Trong ‘Annabelle: Comes Home’, Annabelle không phải thế lực ma quái duy nhất được nhắc đến và tự do đi dạo trong căn nhà của vợ chồng Warren.

Sự thật về những câu chuyện ma quái được nhắc đến trong 'Annabelle: Comes Home'

Chí Thiện | 29/06/2019, 17:42

Trong ‘Annabelle: Comes Home’, Annabelle không phải thế lực ma quái duy nhất được nhắc đến và tự do đi dạo trong căn nhà của vợ chồng Warren.

Bài viết có tiết lộ nội dung phim Annabelle: Comes Home, cân nhắc trước khi đọc.

Xuất hiện lần đầu trong The Conjuring (2013), búp bê Annabelle đã nhận được sự yêu thích bất ngờ từ khán giả và nhanh chóng trở thành nhân vật chính trong loạt phim riêng: Annabelle (2014), Annabelle: Creation (2017) và Annabelle: Comes Home (2019). Nội dung của những phim này dựa trên ghi chép của các nhà ngoại cảm uy tín. Tuy nhiên, khi phần phim mới nhất kết thúc, câu hỏi đặt ra trong đầu khán giả nhiều hơn là câu trả lời mà họ nhận được.

Trong Annabelle: Comes Home, người xem không biết những vật dụng ma ám nào dựa trên chuyện có thật và cái nào do biên kịch sáng tạo nên. Nhằm làm sáng tỏ điều này, tờ Hollywood Reporter đã phỏng vấn Tony Spera - người phụ trách bảo tàng huyền bí Occult ngoài đời thực và là con rể của vợ chồng nhà ngoại cảm Ed và Lorraine Warren.

Chiếc váy cưới

Chiếc váy cưới xuất hiện khá nhiều lần trong Annabelle: Comes Home và đã ám vào nhân vật Daniela. Nó khiến cho bất kỳ cô dâu nào diện lên người cũng trở nên bạo lực và tìm cách giết hôn phu của mình.

Theo Tony Spera, đúng là có một chiếc váy cưới đang hiện hữu trong bảo tàng Occult nhưng câu chuyện giết hôn phu hoàn toàn là hư cấu. Nó vốn thuộc về con ma Quý bà trắng (White Lady) ở nghĩa trang Union tại tiểu bang Connecticut. “Bà ta đã được nhìn thấy trong nhiều thập niên, và thậm chí là gần đây cũng có người bắt gặp”, ông nói.

Một trong những nhân chứng nổi tiếng nhất là Rod Vescey. Năm 2009, Rod đang lái xe ngang qua nghĩa trang Union vào khoảng 1 giờ sáng thì đột nhiên anh cảm thấy sự hiện diện của một hành khách phía sau. Rod liếc qua vai, và ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông mặc trang phục thập niên 60. Rod sợ hãi, rồi từ từ quay lại nhìn trộm. Lần này, thực thể ấy đã biến mất.

Sau đó, Rod tập trung lái xe và tiếp tục phát hiện một người phụ nữ đang đứng cách mình khoảng 60 mét và mặc áo choàng trắng có khăn che mặt. Cô ta giơ tay vẫy gọi như muốn nói "dừng lại". Rod tiếp tục đạp mạnh phanh. Ngay khi anh ta làm vậy, Quý bà trắng lao thẳng vào chiếc xe và xuyên thẳng qua. Rod nói rằng anh cảm thấy "một luồng không khí đi qua tai phải".

Rod nhìn ra ngoài cửa sổ một lần nữa và thấy con đường nhuốm một màu đỏ như thể ai đó vừa phủ lên con đường bằng sơn đỏ. Rod cho biết cảm giác khi Quý bà trắng đi ngang qua là “sự đau khổ và thương cảm”, giống như cô ấy đang cố nói với anh ấy điều gì đó. Rất có thể Quý bà trắng muốn chia sẻ về nguyên nhân đã dẫn đến cái chết thảm khốc của mình.

Trong một dịp khác, một cảnh sát và một lính cứu hỏa báo cáo rằng họ đã tông vào một phụ nữ mặc áo choàng trắng trong lúc chạy ngang nghĩa trang Union khiến xe họ bị móp. Cảnh sát và nhân viên y tế địa phương đã được huy động nhưng không có bất kỳ tai nạn nào được ghi nhận. Theo Tony Spera, người phụ nữ đó chính là Quý bà trắng và “năng lượng phát ra từ máy biến thế vừa bị cháy gần đó đã giúp bà ấy trở nên hữu hình”.

