự chủ trong trả lương. Tại sao các DN khác trả lương cao mà DN mình không trả lương cao được? Tại sao bên ngoài đổi mới công nghệ mà mình không đổi mới được? Do đó, chúng tôi quan trọng hiệu quả của đồng vốn chứ không phải bó lại đầu vào”, ông Phớc nói.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, để DN phát triển, điều quan trọng là thị trường nhưng DN phải chứng minh được có sản phẩm tốt và có sức cạnh tranh. Như người Mỹ nói "nền kinh tế trọng cung" có nghĩa rất quan trọng đầu vào, đầu cung cấp.

“Người ta dùng điện sạch thì mình cũng phải dùng điện sạch, người ta dùng công nghệ mới mình phải dùng công nghệ mới và nguyên liệu tốt để tạo sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh. Thị trường rất quan trọng vì nó đánh giá sản phẩm và đánh giá nỗ lực của ta”, ông Phớc nêu.

Về thể chế, ông Phớc cho biết giao quyền tự chủ cho DN, kể cả Luật Đấu thầu vừa ban hành xong nhưng gặp vướng thì cũng sửa ngay trong Luật số 69.

dien.jpeg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng rất cần đổi mới cơ chế quản lý DNNN theo hệ mục tiêu thay vì hệ giải pháp như hiện nay. Tăng nhiều quyền tự chủ cho DN, có chiến lược để xây dựng, nuôi dưỡng phát triển các thương hiệu quốc gia, làm động lực và đầu kéo cho các DN trong nước phát triển.

"Không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm"

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế; DNNN cần là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu sắp xếp tinh gọn bộ máy, tiếp tục cơ cấu lại các đơn vị thành viên, thoái vốn tại các đơn vị yếu kém, thua lỗ, không hiệu quả; duy trì nắm giữ, tăng vốn tại DN sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề chính; xử lý dứt điểm các tồn tại, các dự án yếu kém trên cơ sở xem xét lợi ích tổng thể chứ không phải lợi ích cục bộ.

"Điều tôi mong muốn nhất, thông điệp tôi muốn truyền tải là DNNN phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi; trên cơ sở đó đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị, không làm ăn riêng lẻ trong bối cảnh hội nhập hiện nay", Thủ tướng nói.

tt.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải tích cực, chủ động, trách nhiệm trong giúp đỡ doanh nghiệp, tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm"; phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu, tiến cùng, theo kịp và vươn lên, tăng tốc phát triển.

Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, xây dựng đề án về quản lý nhà nước với DNNN, theo hướng tách bạch chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước.

Bài liên quan
Thường trực Chính phủ gặp mặt các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu
Sáng 3.3, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt đầu xuân với các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì sự kiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sửa luật quan trọng liên quan đến DNNN nhưng có cán bộ vẫn… không quan tâm