Thị trường địa ốc khu vực TP.HCM đang có những khởi sắc rõ rệt mà điểm nhấn là sự mạnh tay đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường sẽ còn đón thêm làn sóng mới khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực thi hành.

“Sóng” từ nhà đầu tư ngoại

Một Thế Giới | 21/12/2015, 11:49

Thị trường địa ốc khu vực TP.HCM đang có những khởi sắc rõ rệt mà điểm nhấn là sự mạnh tay đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường sẽ còn đón thêm làn sóng mới khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực thi hành.

Vốn ngoại được rót mạnh
Ngay từ đầu năm đến nay, thị trường chứng kiến những thay đổi tích cực của bất động sản thuộc các phân khúc ở nhiều thành phố lớn trên cả nước, trong đó có TP.HCM. Thông qua hai hình thức đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII), nhiều nhà đầu tư ngoại mạnh tay rót vốn vào các dự án cũng như công ty địa ốc trong nước. CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) và CTCP Đầu tư Thành Công đã chuyển nhượng dự án Celadon City (Q.Tân Phú) cho Công ty TNHH Gamuda Land Vietnam (thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad của Malaysia). Ngoài ra, Tập đoàn Mapletree (Singapore) cũng tham gia vào dự án Trung tâm thương mại SC Vivocity tại Q.7. 
Vừa qua, quỹ Creed Group (Nhật Bản) đầu tư vào CTCP Đầu tư Bất động sản An Gia (An Gia Investment) để phát triển dự án tại khu vực Q.7, Q.Tân Bình, đồng thời đầu tư vào CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy triển khai dự án tại Q.8. 
Cụ thể, Creed Group rót gần 60 triệu USD vào dự án City Gate Towers của Năm Bảy Bảy và ký thỏa thuận tham gia phát triển 2 dự án khác của công ty này là NBB Garden II và NBB Garden III. Tỉ lệ góp vốn 50% với trị giá hơn 26 triệu USD. Creed Group và An Gia Investment ký hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với tổng giá trị đầu tư ban đầu là 200 triệu USD. 
Cách đây không lâu, Tập đoàn Novaland phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho các đối tác chiến lược, trong đó có sự tham gia của 2 quỹ đầu tư ngoại là VinaCapital và Dragon Capital cùng một tập đoàn tài chính khác. 
Cuối tháng 6, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Warburg Pincus công bố hoàn thành khoản đầu tư tiếp theo trị giá 100 triệu USD, nâng tổng giá trị đầu tư vào CTCP Vincom Retail (thành viên của Tập đoàn Vingroup) lên đến 300 triệu USD. Đây được xem là một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất vào cổ phiếu chưa niêm yết tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. 
Tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương (liên doanh giữa CTCP Bất động sản Tiến Phước, Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái với Công ty Denver Power Ltd. thuộc Tập đoàn Gaw Capital Partners, Vương quốc Anh) đầu tư 1,2 tỉ USD cho dự án khu phức hợp Empire City. 
Tập đoàn Lotte cũng mạnh tay đầu tư 2 tỉ USD vào dự án Smart Complex tọa lạc tại khu vực này. Có thể nói, thị trường địa ốc nước ta đang đón nhận cơ hội từ rất nhiều quỹ đầu tư ngoại như: TPG Capital, Asia Capital Reinsurance, Standard Chartered Private Equity, Partners… Theo Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE), dòng tiền ngoại đổ vào bất động sản Việt Nam phần lớn đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc). 
Cơ hội địa ốc từ TPP
Bất động sản hiện là kênh đầu tư hấp dẫn hơn hẳn so với các lĩnh vực khác như vàng, chứng khoán… Thị trường thời gian qua càng cho thấy sức hút của địa ốc với sự rót vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong nước lẫn ngoài nước, nhất là khi có thông tin Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia gia nhập vào TPP. 
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu về bất động sản công nghiệp, văn phòng cũng như nhu cầu về nhà ở, căn hộ cho người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng cao. 
Một trong những lý do giải thích cho điều này là bởi lợi ích từ việc giảm thuế suất hàng hóa khi các nước tham gia vào TPP sẽ khiến nhiều công ty nước ngoài chuyển hướng đầu tư sang thị trường Việt Nam. Như vậy, đồng nghĩa lĩnh vực bất động sản trong nước cũng sẽ đón nhận những làn sóng mới đầy tiềm năng từ một “sân chơi” mới. 
Bên cạnh cú hích từ TPP thì việc Luật Nhà ở mới có hiệu lực, trong đó có nội dung mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam càng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường. 
Theo ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, số lượng người Việt đang sinh sống ở nước ngoài rất lớn với trên 4 triệu người. Đây là nguồn lực to lớn cho thị trường bất động sản ở nước ta trong thời gian tới. 
Được biết, lượng kiều hối đổ về Việt Nam khoảng 10-12 tỉ USD mỗi năm, riêng TP.HCM chiếm 50% trong số đó. 70% kiều hối được đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản. 
Tuy nhiên, việc tháo nút thắt cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại nước ta vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là về tỉ lệ sở hữu căn hộ trong một dự án/khu dân cư và những thủ tục hành chính rườm rà. Giải quyết được những vấn đề này, chắc chắn thị trường địa ốc trong nước sẽ đón nhận thêm nhiều cơ hội hơn nữa trong bối cảnh thị trường có nhiều khởi sắc như hiện nay.
Trang Phạm/Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Sóng” từ nhà đầu tư ngoại