Truyện kể rằng hồi đó, nhà soạn nhạc nổi tiếng Johann Sebastian Bach có một vị khách thường ghé chơi nhà, đó là bá tước người Nga Keyserlingk. Vị bá tước có ba người hầu, một trong số đó là anh chàng tên Goldberg, bản thân cũng là một nhạc công đàn harpsichord. Bá tước bị căn bệnh mất ngủ kinh niên nên đi đâu cũng cho Goldberg đi theo, để mỗi đêm, anh chàng chơi những bản nhạc dịu dàng giúp ông mau vào giấc ngủ.
Vậy là có một lần, khi trú tại tư gia của Bach, vị bá tước ngỏ ý nhờ Bach sáng tác cho Goldberg một vài bản nhạc vui vẻ, nhẹ nhàng giúp ông ngủ ngon. Lời đề nghị ấy là khởi điểm cho 30 bản biến tấu Goldberg Variations mà sau này được coi như một tòa tháp sừng sững của âm nhạc cổ điển, một bộ tác phẩm mà hầu như mọi nghệ sĩ dương cầm lớn đều có tham vọng thu âm.
Lang Lang đương nhiên là một trong những nghệ sĩ dương cầm lớn của thế kỷ 21. Từ nhà hát Carnegie Hall danh giá đến đêm trao giải Grammy, từ Nhà Trắng đến sân vận động 80.000 chỗ ngồi, đi đến đâu, Lang Lang cũng là hiện tượng. Báo chí phương Tây gọi anh này là “nghệ sĩ nhạc cổ điển nổi nhất hành tinh”, “siêu sao nhạc rock trong nhạc cổ điển”, “thần sấm piano”.
Anh đương nhiên cũng không thể bỏ qua Goldberg Variations của Bach. Dù đã thuộc lòng những bản nhạc này từ khi còn là một thiếu niên, nhưng phải đến khi gần tuổi 40, anh mới cảm thấy mình đã sẵn sàng để ghi âm chúng. Và anh ghi âm chúng. Thế nhưng, giới phê bình nước ngoài không mấy hào hứng, họ chê anh “diễn quá lố trong âm nhạc”: “Sự biểu cảm của anh chuyển thành sự cường điệu, thậm chí thô thiển”, theo nhà phê bình Anthony Tommasini của tờ Thời báo New York. Cái cách mà anh giảm tốc độ, kéo giãn âm nhạc của Bach khiến cho cấu trúc bản nhạc bị suy giảm, yếu ớt, biến mất trong sự diễn cảm thừa thãi. Còn cách mà anh lim dim mắt, bày tỏ cảm xúc qua nét mặt thì bị coi là làm dáng không cần thiết.
Đây không phải lần đầu tiên Lang Lang, nghệ sĩ piano đình đám đến từ Trung Quốc, bị chỉ trích như vậy. Quá phô bày kỹ thuật, quá thiếu sự tinh tế, quá nhiều màu mè phô trương, quá ít “gu” thẩm mỹ. Và anh cũng không phải nghệ sĩ Châu Á đầu tiên chịu những chỉ trích như thế, dẫu rằng, chính Châu Á chứ không phải nơi nào khác có vẻ như là miền đất hứa trong tương lai của âm nhạc cổ điển phương Tây.
“Có một thời, tất cả những nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng đều là người Do Thái. Mọi đứa trẻ Do Thái đều muốn lớn lên trở thành một nghệ sĩ violin. Giờ thì điều này đúng với cộng đồng người Châu Á”, nghệ sĩ violin nổi tiếng Joshua Bell nói (Joshua Bell cũng là người Do Thái). Chỉ cần lên Youtube thôi, bạn sẽ thấy vô vàn những video về những thần đồng âm nhạc Châu Á nhỏ tuổi khiến người ta phải thốt lên, có phải Mozart hồi nhỏ cũng chỉ đến thế là cùng hay không? Trong một đoạn clip, một học sinh 12 tuổi người Hàn Quốc diễn tấu bản Zigeunerweisen của Pablo de Sarasate đầy điêu luyện trong sự kinh ngạc của mọi người, và bên dưới, người ta để lại bình luận rằng: “Dù bạn làm gì đi nữa thì sẽ luôn có một đứa bé Châu Á làm điều đó xuất sắc hơn bạn”.
