Nguồn nước sông Amazon bị nhiễm mặn đẩy người dân trong khu vực vào cảnh thiếu nước uống.

Sông Amazon nhiễm mặn, một gia đình chỉ có 9 lít nước uống trong 2 tháng

Bảo Vĩnh | 25/11/2022, 11:02

Nguồn nước sông Amazon bị nhiễm mặn đẩy người dân trong khu vực vào cảnh thiếu nước uống.

acai-ap-4.jpeg
Nhà và đất bị biển xâm thực - Ảnh: AP

Sông Amazon được mệnh danh là “mẹ của tất cả các dòng sông”, hòa vào Đại Tây Dương ở một vùng ven biển Brazil sau khi uốn lượn 230km quanh các đảo, trong đó có quần đảo Bailique.

Biển xâm thực tạo sóng cao 4 mét

Sông Amazon cung cấp 1/5 lượng nước ngọt cho thế giới. Dù vậy, nước biển đã đẩy lùi đoạn sông tắm mát cho Bailique từ nửa cuối năm 2021, khiến hàng ngàn người dân rơi vào cảnh thiếu nước uống.

Biển mặn và sông Amazon “tấn công” với cường độ khác nhau theo mùa. Trong thời gian trăng tròn, biển xâm thực dòng sông với sức mạnh đến mức nó biến thành một cơn sóng khổng lồ cao tới 4 mét ở một số nơi (hiện tượng này được gọi là pororoca). Nước biển dâng cao thường xảy ra ở quần đảo Bailique vào mùa khô khi dòng chảy của sông Amazon giảm dần.

Hồi năm 2021, nước biển lấn sông Amazon trong suốt 5 tháng. Lần đầu tiên từ hàng chục năm qua, nước biển xâm thực toàn bộ quần đảo, trong đó 8 đảo nhỏ là nơi sinh sống của khoảng 14.000 dân trong 58 ngôi làng.

acai-ap-3.jpeg
Thu hoạch trái cơm cháy đen - Ảnh: AP

Tình hình xâm thực ngày càng đe dọa các cây cơm cháy đen mọc khắp nơi trên quần đảo Bailique. Tại nhiều nơi, biển “nuốt chửng” vô số cây và ở các vùng gần biển, loại trái này bắt đầu có vị khác.

Alcindo Farias Junior cho biết: “Trái này trở nên mặn hơn và màu nhạt hơn, không còn đậm tím. Tán cây mỏng hơn và chùm nhỏ hơn”. Thanh niên 24 tuổi này là một “peconheiro” tức thợ hái trái cơm cháy đen, một nghề nguy hiểm vì phải đu mình trên những cây mảnh.

Trái acai còn gọi là cơm cháy đen. Đây là loại trái đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm gia đình trên quần đảo Bailique, và đa số cây cơm cháy đen ở Mỹ được trồng ở vùng cửa sông Amazon.

Loại cây mọc nhiều ở rừng nhiệt đới Amazon này có vỏ màu tím đậm, thịt màu vàng, kích thước nhỏ và hình dáng gần giống trái nho. Cơm cháy đen có vị đắng và hơi gắt, chứa hàm lượng dinh dưỡng lớn rất tốt cho sức khỏe.

acai-ap-2.jpeg
Nghề hái trái cơm cháy đen - Ảnh: AP

Gia đình 4 người chỉ có 9 lít nước uống trong 2 tháng

Trên quần đảo Bailique không có nước máy. Và khi nước sông bị nhiễm mặn, người dân trên đảo chỉ còn cách dùng nước biển để tắm giặt, nấu ăn và đánh răng... một điều không an toàn cho sức khỏe. Elielson Elinho, một người dân trên đảo cho biết: “Chúng tôi tránh dùng nước biển để rửa mặt, nếu không da sẽ bị khô”.

