Người được tiêm phòng vắc xin đậu mùa sẽ có khả năng bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

Vắc xin đậu mùa hiệu quả ra sao đối với bệnh đậu mùa khỉ?

Đan Thuỳ | 27/05/2022, 12:56

Người được tiêm phòng vắc xin đậu mùa sẽ có khả năng bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

Trong tình trạng bệnh đậu mùa khỉ đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: "Liệu ai có nguy cơ mắc bệnh nặng?".

Các chuyên gia cho biết trong các cuộc phỏng vấn, rằng hầu hết trẻ em và người lớn có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh đều có thể tránh được bệnh nặng. Nhưng có hai nhóm nguy cơ cao mắc bệnh, là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi và người cao tuổi.

Tiến sĩ Luigi Ferrucci, Giám đốc khoa học của Viện Quốc gia về lão hóa cho biết: "Điểm mấu chốt là những người đã được tiêm phòng vắc xin đậu mùa nhiều thập niên trước đó vẫn duy trì mức độ kháng thể rất cao và khả năng vô hiệu hóa vi rút đậu mùa khỉ. Ngay cả khi họ đã được chủng ngừa cách đây 50 năm, sự bảo vệ đó vẫn còn". 

Tại Mỹ, việc tiêm phòng định kỳ vắc xin bệnh đậu mùa đã kết thúc vào năm 1972, song quân đội vẫn tiếp tục chương trình tiêm phòng cho đến năm 1991 để đề phòng các cuộc tấn công sinh học.

anh-chup-man-hinh-2022-05-27-luc-11.18.47.png
Người Mỹ xếp hàng tiêm phòng vắc xin đậu mùa năm 1947 - Ảnh: Getty Images

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn hàng đầu tại Mỹ về các bệnh truyền nhiễm, cho biết các câu hỏi về hiệu quả lâu dài của vắc xin đậu mùa đã tăng lên sau một cuộc bùng phát bệnh than vào năm 2001. Ông nói, thật hợp lý khi cho rằng hầu hết những người được tiêm phòng vắc xin đậu mùa vẫn được bảo vệ, "nhưng hiệu quả lâu dài của vắc xin ở mỗi người lại khác nhau". 

"Chúng tôi không thể đảm bảo rằng một người đã được chủng ngừa bệnh đậu mùa vẫn được bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa khỉ", ông Fauci chia sẻ.

Hôm 26.5, Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết có khoảng 200 ca bệnh đậu mùa khỉ và hơn 100 trường hợp nghi ngờ được phát hiện bên ngoài châu Phi. Bà Maria Van Kerkhove cũng nói thêm rằng đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở hơn 20 quốc gia thường không có dịch bệnh lưu hành và dự kiến con số sẽ tăng lên.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đang theo dõi 9 trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở 7 tiểu bang, song không phải tất cả những trường hợp này đều có tiền sử du lịch đến các quốc gia lưu hành bệnh đậu mùa khỉ. Điều đó cho thấy rằng có thể đã có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng - tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ cho biết. 

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường bao gồm sốt, đau nhức cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, kiệt sức và phát ban giống thủy đậu trên tay, mặt. Bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ 5-21 ngày sau khi nhiễm vi rút. 

Hầu hết các trường hợp đều là thể nhẹ, đôi khi giống thủy đậu, tuy nhiên cũng có thể trở nặng và tử vong.

anh-chup-man-hinh-2022-05-27-luc-11.18.53.png
Mụn nước ở người mắc bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh: Getty Images

Vi rút lây lan khi tiếp xúc với người, động vật nhiễm bệnh như khỉ, chuột, sóc hay đồ vật có mang mầm bệnh như giường, quần áo. Vi rút xâm nhập cơ thể thông qua vết thương hở, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng. Những người bị nhiễm bệnh cũng nên rất cẩn thận trong việc dụi mắt vì vi rút có thể phá hủy thị giác. 

Mark Slifka, nhà miễn dịch học tại Đại học Y tế và khoa học Oregon cho biết: "Trước khi phát triển vắc xin đậu mùa, nguyên nhân số 1 gây mù trên thế giới là bệnh đậu mùa. Những người bị nhiễm có thể lây nhiễm cho đến khi mụn mủ đóng vảy và bong ra".

Tiến sĩ Slifka và các chuyên gia khác nhấn mạnh rằng mặc dù bệnh đậu mùa khỉ có thể nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong, nhưng đợt bùng phát hiện nay khó có thể bùng phát thành dịch lớn.

Anne Rimoin, nhà dịch tễ học tại Đại học California (Mỹ), người đã nghiên cứu bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi, cho biết: "Chúng tôi may mắn có vắc xin và phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Chúng tôi có khả năng ngăn chặn loại vi rút này". 

Vi rút đậu mùa khỉ không lây lan khi không có triệu chứng. Tiến sĩ Rimoin nói việc giám sát cẩn thận và cách ly những người bị nhiễm bệnh, truy vết tiếp xúc và cách ly những người tiếp xúc gần sẽ ngăn chặn được ổ dịch.

Phần lớn những người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hiện tại là nam giới dưới 50 tuổi, và nhiều người mắc bệnh được xác định là người đồng tính nam hoặc lưỡng tính. 

Tiến sĩ Walensky cho biết: "Nguy cơ phơi nhiễm không chỉ giới hạn ở một nhóm người cụ thể. Ưu tiên của chúng tôi là giúp mọi người đưa ra quyết định sáng suốt để bảo vệ sức khỏe của họ và sức khỏe của cộng đồng. Điều này bắt đầu bằng việc xây dựng nhận thức được hướng dẫn bởi khoa học, không phải bởi sự kỳ thị". 