Thế nhưng, khi nhắc tới những nghệ sĩ độc tấu Do Thái của thế kỷ 20 như Arthur Rubinstein, Vladimir Horowitz, Martha Argerich, Daniel Barenboim trên phím piano hay Yehudi Mehunin, Issac Stern, David Oistrakh cùng cây đàn violin, trái tim những người đam mê cổ điển lập tức trùng xuống với một lòng kính ngưỡng vô bờ. Những đĩa than các bản thu âm của họ được lùng sục, được lưu giữu như một kỷ vật không thể thiếu trong những bộ sưu tầm âm nhạc giá trị.
Tên họ dường như đã hòa làm một vào vẻ đẹp vĩnh viễn của thứ nhạc cụ mà họ chơi, diễn tấu của họ trở thành chuẩn mực, cách họ biểu diễn khiến ta tin rằng đó là cách mà âm nhạc của Mozart, Beethoven, Chopin, Profikiev,… nên được chơi. Nhưng những nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng đến từ Châu Á như Lang Lang, như Lý Vân Địch, Yuja Wang, Sarah Chang, Yo-yo Ma, Lim Ji-young thì hiếm khi đạt đến vẻ thần thánh như vậy. Họ cứ việc cháy vé trong các buổi trình diễn, họ cứ việc tạo nên hiệu ứng xã hội, họ cứ việc trở thành thần tượng của công chúng trẻ tuổi, họ cứ việc kết hợp với những dàn giao hưởng uy tín nhất thế giới, nhưng không bao giờ họ được thực sự thừa nhận.
Hãy cứ nhìn biệt danh báo chí đặt cho họ thì ta sẽ thấy. Lang Lang là “nghệ sĩ dương cầm nổi nhất hành tinh” ư? Đó là lời tụng ca hay giấu sau nó là sự mai mỉa? Bản chất vẻ đẹp của một bản diễn tấu piano đâu nằm ở chỗ “nổi nhất hành tinh”? Khi so sánh với những biệt danh xưa kia của Vladimir Horowitz - “quỷ Satan của cây piano”, hay Arthur Rubinstein - “Vua Arthur”, hay Martha Argerich – “Sư tử cái”, ta sẽ thấy hiển hiện cái điều mà một nghệ sĩ violin Hàn Quốc từng chia sẻ, rằng trong mắt “họ” – người phương Tây, nghệ sĩ Châu Á chỉ là “một bầy robot máy móc”.
Đôi khi, cũng sẽ có những ngoại lệ, chủ yếu là những tên tuổi đến từ Nhật Bản. Như “Quý bà” Mitsuko Uchida chắc chắn được công nhận như một trong những người chơi Mozart và Schubert tinh tế, sang trọng và sâu sắc nhất, những bản diễn tấu piano của bà tỉnh táo mà phiêu lưu, vừa đầy sức nặng vừa đầy tự do, và tên bà được thốt lên với niềm thành kính như khi thốt lên tên của Rachmaninov. Song, trường hợp kiệt xuất như vậy thì không thể lấy làm một trường hợp điển hình của nghệ sĩ châu Á hiện đại.
Vậy mà, có lẽ chính phẩm chất đầy vẻ phô trương như những ngôi sao rock nơi các nghệ sĩ châu Á là thứ mà nhạc cổ điển hiện nay cần. Trong một thế giới luôn đòi hỏi sự chú ý, nhạc cổ điển cũng phải gây sự chú ý nếu muốn còn ở trong tầm mắt công chúng. Trong một thế giới con người luôn trong trạng thái vội vàng, hối hả, không nhiều người đủ kiên nhẫn để tìm kiếm vẻ đẹp tịch mặc, thư thái, duyên dáng, tinh vi nơi lối diễn tấu cổ điển.
