Thời buổi ăn xổi ở thì hiện nay, các chương trình truyền hình đã xem nhẹ các yếu tố chuyên môn hay trình độ của giám khảo. Nhà sản xuất chỉ cần những nhân vật hot, "nổi đình nổi đám" bởi xì căng đan, hay có nhiều fan hâm mộ là đủ để chọn làm giám khảo, bất kể trên chiếc ghế đó, các giám khảo có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực mình chấm hay không, có được thí sinh và khán giả tâm phục khẩu phục hay không.·

Sự dễ dãi của giám khảo thời 'ăn xổi ở thì'

motthegioi | 05/06/2016, 12:58

Thời buổi ăn xổi ở thì hiện nay, các chương trình truyền hình đã xem nhẹ các yếu tố chuyên môn hay trình độ của giám khảo. Nhà sản xuất chỉ cần những nhân vật hot, "nổi đình nổi đám" bởi xì căng đan, hay có nhiều fan hâm mộ là đủ để chọn làm giám khảo, bất kể trên chiếc ghế đó, các giám khảo có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực mình chấm hay không, có được thí sinh và khán giả tâm phục khẩu phục hay không.·

Giám khảo là người ngồi ghế nóng trong các cuộc thi, những người có nhiệm vụ phải đưa ra các ý kiến, nhận xét của mình về từng phần thi của thí sinh. Đã ngồi ghế giám khảo thì mặc nhiên phải là người có trình độ thẩm định, gọi tên chuẩn xác những đúng sai, được và chưa được để thí sinh tâm phục khẩu phục. Ngoài ra, là để khán giả theo dõi chương trình tâm phục khẩu phục.

Nhưng xem ra, thời buổi ăn xổi ở thì hiện nay, các chương trình truyền hình đã xem nhẹ các yếu tố chuyên môn hay trình độ của giám khảo. Nhà sản xuất chỉ cần những nhân vật hot, "nổi đình nổi đám" bởi xì căng đan, hay có nhiều fan hâm mộ là đủ để chọn làm giám khảo, bất kể trên chiếc ghế đó, các giám khảo có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực mình chấm hay không, có được thí sinh và khán giả tâm phục khẩu phục hay không.

Khi những người "đứng đắn" bị loại

Nhìn lại khoảng chục năm về trước, khi các gameshow ồ ạt trên sóng truyền hình cung cấp một món ăn mới lạ cho khán giả, những chương trình được làm rất kỹ lưỡng. Khán giả các cuộc thi truyền hình thường được chọn rất kỹ lưỡng, và hoàn toàn yên tâm về mặt chuyên môn.

Chẳng hạn, các cuộc thi về âm nhạc trên truyền hình, người được lựa chọn ngồi ghế nóng bao giờ cũng là những ca sĩ, nhạc sĩ có bề dày hoạt động âm nhạc, có uy tín trong giới chuyên môn. Họ là những tài năng được thừa nhận, được xã hội kính trọng.

Các giám khảo Thanh Lam, Huy Tuấn, Việt Tú khiến các thí sinh cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn yên tâm khi trình diễn phần thi của mình.


Các thí sinh tham gia vào các cuộc thi trên truyền hình, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc, thường là người mới bắt đầu con đường của mình. Họ cần được các chuyên gia, những người giỏi về âm nhạc có thể nhận xét, nâng đỡ, chỉ đường, động viên khuyến khích họ. Với mỗi thí sinh, từng lời nhận định của khán giả sẽ có một sức nặng lớn, thậm chí có thể thay đổi nhận thức của họ về âm nhạc, thay đổi cả lựa chọn của họ trong lĩnh vực họ đam mê.Đơn cử, những nghệ sĩ như Thanh Hoa, Thanh Lam, Siu Black, Quang Lý, Quốc Trung, Anh Quân, Quốc Bảo, khi ngồi ghế nóng một cuộc thi âm nhạc, khán giả và thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm về thẩm mỹ và trình độ của họ.