Đợt bùng phát bệnh đầu mùa khỉ hiện nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào nhưng các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến những người tiếp xúc gần là trẻ em, người lớn tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch kém vì những lý do khác.

Có nhiều ý kiến ​​trái chiều về khả năng miễn dịch sau khi tiêm phòng bệnh đậu mùa kéo dài bao lâu.

CDC khuyến nghị tiêm vắc xin đậu mùa 3 năm/lần nhưng chỉ "dành cho những người làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm", David Daigle, phát ngôn viên của CDC cho biết trong một tuyên bố.

"Cho đến khi chúng tôi tìm hiểu được nhiều hơn, chúng tôi sẽ sử dụng nguồn vắc xin sẵn có cho những người đã tiếp xúc gần với các ca bệnh và những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất qua công việc của họ, như nhân viên chăm sóc sức khỏe điều trị bệnh đậu mùa khỉ". 

Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu chạy đua tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi số ca nhiễm tăng lên.

Trong một nghiên cứu, tiến sĩ Slifka và các đồng nghiệp của ông đã lấy máu của 306 tình nguyện viên đã được tiêm chủng, một số người đã được chủng ngừa hàng chục năm trước đó, bao gồm cả một người đã được chủng ngừa 75 năm trước. Hầu hết họ đều duy trì lượng kháng thể cao để chống lại bệnh đậu mùa.

Trong một nghiên cứu khác, tiến sĩ Slifka và các đồng nghiệp của ông đã chỉ ra rằng các kháng thể được tạo ra bởi dù chỉ một liều vắc xin đậu mùa sẽ suy giảm rất chậm trong cơ thể với mức giảm xuống còn một nửa sau khoảng 92 năm.

Tiến sĩ Ferrucci và các đồng nghiệp của ông tại Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), cũng như các nhóm nghiên cứu khác, đã phát hiện ra rằng lượng kháng thể vẫn tồn tại trong nhiều thập niên sau khi tiêm phòng vắc xin đậu mùa. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các kháng thể được tạo ra từ việc tiêm phòng đậu mùa có thể đủ để chống lại bệnh đậu mùa ở khỉ.

Cách để nghiên cứu hiệu quả của vắc xin đậu mùa ở người là thu thập bằng chứng khi dịch bùng phát. Nhóm của tiến sĩ Slifka đã làm được điều đó vào năm 2003, khi hàng chục người Mỹ bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ sau khi tiếp xúc với những con sóc chó bị nhiễm bệnh.

Các nhà nghiên cứu đã bay đến Milwaukee (Mỹ) và lấy máu của 28 người đã tiếp xúc với những con sóc chó bị nhiễm bệnh. Trong số 8 người đã được tiêm phòng trước đó, 5 người phát triển trung bình 3 mụn nước, so với mức trung bình 33 mụn nước ở những người chưa tiêm phòng. Trong khi đó, 3 người đã tiêm phòng khác không có triệu chứng gì. "Họ thậm chí còn không biết mình đã bị nhiễm bệnh", tiến sĩ Slifka nói.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng trong một gia đình 3 người, người cha đã được tiêm phòng trước đó chỉ phát triển 2 mụn nước so với 200 mụn nước ở người mẹ không được tiêm phòng. Cô con gái 6 tuổi chưa được tiêm phòng có khoảng 90 mụn nước và hôn mê trong 12 ngày.

Các câu hỏi về hiệu quả bảo vệ lâu dài của vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ có ý nghĩa đặc biệt khi số trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới đang tăng lên. Năm 2017, một đợt bùng phát lớn được ghi nhận ở Nigeria với 172 trường hợp, 75% người bệnh là nam, tuổi từ 21 - 40.

Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện chủ yếu ở các quốc gia Trung Phi và Tây Phi, gần rừng mưa nhiệt đới. Vi rút lần đầu tiên được xác định trên khỉ nuôi nhốt và kể từ năm 1970 đã có các đợt bùng dịch được ghi nhận ở 10 quốc gia châu Phi.

Người dân ở các ngôi làng châu Phi từng mắc bệnh đậu mùa ở khỉ từ động vật khi đi săn nhưng hiếm khi lây bệnh cho người khác. Tiến sĩ Rimoin nói về những đợt bùng phát lớn chỉ xảy ra gần đây. 

Việc xóa sổ bệnh đậu mùa trên toàn cầu cách đây hơn 40 năm được xem là một trong những thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử y tế công cộng, vì đã loại bỏ được nguyên nhân gây tử vong, mù lòa và biến dạng cho nhân loại trong ít nhất 3.000 năm lịch sử.

Tuy nhiên, mặt trái của việc xóa sổ bệnh đậu mùa là dẫn đến sự kết thúc của chương trình tiêm chủng toàn cầu nhằm bảo vệ trước các vi rút đậu mùa khác.

Tiến sĩ Rimoin và các đồng nghiệp cảnh báo vào năm 2010 rằng khả năng miễn dịch suy giảm, cùng với sự gia tăng dân số và sự tiếp xúc gần với động vật hoang dã, có thể dẫn đến bùng phát bệnh đậu mùa khỉ thường xuyên hơn .

Các đợt bùng phát lớn, đặc biệt là ở những người bị suy giảm miễn dịch sẽ tạo cho vi rút có nhiều cơ hội đột biến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vắc xin đậu mùa hiệu quả ra sao đối với bệnh đậu mùa khỉ?