Thời gian vừa qua xuất hiện những thông tin Dự án KCN Nam Tân Tập, tỉnh Long An bị Bộ Xây dựng tuýt còi. Vậy sự thực là thế nào?
Khẳng định với Một Thế Giới, một lãnh đạo tỉnh Long An cho biết các thông tin, bài viết trên một số báo, trang mạng xã hội thời gian qua liên quan tới dự án khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Tập thiếu chính xác, như “tuýt còi”, phản ánh chưa rõ ràng về dự án; khiến dư luận hiểu sai về sự việc, gây khó cho địa phương và nhà đầu tư.
Không có chuyện chỉ định nhà đầu tư
Báo cáo số 2113/UBND-KTTC ngày 16.3.2021 của UBND tỉnh Long An, dự án KCN Nam Tân Tập có diện tích gần 245ha tại huyện Cần Giuộc, nằm trong khu vực quy hoạch phát triển các KCN của tỉnh, phù hợp các quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt vào các năm 2006, 2012, 2013.
Mục tiêu dự án là đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Tổng vốn đầu tư 2.590 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 440 tỉ đồng, thời hạn thực hiện dự án 50 năm.
Đánh giá về hiệu quả của dự án, lãnh đạo tỉnh Long An nhận định: “Việc đầu tư dự án tại thời điểm này là rất cần thiết, ngoài việc cụ thể hóa các quy hoạch, còn góp phần chuyển dịch cơ cấu từ sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang sản xuất công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người lao động, thúc đẩy các ngành kinh doanh - dịch vụ phát triển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương; góp phần đón làn sóng chuyển dịch đầu tư FDI vào Việt Nam".
Khi thực hiện dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giuộc nói riêng và tỉnh Long An nói chung, thông qua việc tạo quỹ đất để thu hút dự án đầu tư, tác động tích cực đối với sự phát triển công nghiệp, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 1.180 tỉ đồng (chưa kể nguồn thu từ các nhà đầu tư thứ cấp), tạo việc làm cho khoảng 15.000 lao động.
Theo đánh giá của tỉnh, KCN Nam Tân Tập có vị trí thuận lợi hơn nhiều KCN khác về hạ tầng giao thông, vận chuyển do có cả hạ tầng thuận lợi đường bộ đường thủy khi tiếp giáp ĐT830, cảng quốc tế Long An, TP.HCM, chỉ cách trung tâm TP.HCM 30km.
Trước thông tin, tỉnh Long An chỉ định thầu với dự án KCN Nam Tân Tập, PV Một Thế Giới tìm hiểu để trả lời các câu hỏi: Có bao nhiêu nhà đầu tư muốn tham gia dự án này? Có sự chỉ định nhà đầu tư trong dự án này hay không?...
Qua rà soát hồ sơ cho thấy, trong quá trình thực hiện có hai nhóm (gồm 5 nhà đầu tư) đề xuất được nghiên cứu dự án, gồm: Nhóm thứ nhất là Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (liên danh Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng; Công ty công ty Công nghệ viễn thông Sài Gòn; Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc); Nhóm thứ 2 là Công ty cổ phần Đầu tư An Kiến Phát; Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư An Kiến Phát và Công ty TNHH Hải Sơn.
Tuy nhiên, tại thời điểm đăng ký đầu tư, các nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Đầu tư An Kiến Phát; Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư An Kiến Phát và Công ty TNHH Hải Sơn có văn bản không tham gia dự án và không nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư.
Chỉ có Liên danh Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư kịp thời và đầy đủ đến Ban Quản lý Khu kinh tế Long An.
Liên danh này cũng đã góp vốn thành lập Công ty TNHH Saigontel Long An để đăng ký thực hiện dự án, được Long An cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào đầu 2021.
Hồ sơ đã được Bộ KH-ĐT thẩm định đáp ứng điều kiện năng lực theo pháp luật và trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Như vậy, hoàn toàn không có sự chỉ định nhà đầu tư trong dự án.
Về việc Saigontel và hai công ty “mẹ” có năng lực hay không, báo cáo 2113 khẳng định UBND Long An cùng các sở ngành đã kiểm tra khảo sát hai KCN do hai công ty “mẹ” của Saigontel đã thực hiện là KCN Đại Đồng Hoàn Sơn (Bắc Ninh), KCN Tràng Duệ (Hải Phòng) và “đánh giá rất cao” khả năng của liên danh muốn thực hiện dự án Nam Tân Tập.
Về bản thân Công ty Saigontel, tại thời điểm ngày 10.3.2021, có số dư tài khoản được HDBank xác nhận 450 tỉ đồng, đáp ứng yêu cầu về vốn theo điểm a khoản 2 điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Kết quả xác minh của Long An cũng cho thấy Saigontel có khả năng huy động vốn từ tổ chức tín dụng để thực hiện dự án, có các văn bản cung cấp tín dụng của HDBank và cam kết của Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn.
Bộ Xây dựng "tuýt còi" hay là sự suy diễn?
Theo chúng tôi tìm hiểu, công văn số 112/BXD-HĐXD ngày 13.1.2021 về việc cho ý kiến thẩm định quyết định chủ trương đầu tư của dự án KCN Nam Tân Tập, Bộ Xây dựng khẳng định: “Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án phải tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu và các quy định hiện hành khác của pháp luật”.
Với khuyến cáo của Bộ Xây dựng nêu trên, có thể gặp tại mọi văn bản các bộ ngành trả lời việc xin ý kiến của các địa phương khi triển khai chủ trương xây dựng bất cứ dự án nào.
Căn cứ theo Luật Đấu thầu, theo báo cáo của tỉnh Long An, theo quy định tại Luật Đấu thầu và khoản 1, điều 1 Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, thì dự án Nam Tân Tập không thuộc trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Xét về Luật Đất đai, dự án thuộc đối tượng được miễn tiền thuê đất 11 năm, nên theo khoản 2, điều 118 và điểm b, khoản 2, điều 110 Luật Đất đai 2013; khoản 12, điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, thì với dự án Nam Tân Tập, Long An sẽ được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ), không thông qua đấu thầu dự án có SDĐ.
Xét về Luật Đầu tư, dự án thuộc trường hợp được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, theo quy định tại điểm d, khoản 4, điều 29 Luật Đầu tư 2020.
Như vậy hồ sơ sự việc đã cho thấy các thông tin rất rõ ràng: Không có chuyện chỉ định nhà đầu tư với dự án; Saigontel đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện dự án; dự án không thuộc trường hợp đấu giá đầu thầu… Vậy mà vẫn có một số thông tin sai lệch, chưa chính xác về dự án.