Ngược lại, người ta có thể cảm được ngay lập tức cái gì bày ra ấn tượng trước mắt, kiểu như đôi bàn tay chạy phím với tốc độ chóng mặt của Yuja Wang hay điệu bộ giằng xé như bị âm nhạc nhập của Lang Lang. Với những đôi tai sành nhạc, đó có thể là những màn diễn tấu vô hồn, nhưng chúng lại “sướng mắt”, và nói cho cùng đôi tai có còn ở vị trí tối thượng đối với âm nhạc hay không? Trong nhạc đại chúng, đã từ lâu khán giả chuyển sang thời đại nghe – nhìn, thời đại của video, của MV, của Youtube, của Tiktok. Bộ trang phục của âm thanh chính là hình ảnh. Và nhạc cổ điển có thể đi chậm hơn trước những trào lưu mới, nhưng không có nghĩa nó có thể cách ly mình khỏi thời đại.
Đáng nói hơn tất thảy, nguồn năng lượng Châu Á không chỉ dồi dào trong những nghệ sĩ, mà còn trong lớp khán giả hiện đại. Nói như Joshua Bell, người đã đi lưu diễn khắp năm châu bốn bể, chỉ có ở Châu Á là ông cảm thấy mình như một siêu sao và khán giả vô cùng cuồng nhiệt. Trong khi ở chính Châu Âu, thị phần nhạc cổ điển ngày càng thu bé lại, một đĩa nhạc bán được vài ngàn bản đã được coi là bán chạy, thì ở Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, nhạc cổ điển ngày càng được ưa chuộng.
Nhà báo Hong Kong Ken Smith viết: “Trung Quốc là thị trường duy nhất mà nhạc cổ điển còn phát triển. Bạn thấy những phòng hòa nhạc mới được xây dựng khắp nơi”. Dù có thành kiến với Lang Lang đến mấy thì báo chí phương Tây cũng phải thừa nhận rằng: “Nhạc cổ điển đang hướng về Trung Quốc với niềm hy vọng” hay “Tương lai của nhạc cổ điển là Trung Quốc”.
Kể từ lần đầu tiên Beethoven được giới thiệu ở Trung Quốc vào năm 1906 trong một bài báo với tựa đề “Nhà hiền triết của âm nhạc”, nhạc cổ điển phương Tây đã mang một ý nghĩa đặc biệt về văn hóa với người Hoa. Nó không chỉ là âm nhạc mà còn đại diện cho sự văn minh, sự khai sáng, cho tầng lớp trí thức bậc cao, cho những gia đình thượng lưu. Biết chơi một nhạc cụ như violin hay piano là biểu tượng cho sự quý tộc, hiểu biết.
Ta hẳn còn nhớ tác phẩm “Khúc Chiến Ca của Mẹ Hổ”, trong đó tác giả Amy Chua, một người phụ nữ gốc Hoa, tự hào kể lại thành tích đào tạo nên những đứa con xuất chúng, trong đó có việc buộc các con phải học chơi nhạc cụ bài bản. Tâm lý ấy cũng đúng với những nền văn hóa gần với Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Sự mặc cảm thua thiệt của người Châu Á sau hàng trăm năm khiến cho ta luôn nhìn về âm nhạc cổ điển phương Tây như thành lũy cuối cùng mà nếu vượt qua đó, ta sẽ nắm bắt được tinh hoa và tư tưởng của họ.
Sự mặc cảm cũng hẳn cũng lý giải tại sao nhiều nghệ sĩ Châu Á có xu hướng làm dáng, trưng trổ, muốn tất cả đều nhận ra mình, đều trầm trồ về mình. Thái độ sùng kính mà quyết liệt này khác hẳn với sự chán chường mà giới trẻ Châu Âu dành cho di sản cha ông họ để lại, và đến một lúc, người châu Âu hẳn sẽ thấy những người viết tiếp lịch sử âm nhạc cổ điển phương Tây có khi lại là những người đến từ vùng đất mà họ từng mang tham vọng chinh phục.
Thực tế ấy có thể có nghĩa là nhạc cổ điển sẽ khác, rất khác so với những gì ta đã biết, đã yêu. Nhưng, ta cũng đâu biết thực sự thì Mozart hay Beethoven đã chơi những bản nhạc của họ ra sao và muốn những bản nhạc của họ được chơi thế nào? Ngay cả những gì ta yêu hẳn cũng rất khác so với những gì đã từng được yêu. Cho nên, dù nhạc cổ điển đổi khác theo cách nào, điều quan trọng nhất là nó vẫn đang đổi khác. Tiến về đâu cũng được, tiến về đâu cũng tốt hơn là đứng nguyên một chỗ.