Vòng tay để tang

Quá đau buồn trước cái chết của cha, nhân vật Daniela đã bỏ tấm ảnh chân dung của ông vào vòng tay này với hi vọng có thể trao đổi với người đã khuất. Tony Spera xác nhận không có vật phẩm nào như vậy trong bảo tàng. Tuy nhiên, ông nghi ngờ rằng có khả năng nó được lấy cảm hứng từ những viên ngọc chết.

Trong bảo tàng huyền bí Occult, có một bộ ngọc trai thật mà một người phụ nữ được tặng. Khi đặt nó lên cổ, cô cho biết mình cảm thấy như đang bị siết cổ đến chết. Những người xung quanh đã phải lấy ngọc trai ra khỏi người phụ nữ để cứu cô.

Tony Spera cho rằng bất kỳ vật dụng nào cũng có thể bị ám do đã có người "thực hiện các câu thần chú và nghi lễ để đưa những thế lực xấu vào, giống như búp bê Annabelle". Theo cách tương tự, một linh mục có thể ban phước cho một thánh tích hoặc một người thực hành ma thuật đen có thể nguyền rủa một món đồ nào đó.

Trò chơi Feeley Meeley

Không có trò chơi Feeley Meeley trong bảo tàng huyền bí Occult cũng như không có bộ đồ samurai nào. Tony Spera tin rằng việc đưa trò chơi vào nhằm gợi nhớ đến tấm bảng Ouija nổi tiếng vì cả hai trò chơi đều liên quan đến việc sử dụng tay.

Với Feeley Meeley, người chơi thọc tay vào một chiếc hộp có 24 vật thể bên trong và cố gắng cảm nhận để tìm vật thể tương tự trên lá bài họ đã vẽ từ trước. Trong khi đó, để sử dụng một bảng Ouija, hai người hoặc một người đặt tay lên một chiếc đĩa nhựa và đặt câu hỏi cho các linh hồn hiện hữu xung quanh. "Nó khác với Feeley Meeley, nhưng thực ra một ván oujia nguy hiểm hơn nhiều vì bạn yêu cầu nói chuyện với các linh hồn đến cõi vô định", Tony Spera nói.

"Một khi bạn mở cánh cửa đến thế giới khác, rất khó để đóng lại", ông nói. "Nó giống như mở một cửa sổ trong một căn nhà gỗ trong rừng và nghĩ rằng một con bướm Monarch tốt đẹp sẽ bay vào, [nhưng] đó có thể là một con sói và chúng sẽ làm hại bạn. Tương tự trong lĩnh vực tâm linh. Bạn không biết những gì khác ngoài kia, vì vậy bạn phải cẩn thận với những lời mời”.

Gương soi

Trong Annabelle Come Home, có một chiếc tivi cho thấy tương lai khi bạn nhìn vào nó. Tony Spera nói rằng chiếc TV này hoàn toàn được hư cấu cho bộ phim, nhưng ý tưởng đó có thể đã xuất phát từ chiếc gương Conjuring trong bảo tàng huyền bí Occult.

Chiếc gương được đặt tên là Conjuring bởi vì ai đó đã ếm rất nhiều linh hồn vào nó. Một người đàn ông ở New Jersey đã ngồi hàng giờ trước tấm gương, liên tục yêu cầu triệu tập các thành viên quá cố của gia đình mình.

“Này, tôi muốn gặp bạn, bạn có thể đến và nói chuyện với tôi không?", người đàn ông hỏi và ngồi trong một căn phòng ngập tràn bóng tối, không có gì ngoài một bóng đèn đỏ phía sau. Ông ta kêu gọi chiếc gương trong hai tuần và cuối cùng, những khuôn mặt "quái dị xấu xí" xuất hiện.

Tony Spera cho rằng đây là một ma thuật được biết dưới cái tên "crystalmancy”: “Đó là khi một linh hồn có thể tự hiện trên một vật thể sáng bóng như TV, gương, tấm, cửa sổ kính…”.

Vợ chồng Warren giành được quyền sở hữu chiếc gương sau khi người đàn ông kể trên bị đưa đến trại tâm thần và người thân của ông giao nó cho họ.