Elinho nói cả đời anh và gia đình chưa bao giờ chứng kiến sự xâm thực mạnh đến thế. Khi còn sống trong làng, anh phải dùng thuyền ngược từ cửa sông lên thượng nguồn mất 2 giờ mới tìm được nước ngọt, nhưng đôi lúc nước ở đó cũng bị nhiễm mặn.

Hồi đầu năm 2022, gia đình Elinho chuyển đến sống ở một cộng đồng xa bờ biển. Tại đó, chất lượng nước tốt hơn, trẻ em cũng đến trường thuận lợi, nhưng họ tiếp tục đối mặt với một vấn nạn kinh niên của khu vực: nạn mất điện có khi kéo dài nhiều tháng.

Đường dây điện ở quần đảo Bailique được giăng trên các cột điện dọc rìa sông Amazon. Nhưng sự xâm thực bờ sông ngày càng tăng khiến nhiều cột bắt đầu sập xuống dòng sông. Phải mất nhiều tuần thậm chí nhiều tháng mới phục hồi được dòng điện.

Gia đình Elinho tốn khoảng 300 USD/tháng mua dầu chạy máy phát điện. Tuy nhiên, Elinho đã cùng vợ và 3 con trai rời khỏi làng quê, lên thành phố Macapa sống từ tháng 8.

Tình trạng nước biển xâm thực đã khiến chính quyền Macapa tuyên bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 10.2021, nhưng sự hỗ trợ cho người dân lại rất ít. Gia đình 4 người của Elinho chỉ được cấp 9 lít nước dùng trong hai tháng. Dù có để dành nước cho riêng việc uống nhưng khoản này chỉ dùng được trong vài ngày.

Nguy cơ mất một nửa thành phố từ cuối thế kỷ này

Theo nhà địa chất học Valdenira dos Santos thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật Amapa, có nhiều điều góp phần gây tổn hại cho môi trường quần đảo Bailique. Đó là hoạt động của các nhà máy thủy điện gần đó và sự biến đổi khí hậu.

Ông khẳng định: “Brazil không có thông tin cơ bản nhất để đối phó các thách thức từ biến đổi khí hậu lên các vùng biển. Chúng tôi cần tiếp tục theo dõi để có thông tin ổn định nhằm lên kế hoạch hạn chế và thích ứng sự biến đổi khí hậu”.

acai-ap-1.jpeg
Nước biển lấn lướt nước sông ở quần đảo Bailique - Ảnh: AP

Một trong số ít nghiên cứu về sự biến đổi khí hậu tại khu vực cửa sông Amazon là của nhà nghiên cứu đại dương Wilson Cabral thuộc Viện Công nghệ Hàng không Brazil. Nhóm của ông chú ý đến Marajo, đảo lớn nhất và cũng là đảo bị xâm thực mạnh nhất ở phía nam quần đảo Bailique.

Dựa trên những kịch bản của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), nhóm Cabral ước tính ít nhất một nửa thành phố Soure trên đảo Marajo sẽ bị biển nhấn chìm từ cuối thế kỷ này.

Nhóm phân tích rằng lượng mưa giảm tại khu vực có nghĩa dòng chảy các sông quanh các đảo bị hạ thấp và dòng nước trôi vào Vịnh Marajo. Bên cạnh đó, mực nước biển dâng cao chắc chắn sẽ đẩy nước biển tiến sâu hơn vào đất liền. Hậu quả là đất đai và nguồn nước gần bờ biển bị mặn hóa.

Bài liên quan
Nỗi lo biển xâm thực ‘xóa sổ’ rừng phòng hộ
Vài năm trở lại đây, tình trạng biển xâm thực, sóng đánh vào bờ gây sạt lở khiến chính quyền và người dân xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) hết sức lo lắng vì cánh rừng phòng hộ đang bị sóng “nuốt” dần.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sông Amazon nhiễm mặn, một gia đình chỉ có 9 lít nước uống trong 2 tháng