Với các Thông báo kết luận giám định từ các Cơ quan điều tra công an nêu trên, Tập đoàn Trung Nguyên một lần nữa khẳng định: Tập đoàn Trung Nguyên và cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ hoàn toàn không có bất kỳ hành vi giả mạo chữ ký, giả mạo tài liệu trong vụ việc hình sự làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên mà cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vào ngày 22.4.2020.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương vừa ban hành kết luận giám định liên quan vụ làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Theo kết luận, giám định chữ ký của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo trên 5 tài liệu gồm: 3 biên bản và quyết định của đại hội cổ đông (về việc mua cổ phần trong Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên và cử người đại diện quản lý phần vốn góp, ngày 7-12-2009); 2 biên bản họp đại hội cổ đông (vào các ngày 3.1.2012, ngày 5.4.2013 và ngày 22-11-2013) và danh sách cổ đông Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên đều do ông Vũ và bà Thảo ký ra.
Trước đó, bà Thảo đã gửi đơn tố cáo đích danh một trưởng phòng pháp chế của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, cho rằng người này có hành vi "cắt dán", "giả mạo tài liệu" họp đại hội cổ đông để nộp Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bình Dương nhằm loại bỏ quyền điều hành của bà Thảo.
Như vậy, kết luận cho thấy tố cáo của bà Thảo về việc Tập đoàn Trung Nguyên giả mạo chữ ký, làm giả tài liệu tại Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên – Bình Dương là không có cơ sở.
Ngay sau báo chí đăng tải kết luận của cơ quan điều tra, Tập đoàn Trung Nguyên đã ra thông cáo để cung cấp thông tin chi tiết hơn vụ việc
Trung Nguyên khẳng định bà Lê Hoàng Diệp Thảo liên tục tố cáo sai sự thật với cơ quan điều tra về việc Tập đoàn Trung nguyên giả mạo chữ ký, làm giả tài liệu.
Thông cáo nêu trong suốt thời gian qua, bà Lê Hoàng Diệp Thảo liên tục gửi nhiều đơn thư tố cáo, đơn tố giác tội phạm đến các cơ quan điều tra từ Trung ương đến địa phương với nội dung tố cáo Tập đoàn Trung Nguyên giả mạo chữ ký, giả mạo cắt ghép tài liệu tại Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên (Bình Dương) và kiến nghị các cơ quan điều tra tiến hành điều tra hành vi làm giả chữ ký, giả mạo tài liệu của Tập đoàn Trung Nguyên. Dựa vào các đơn thư tố cáo sai sự thật của bà Thảo, ngày 22.4.2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định khởi tố hình sự vụ án làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên vào năm 2011.
Theo Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo không ít lần phát biểu trên truyền thông về sự việc không có thật là nhân viên Tập đoàn Trung Nguyên giả mạo tài liệu, đồng thời tố cáo sai sự thật với các Cơ quan điều tra. Theo Trung Nguyên, sự việc không đáng có trên đã kéo dài thời gian giải quyết vụ án tranh chấp tại Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên, kéo dài thời gian chiếm giữ Chi nhánh Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang để tiếp tục khai thác, kinh doanh trái phép sản phẩm cà phê hòa tan trong khi đáng ra tài sản này phải sớm thuộc về Tập đoàn Trung Nguyên. Không những vậy, những sự việc do bà Thảo khởi xướng đã ảnh hưởng không tích cực cho Tập đoàn Trung Nguyên.
Thông cáo nêu trong quá trình điều tra, nhiều cơ quan điều tra như Viện khoa học hình sự-Bộ Công an, Phòng kỹ thuật hình sự - Công tỉnh Bình Dương, Phân viện khoa học hình sự tại TP.HCM đều đã có hàng loạt Thông báo kết luận giám định và mới đây nhất là Thông báo kết luận giám định của Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Dương đối với các tài liệu, các chữ ký trên các văn bản Biên bản họp & Quyết định Đại hội cổ đông, Biên bản họp Đại hội cổ đông, Danh sách cổ đông tại Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên đều cùng một chữ ký của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và chữ ký của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Với các Thông báo kết luận giám định từ các Cơ quan điều tra công an nêu trên, Tập đoàn Trung Nguyên một lần nữa khẳng định: Tập đoàn Trung Nguyên và cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ hoàn toàn không có bất kỳ hành vi giả mạo chữ ký, giả mạo tài liệu trong vụ việc hình sự làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên mà cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vào ngày 22.4.2020.