Giám khảo giống như những ông thầy, có sức ảnh hưởng lớn đến các học trò. Khi những người giỏi nhất, tử tế nhất, có tâm có tầm nhất ngồi ghế giám khảo, thì thí sinh được lợi, tầm vóc của cuộc thi được nâng lên. Thời kỳ đó, các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình có chất lượng rất tốt. Rất nhiều thí sinh được phát hiện từ các cuộc thi như vậy sau này đã trở thành những ngôi sao lớn, có vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc, đứng ngang hàng với các giám khảo từng chấm thi mình.

Nhưng mọi sự nay dường như đã khác. Những gương mặt có độ tin cậy về chuyên môn đã không còn ở trong tầm ngắm của các nhà sản xuất. Người ta cho rằng, những người "tử tế" về nghề như vậy lại khó ăn điểm rating. Nghĩa là độ hấp dẫn của chương trình bị kém đi, không lôi kéo được sự chú ý của số đông khán giả.

Dễ hiểu bởi các nhà chuyên môn "tử tế" thì không thể phát ngôn tùy tiện, không thể nói hớ, không thể bày vẽ các chiêu trò để tạo ra một sự câu khách thiếu tính thuyết phục. Những giám khảo "tử tế", họ khó chấp nhận việc mình nói để mua vui, hay chiều chuộng các mong muốn thị trường của nhà sản xuất.

Trong xu hướng sốc, sex, sến của truyền thông, thì lẽ dĩ nhiên, những người dù giỏi chuyên môn nhưng không giỏi chiêu trò sẽ bị nhà sản xuất lãng quên. Vì họ có thể làm giàu có kiến thức cho thí sinh, nhưng họ khó có thể làm giàu cho túi tiền của nhà sản xuất.

Và những dễ dãi lên ngôi

Điển hình nhất cho sự dễ dãi này phải nhắc đến cái tên của cô gái Hàn Quốc sống nhiều năm trên đất Việt và tham gia vào đời sống showbiz. Đó là Hari Won. Sự nổi tiếng của Hari Won chỉ dựa trên các mối tình với các ngôi sao giải trí khác như Tiến Đạt, Trấn Thành. Các sản phẩm âm nhạc của cô không để lại nhiều ấn tượng với khán giả.

Năm trước Hari Won còn là thí sinh trong một cuộc thi âm nhạc cũng trên truyền hình, và thực chất cũng không mấy tỏa sáng tại cuộc thi này, mà đầu năm nay, đã thấy cô chễm chệ ngồi ghế giám khảo cuộc thi "Biến hóa hoàn hảo", một cuộc thi liên quan đến âm nhạc.

Khán giả khó hiểu với sự lựa chọn của nhà sản xuất. Vì sao một người yếu về chuyên môn như Hari Won lại được mời làm giám khảo cuộc thi? Nhưng nhìn kỹ ra có thể thấy, nhà sản xuất chọn Hari Won để đánh vào sự tò mò của khán giả. Việc Hari Won ngồi ghế nóng cạnh bạn trai mới Trấn Thành sẽ thu hút sự chú ý của hàng triệu fan hâm mộ của cặp đôi này trên mạng xã hội.

Issac, Tóc Tiên, Văn Mai Hương ngồi trên ghế nóng của Thần tượng âm nhạc nhí

Tuy nhiên, nhà sản xuất cũng chẳng bận lòng, họ cần rating cao và họ đã đạt được điều đó. Thậm chí, giám khảo càng bị chê hay gây xì căng đan, chương trình càng được chú ý. Bằng chứng là dù bị chê tơi tả nhưng nghe đâu Hari Won vẫn tiếp tục được các nhà sản xuất mời ngồi ghế nóng, ví dụ chương trình "Thách thức danh hài" sắp diễn ra.Việc Hari Won thể hiện khả năng chuyên môn của mình ra sao trong chương trình dường như không được nhà sản xuất xem trọng bằng việc cô sẽ thu hút bao nhiêu fan hâm mộ theo dõi cuộc thi. Thực tế, ngoài vẻ nhí nhảnh và ngoại hình xinh đẹp, Hari Won không thuyết phục thí sinh vì những nhận xét có phần ngây thơ, ngớ ngẩn của mình. Cô bị nhiều khán giả chê là "đồ vô dụng".

Hari Won chỉ là một ví dụ điển hình cho xu hướng chọn giám khảo hiện nay của các chương trình truyền hình thực tế. Trình độ chuyên môn của một người được chọn làm giám khảo không còn mấy quan trọng, khi mà cặp mắt của nhà sản xuất chỉ nhìn vào những người có tên tuổi thu hút đám đông.

