Anh đang lên kế hoạch loại bỏ thiết bị của Huawei vào hệ thống 5G từ năm nay, động thái đặt ra dấu hỏi mới về triển vọng kinh doanh của tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc ở châu Âu.
Sau 1 thập niên xây dựng mối quan hệ kinh doanh nồng ấm với Trung Quốc, chính quyền London đang ngày càng ngờ vực Bắc Kinh trong bối cảnh luật an ninh Hồng Kông tranh cãi vừa được ban hành.
Mỹ trong thời gian gần đây đã không ngừng gây áp lực lên các đồng minh nhằm ngăn chặn Huawei trong việc xây dựng mạng di động 5G và cáo buộc rằng thiết bị của công ty Trung Quốc có thể được sử dụng là công cụ do thám của chính quyền Bắc Kinh. Huawei phủ nhận tất cả các cáo buộc, nhưng áp lực của Mỹ gây ra sự thay đổi ở Anh.
Làn sóng phản đối Huawei tại Anh đang lan rộng sau khi đại dịch COVID-19 lây lan khắp châu Âu. Nhiều chính trị gia Anh đánh giá chính quyền Trung Quốc đã phản ứng kém hiệu quả khi dịch mới xuất hiện tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Truyền thông Anh cuối tuần qua đã đưa tin về việc giới chức nước này đang soạn thảo các đề xuất để ngừng lắp đặt thiết bị Huawei vào hệ thống 5G trong thời gian tới. Động thái này được đưa ra sau khi Cục tình báo điện tử - truyền thông Anh (GCHQ) lo ngại về nguy cơ an ninh từ của tập đoàn công nghệ Trung Quốc. GCHQ cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei buộc công ty này phải sử dụng những công nghệ thay thế không đáng tin cậy dẫn đến khó kiểm soát hệ thống 5G trong tương lai.
Các đề xuất dự kiến sẽ được đệ trình lên Thủ tướng Anh Boris Johnson trong tuần này. Nếu được phê duyệt, các bộ trưởng sẽ được yêu cầu thay đổi chính sách trong 2 tuần tới để bắt đầu quá trình ngưng mua thiết bị Huawei. Quyết định này không chỉ loại bỏ Huawei ra khỏi mạng di động Anh mà còn gây tổn hại đến triển vọng kinh doanh của tập đoàn viễn thông tại châu Âu.
Dù tuyên bố là công ty tư nhân và không liên quan gì tới chính quyền Bắc Kinh, Huawei vẫn đang mắc kẹt trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Thêm vào đó, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác như Ấn Độ cũng đang ngày càng cảnh giác với Bắc Kinh và Huawei cũng bị liên đới.
Một số nhà lập pháp Đức cho rằng Huawei là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia và cần bị loại bỏ hoàn toàn. Song chính phủ liên minh của Thủ tướng Angela Merkel vẫn chưa đưa ra một lập trường thống nhất về vấn đề này.
Washington đã cảnh báo sẽ cắt đứt việc chia sẻ thông tin tình báo nếu Berlin thông qua việc cho phép Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng 5G. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng dọa trả đũa ngành xuất khẩu ô tô Đức tại thị trường Trung Quốc nếu Huawei bị hạn chế. Trước áp lực này, Đức đang gấp rút hoàn thành bộ quy tắc phát triển mạng di động 5G.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Brussels vào tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố các nước hai bên bờ Đại Tây Dương "đã thức tỉnh về các vấn đề Trung Quốc", bao gồm Huawei. Ông cho biết Huawei đang bị quay lưng trên toàn cầu, đồng thời khen ngợi các nước như Cộng hòa Séc, Ba Lan, Estonia vì “chỉ cho phép nhà sản xuất đáng tin cậy trong nước" thay vì chọn công ty viễn thông Trung Quốc để phát triển mạng 5G.
Trong khi đó, giám đốc Cơ quan an ninh mạng của Pháp (ANSSI) Guillaume Poupard, tuyên bố sẽ không có lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng các thiết bị của tập đoàn Huawei khi thiết lập mạng viễn thông 5G của nước này. Tuy nhiên, đối với các nhà khai thác hiện không sử dụng các thiết bị Huawei, họ được khuyến khích sẽ không sử dụng chúng trong tương lai.
Tại Ấn Độ, hiện vẫn chưa rõ ràng về việc có cho phép thiết bị Huawei xuất hiện trong mạng 5G hay không. Huawei đã được bật đèn xanh để tham gia thử nghiệm mạng 5G ở Ấn Độ vào cuối năm ngoái. Song căng thẳng gần đây giữa New Delhi và Bắc Kinh trở nên trầm trọng hơn sau vụ đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, dẫn đến việc người dân Ấn Độ đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa và đầu tư của Trung Quốc. Có nhiều dấu hiệu Huawei có thể sắp bị vạ lây bởi người dân Ấn Độ đang đồng lòng về việc không sử dụng bất kỳ thiết bị Trung Quốc nào.
Hoàng Vũ (theo SCMP, CNN)