Người sói

Trong Annabelle Comes Home, một người sói hiện diện dưới hình thức linh hồn nhưng có khả năng tấn công các nhân vật chính bên ngoài ngôi nhà của Warren. Theo Tony Spera, không có người sói nào như vậy tồn tại trong bảo tàng nhưng nó được lấy cảm hứng từ vụ án Ed và Lorraine từng thực hiện ở Luân Đôn. Họ thậm chí đã viết một cuốn sách mang tên Người sói: Một câu chuyện thật về quỷ ám.

"Một người đàn ông từng biến thành người sói ở Luân Đôn như trong phim và hành động như một con sói. Anh ta gầm gừ, những ngón tay biến thành móng vuốt và tấn công mọi người trên phố”, Tony Spera nói. "Đó là một vụ án rất nổi tiếng. Và người hóa sói là Bill Ramsey".

Lễ trừ tà của Bill Ramsey vào năm 1989

Để cứu linh hồn của Bill Ramsey, vào năm 1989, Ed và Lorraine đã đưa anh ta đến Mỹ. Tại đây, Đức Giám mục Robert McKenna đã thực hiện lễ trừ tà cho Bill Ramsey tại Nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi ở tiểu bang Connecticut (Mỹ) vào ngày 28 tháng 7 năm 1989. Sau khi lễ trừ tà được thực hiện, Bill Ramsey nói rằng bản thân đã thoát khỏi cái ác và quay lại cuộc sống bình thường.

Cây đàn

Một lần nữa, Daniela phá vỡ quy tắc "không đụng chạm" của bảo tàng khi ấn ngón tay xuống phím đàn piano. Một khoảnh khắc sau, cô bị gián đoạn bởi một người đàn ông đến từ thế giới khác và đứng chơi bên cạnh.

Như trong miêu tả phim, Tony Spera cho biết có một cây đàn trong bảo tàng huyền bí. Nó thuộc về Ed Warren - người đã lấy được nó sau khi chính quyền dọn sạch một ngôi nhà ma ám từng được sở hữu bởi Reverend Eliakim Phelps tại Stratford, tiểu bang Connecticut.

Sau khi căn nhà bị thiêu rụi, một nhân viên nào đó của chính quyền thành phố Statford đã tìm đến Ed và hỏi rằng liệu anh ta có quan tâm đến việc giữ một cây đàn không. Ed tiếp nhận nhưng trên thực tế, thứ được mang về nhiều hơn là một đạo cụ.

Vợ chồng Warren

"Ed có thể nghe thấy tiếng nhạc phát ra vào ban đêm. Ông ấy đã bay xuống cầu thang để kiểm tra. Và tất nhiên là không có gì được chạm vào, hoặc mở khóa. Ngay khi Ed bước vào bảo tàng, cây đàn đã ngừng chơi. Nó xảy ra ba lần”, Tony Spera nói.

Cây đàn cuối cùng đã im lặng sau khi một linh mục đến để ban phước cho bảo tàng – một hoạt động thường xuyên. Tony Spera nói rằng "một linh mục Công giáo cứ sau hai hoặc ba tháng sẽ đến để ban phước cho toàn bộ bảo tàng và tất cả vật dụng”. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ US Today, Lorraine Warren từng nói rằng những lời cầu nguyện có tác dụng "trói buộc cái ác - giống như một hàng rào điện cho một con chó".

Tony Spera nói rằng anh ta không bao giờ muốn phá hủy các vật thể của bảo tàng bởi vì “chúng là bằng chứng của các vụ án trong quá khứ”. Bên cạnh đó, nếu ai đó làm hại một vật dụng, người đó chỉ đơn thuần là phá hủy con tàu và giải phóng tà ác mà nó chứa đựng.

Ngoài ra, còn có một lý do quan trọng khác mà Tony Spera sẽ tiếp tục bảo vệ các vật dụng mà ngay cả khi Ed và Lorraine đã qua đời: “Đối với các học sinh theo đuổi môn ngoại cảm và năng lực huyền bí, bảo tàng này giống như một lớp học nơi tôi có thể giữ các đồ vật bị ám để trưng ra cho các đồng môn biết và hiểu chúng hơn”.

Bảo tàng Occult hiện đang đóng cửa do đang tìm kiếm một địa điểm mới.

Mai Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự thật về những câu chuyện ma quái được nhắc đến trong 'Annabelle: Comes Home'