Những người có thể tạo ra những tranh cãi, đồng tình hay phản đối của đám đông. Những người sẵn sàng mang tên tuổi mình ra để diễn các chiêu trò thậm chí là rẻ tiền để câu khách. Những người có thể chiều chuộng những yêu cầu của nhà sản xuất, hay đơn giản là không đủ trình độ để lường hết các chiêu của nhà sản xuất, dễ dàng trở thành con rối trong tay họ, để tạo ra một chương trình theo ý họ.

Khán giả đang tỏ ra lo ngại khi ngày càng có nhiều chương trình truyền hình thực tế mà giám khảo thì "ba lăng nhăng". Đang có quan niệm chỉ cần một người nổi tiếng thôi, họ có thể ngồi ghế nóng các cuộc thi thuộc bất kỳ lĩnh vực nào. Nghệ sĩ múa chấm cuộc thi hát, không sao cả. Ca sĩ chấm cuộc thi khiêu vũ, vẫn ok. Ngay cả khi chọn giám khảo chấm thi đúng lĩnh vực của mình thì cũng không ít lo lắng.

Chẳng hạn, cuộc thi "Thần tượng âm nhạc nhí" đang diễn ra trên sóng truyền hình. Bộ ba giám khảo Issac, Văn Mai Hương và Tóc Tiên, ba ca sĩ trẻ dĩ nhiên là nổi tiếng hiện nay. Nhưng xem bộ ba giám khảo này nhận xét các thí sinh trong từng vòng thi, khán giả không khỏi thấp thỏm lo ngại.
Tại sao những tên tuổi có chuyên môn đáng tin cậy hơn, ví dụ nhạc sĩ Giáng Son, Hồ Hoài Anh… lại không được chọn? Một phụ huynh đưa con đi thi cuộc thi Thần tượng âm nhạc nhí mùa 2016 không giấu giếm lo âu khi nhìn ban giám khảo.Liệu rằng những ca sĩ trẻ tuổi đời mới ngoài 20 đã có đủ kinh nghiệm, từng trải, chuyên môn để hướng dẫn các em nhỏ đến với cuộc thi? Những nhận xét của họ liệu đã đủ chín chắn, đủ thuyết phục? Với các thí sinh nhỏ tuổi, chỉ một chút bất cẩn của khán giả vì lý do chuyên môn kém hay ít trải nghiệm thực tế, có thể gây ra cho các em những tổn thương hay những thiệt thòi không đáng có.

"Các bạn đều là những ca sĩ trẻ nổi tiếng, nhưng tôi nghĩ là để thẩm định giọng hát của các thí sinh, sẽ yên tâm hơn nếu là những nhạc sĩ, nghệ sĩ tài năng có tuổi đời, tuổi nghề cao hơn, có kinh nghiệm dìu dắt tài năng nhí hơn".

Dễ dãi chạy theo tiêu chí thị trường, lấy mục tiêu ăn khách làm trọng, nhiều chương trình truyền hình thực tế đang trở nên nhạt nhẽo, nhảm nhí trong mắt khán giả.

Không ít nghệ sĩ trở nên nổi tiếng hơn khi ngồi ghế nóng, và cũng không ít nghệ sĩ làm mất hình ảnh của mình khi nhận lời ngồi ghế nóng một cuộc thi, bộc lộ sự yếu kém về chuyên môn và chạy theo chiêu trò rẻ tiền.

Một khi các nhà sản xuất chạy theo thị hiếu, lấy lợi nhuận thị trường làm mục tiêu, thì rất cần vai trò quản lý của các cơ quan truyền thông, cụ thể là các đài truyền hình và Bộ Thông tin Truyền thông.

Theo đó, những cuộc thi xem nhẹ yếu tố chuyên môn cần phải được chấn chỉnh lại. Những nghệ sĩ có lòng tự trọng cũng cần phải nhìn lại mình, và thận trọng khi nhận lời ngồi ghế giám khảo một cuộc thi nào đó.

Theo Thu Phong/CSTC
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự dễ dãi của giám khảo thời 'ăn xổi ở thì'