Việc đưa các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm đang công tác tại các bệnh viện lớn của TP.HCM về trạm y tế là giải pháp không phù hợp, nếu không muốn nói là dễ lệch khỏi chức năng của trạm y tế.

Sở Y tế TP.HCM: Không thể đưa bác sĩ từ bệnh viện, phòng khám về trạm y tế

Hồ Quang | 01/06/2022, 14:52

Việc đưa các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm đang công tác tại các bệnh viện lớn của TP.HCM về trạm y tế là giải pháp không phù hợp, nếu không muốn nói là dễ lệch khỏi chức năng của trạm y tế.

Đó là khẳng định của Sở Y tế TP.HCM về việc giải quyết tình trạng thiếu nhân lực tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn hiện nay trên địa bàn thành phố.

Không thể đưa bác sĩ ở bệnh viện về trạm y tế

Liên quan đến các ý kiến cho rằng để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực tại các trạm y tế cần tăng cường các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm đang công tác tại các bệnh viện lớn của TP.HCM về trạm y tế, Sở Y tế khẳng định đây không phải là giải pháp phù hợp, nếu không muốn nói là dễ lệch khỏi chức năng của trạm y tế.

so-y-te-tphcm-khong-the-dua-bac-si-tu-benh-vien-phong-kham0ve-tram0y-te-hinh-anh(1).png
Việc đưa bác sĩ từ các phòng khám, bệnh viện lớn của TP.HCM về trạm y tế để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực được cho là giải pháp không phù hợp - Ảnh: PV

Điều dễ thấy rằng hầu hết các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của thành phố đều là bác sĩ chuyên khoa (hô hấp, tim mạch, thận, tiêu hóa…) thì khó có thể đảm trách công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, một công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng sẽ không khả thi, nếu yêu cầu các bác sĩ chuyên khoa, thay vì là bác sĩ thực hành tổng quát (GP) hay bác sĩ gia đình, thực hiện hoạt động này.

Theo Sở Y tế, chức năng của trạm y tế rất đặc thù, bên cạnh chức năng khám bệnh, chữa bệnh như sơ cứu, cấp cứu ban đầu; khám, tư vấn, sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị bệnh, quan trọng nhất là chăm sóc sức khỏe người dân mắc các bệnh mạn tính không lây như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung...

Ngoài ra các y-bác sĩ của trạm y tế còn thực hiện các hoạt động y tế dự phòng như tiêm chủng, truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, công tác dân số, phòng chống dịch bệnh… và nhiều hoạt động khác.

Với những chức năng và nhiệm vụ đã được Bộ Y tế quy định như trên, trạm y tế càng không thể trở thành một phòng khám hay bệnh viện thu nhỏ. Vai trò của trạm y tế phường, xã, thị trấn đã được khẳng định và ngày càng được quan tâm.

Từ thực tế trên, Sở Y tế cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục ưu tiên tăng cường nhân lực cho các trạm y tế thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-HĐND về củng cố năng lực trạm y tế; tiếp tục ưu tiên nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng và đổi mới hoạt động trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; tiếp tục chương trình thí điểm đào tạo thực hành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp theo hướng đào tạo bác sĩ thực hành tổng quát tại các bệnh viện gắn liền với trạm y tế; tiếp tục hoạt động “teleconsultation” giữa các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố với các bác sĩ của trạm y tế khi gặp trường hợp khó cần hỗ trợ tư vấn chuyên khoa.