Xâu chuỗi lại các sự việc trước đây, Trung Nguyên cho biết đây không phải lần đầu bà Lê Hoàng Diệp Thảo có những thông tin thiếu cơ sở gây ảnh hưởng cho hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên.
Trong thông cáo hồi tháng 4, Trung Nguyên cũng đã nhắc chuyện “Khởi đầu từ ngày 16.10.2016, bà Lê Hoàng Diệp Thảo thực hiện hành vi công khai cướp đoạt 12 con dấu và 23 Giấy đăng ký kinh doanh của tất cả các Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, làm cho toàn bộ hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên bị tê liệt hoàn toàn, đến việc ngang nhiên chiếm giữ trái phép nhà máy cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên tại Bắc Giang để tự ý sản xuất, kinh doanh; đến trắng trợn giả mạo chữ ký của Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản (7,5 triệu cổ phần) của Công ty Trung Nguyen Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân mình làm chủ sở hữu với giá 01 SGD (Một đô la Singapore)”.
Thông cáo hồi tháng 4 nêu “Bắt đầu từ một vụ kiện ly hôn, đến nay bà Thảo và Tập đoàn Trung Nguyên đã phát sinh tranh chấp 19 vụ kiện và số vụ kiện chưa hề dừng lại, cùng 12 Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do chính bà Thảo tạo ra đã làm cho Tập đoàn Trung Nguyên gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành, sản xuất và phát triển kinh doanh”. Đồng thời, thông cáo cho biết hàng loạt đơn thư tố cáo của Bà Thảo gửi đến cơ quan công an Trung ương, công an TP.HCM, Công an tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh Đắk Lắk với nội dung tố cáo Tập đoàn Trung Nguyên trốn thuế; tố cáo 17 cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Trung Nguyên là nhóm lợi ích thao túng, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của công ty. Rốt cuộc, kết quả đã được các Cơ quan Công an có thẩm quyền xác minh, làm rõ và bác bỏ các yêu cầu này của bà Thảo".
Dù vậy, trên truyền thông, bà Thảo vẫn không ít lần nói về một thuyết âm mưu về việc có một nhóm người, nhóm lợi ích nhóm tại Trung Nguyên đang có hành vi khống chế ông Đặng Lê Nguyên Vũ để dễ dàng thực hiện việc thao túng, chiếm đoạt Trung Nguyên.
Qua thông cáo mới đây, Trung Nguyên cho biết các nhân viên đang làm việc tại Tập đoàn trở thành nạn nhân của những hành vi gây rối, đe dọa, khủng bố, bôi nhọ sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, kể cả có dấu hiệu hình sự liên quan đến việc gây thương tích và điều này gây tâm lý hoang mang cho toàn thể người lao động
Cuối cùng thông cáo khẳng định: "Tập đoàn Trung Nguyên tin vào đạo đức nghề nghiệp, thông tin có trách nhiệm của các nhà báo, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông… sẽ thông tin một cách đầy đủ, khách quan và minh bạch nhất nhằm giúp Tập đoàn Trung Nguyên cùng toàn thể hơn 5.000 người lao động an tâm làm việc, tự chủ trong mọi hoạt động sản xuất, phát triển kinh doanh… và tập trung vào việc sớm phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh, ổn định công ăn việc làm cho người lao động sau đại dịch COVID-19. Đồng thời, Tập đoàn Trung Nguyên tin tưởng vào sự yêu mến, ủng hộ của hàng triệu người tiêu dùng trong và ngoài nước đã vẫn luôn tin dùng sản phẩm dịch vụ của Trung Nguyên trong suốt thời gian qua, điều này đã giúp cho Tập đoàn Trung Nguyên và hơn 5.000 người lao động vượt qua được muôn ngàn khó khăn chồng chất gây ra về pháp lý do chính bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã, đang và vẫn tiếp tục gây ra chưa hề có hồi kết thúc.
Tú Anh