Ký ức đáng nhớ về Steve Jobs của Roger Cheng, cây viết từ CNET.
Nhắc đến Steve Jobs - đồng sáng lập Apple (sinh ngày 24.2.1955, mất hôm 5.10.2011), hầu hết mọi người sẽ hình dung ông trong chiếc quần jeans xanh đặc trưng và áo cổ lọ màu đen, cầm chiếc iPhone trên sân khấu một trong những sự kiện của Apple. Thế nhưng, tôi nhớ lại ký ức về chiếc nguyên mẫu iPhone màu đen và bạc rời khỏi tay Steve Jobs, bay trong không khí và đập vào sàn nhà với một tiếng lách cách.
Đó là vài tháng trước khi iPhone thực sự được bán ra thị trường, một thời gian ngắn sau khi Steve Jobs công bố chiếc smartphone đột phá vào tháng 1.2007.
Steve Jobs đã có chuyến thăm đặc biệt tới trụ sở của tờ The Wall Street Journal, khi đó ở quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ, để cho 20 biên tập viên và phóng viên xem lén thiết bị. Tại đó, ông được đặt câu hỏi về thiết bị này, có người hỏi về độ bền của nó.
Phản ứng của Steve Jobs: Quăng mô hình iPhone phát hành trước lên không trung về phía trung tâm căn phòng, tạo ra tiếng thở hổn hển nhỏ và sau đó im lặng khi nó chạm sàn (có trải thảm).
Khi lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của Steve Jobs đến gần, những người trong ngành công nghệ bày tỏ sự kính trọng bằng cách chia sẻ những câu chuyện và ký ức về danh nhân công nghệ, một người có tầm nhìn xa làm rung chuyển nhiều ngành công nghiệp và thay đổi cách chúng ta tương tác với các thiết bị di động của mình.
Là phóng viên viễn thông ở New York, tôi hiếm khi có cơ hội tham dự các sự kiện của Apple, bao gồm cả MacWorld, nơi Steve Jobs lần đầu tiên ra mắt iPhone. Vì thế, tim của tôi đập nhanh khi được mời tham dự phiên họp riêng này với các biên tập viên và phóng viên khác tại tờ The Wall Street Journal.
Steve Jobs đã dành phần lớn để trả lời các câu hỏi chung về Apple. Tôi sẽ không chia sẻ những gì đã thảo luận trong cuộc họp, nó không được lưu lại và Steve Jobs đề nghị mọi người không chỉ tắt, cất máy ghi âm mà còn cả sổ tay và bút của họ. Mọi người đều tuân theo, háo hức xem thiết bị.
Mãi sau khi lấy iPhone ra, Steve Jobs mới được hỏi về độ bền của nó, dẫn đến việc ném máy. Dù chiếc iPhone trong tay ông bóng bẩy hơn so với bản gốc - nguyên mẫu lỗi mà ông đã giới thiệu tại MacWorld, nhưng biết rõ mức độ dễ gặp vấn đề của những máy ban đầu đó khiến cho thái độ lãnh đạm của ông thậm chí còn ấn tượng hơn.
Hãy tưởng tượng sẽ thảm hại như thế nào nếu chiếc iPhone đó bị hỏng hoặc tắt nguồn trước sự chứng kiến của rất nhiều nhà báo.
Tất nhiên, chiếc iPhone vẫn tồn tại bình thường - sàn trải thảm đó có khả năng là vật cứu rỗi. Nhân viên của Steve Jobs đã phân phát một số máy thử nghiệm khác để chúng tôi dùng thử.
Hình ảnh 20 nhà báo ăn chuyên nghiệp, mặc đồ chỉnh tề tạo thành các nhóm nhỏ xoay quanh điện thoại như những học sinh xung quanh những món đồ chơi mới, sau đó di chuyển đến để vuốt, véo và thử nghiệm màn hình cảm ứng điện dung mang tính cách mạng đó.
iPhone đã tạo được ấn tượng với họ, giống như nó đã làm được với công chúng vài tháng sau đó khi được tung ra thị trường vào tháng 6. Tất nhiên, thiết bị này đã tiếp tục cách mạng hóa ngành công nghiệp di động, kéo smartphone vào kỷ nguyên hiện đại và đưa vào một yếu tố sang trọng khiến chúng trở nên đáng mơ ước.
iPhone tạo ra hiện tượng hàng năm khiến người hâm mộ xếp hàng chờ đợi trong ngày ra mắt tại các cửa hàng của Apple và nhà mạng để mua phiên bản mới nhất. Bất chấp đại dịch xảy ra, vẫn có những dòng người xếp hàng dài trước cửa hàng Apple năm nay để mua iPhone 13.
Với nhiều người, hình ảnh Steve Jobs cầm iPhone hết lần này đến lần khác trên sân khấu trước hàng ngàn người là ký ức không thể xóa nhòa.
Thế nhưng mãi mãi khắc sâu trong tâm trí tôi là hình ảnh Stev Jobs trong phòng họp đó, đứng trước một nhóm nhà báo ngồi xung quanh chiếc bàn hình chữ U, chấp nhận một rủi ro có tính toán để khiến chúng tôi kinh ngạc - hình ảnh thu nhỏ về cách ông điều hành Apple.