Bên cạnh đó, TP cũng triển khai Chương trình xử trí lồng ghép các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế phường xã với những hoạt động thiết thực như: dịch thuật tài liệu của WHO về “Gói can thiệp thiết yếu các bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở” (WHO PEN); tổ chức tập huấn “Gói can thiệp thiết yếu các bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở” dành cho các bác sĩ đang công tác tại trạm y tế và các bác sĩ trẻ đang thực hành tại các bệnh viện gắn liền với trạm y tế; thống nhất với bên BHYT bổ sung các thuốc thiết yếu để thực hiện chương trình này, triển khai thí điểm tại một số trạm y tế, lượng giá rút kinh nghiệm trước khi triển khai đồng loạt tại tất cả các trạm y tế. Đồng thời, ngành y tế TP cũng tăng cường chuyển đổi số công tác quản lý sức khỏe người dân, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và lập dữ liệu về sức khỏe người dân.

Kiến nghị phân bổ trạm y tế theo số lượng dân cư trên địa bàn

Về việc phân bổ trạm y tế, Sở Y tế cho rằng thay vì phân bố trạm y tế theo quy định hành chính cứ mỗi xã, phường, thị trấn là một trạm y tế như hiện nay, nên chuyển đổi phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính (phường, xã, thị trấn) sang phân bổ theo số dân cư trên địa bàn (như mỗi 10.000 - 20.000 dân cần có một trạm y tế).

Thực tế hiện nay, việc phân bố trạm y tế theo quy định hành chính đang khiến nhiều trạm y tế ở TP.HCM quá tải, vì hiện nay có trạm y tế ở nôi dân số lên đến hơn 170.000 người nhưng chỉ có 5 - 10 nhân viên y tế theo quy định, đã không thể kham nổi công việc. Điều này đã được minh chứng trong đợt đại dịch COVID-19 vừa qua, các trạm y tế ở TP.HCM gần như “toang”, không đáp ứng nổi công tác phòng chống dịch ở địa phương. Nhiều nhân viên y tế làm việc kiệt sức, nhiều người không trụ nổi đã phải xin nghỉ việc.

“Thành phố sẽ kiến nghị xem xét sửa chữa Luật Khám bệnh chữa bệnh, liên quan đến trạm y tế. Theo đó, cần xem xét chuyển đổi phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính (phường, xã, thị trấn) sang phân bổ theo số dân cư trên địa bàn (như mỗi 10.000 - 20.000 dân cần có một trạm y tế)", một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho hay.

Nói về định hướng để nâng cao năng lực các trạm y tế, Sở Y tế khẳng định rõ hướng đi đó là nâng cao năng lực trạm y tế để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng, không đi theo hướng chuyển đổi trạm y tế trở thành một phòng khám chuyên khoa hay một bệnh viện thu nhỏ.

Theo Sở Y tế, hiện nay TP có sự phát triển đối nghịch giữa các bệnh viện, phòng khám và các trạm y tế phường, xã, thị trấn. Nếu như số lượng bệnh viện trên địa bàn TP sẽ còn tiếp tục tăng dần theo thời gian (hiện nay đã là 133 bệnh viện), số lượng phòng khám chuyên khoa, đa khoa vẫn tiếp tục tăng nhanh (hiện đã vượt qua con số 7.000 phòng khám) thì số lượng trạm y tế phường, xã vẫn không thay đổi (310 trạm), và đã có trạm y tế phải quản lý sức khỏe cho hơn 100.000 dân.

Số trạm không thay đổi, nhưng số nhân viên y tế của mỗi trạm lại đang có xu hướng giảm do nhân viên nghỉ việc, họ phải đảm trách khối lượng công việc rất lớn trong khi thu nhập rất thấp nếu so với nhân viên y tế tại các bệnh viện, phòng khám.

“Với hơn 10 triệu dân, nhưng TP chỉ có khoảng 1.700 nhân viên y tế phường, xã thì khó có thể đảm trách chức quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn. Tình hình nhân lực y tế tại các trạm y tế lại càng khó khăn hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát trong thời gian qua, may mắn là đã có hơn 500 trạm y tế lưu động do các chiến sĩ quân y đảm trách kịp thời hỗ trợ”, Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
11 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở Y tế TP.HCM: Không thể đưa bác sĩ từ bệnh viện, phòng khám về trạm y tế