Tính đến năm 2015, ở Đà Nẵng có đến hơn 160 dự án quy hoạch có quy mô trên 5 ha vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường. Đây là thông tin được đưa ra trong cuộc làm việc giữa ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và lãnh đạo Sở TN-MT mới đây.

Sở TN-MT Đà Nẵng còn quá nhiều yếu kém

Lê Đình Dũng | 24/08/2016, 17:23

Tính đến năm 2015, ở Đà Nẵng có đến hơn 160 dự án quy hoạch có quy mô trên 5 ha vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường. Đây là thông tin được đưa ra trong cuộc làm việc giữa ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và lãnh đạo Sở TN-MT mới đây.

Hiện tại, xử lý các điểm nóng môi trường và quản lý khai thác khoáng sản được xem như là 2 nhiệm vụ chủ chốt của Sở TN-MT Đà Nẵng.

Liên quan việc này, ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường đề cập đến tình trạng khu vực dọc các tuyến ven biển, đặc biệt là khu vực quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà trước đây được quy hoạch là nhà chia lô, biệt thự; nay được mua ghép lại để xây dựng khách sạn cao tầng dẫn đến lượng nước thải tăng cao, trong khi đó hạ tầng kỹ thuật thoát nước tại khu vực này không đảm bảo dẫn đến nước thải không thu gom được và tràn ra biển. Ông này đề nghị Sở Xây dựng sớm rà soát lại toàn bộ khu vực ven biển để có quy hoạch thoát nước và thu gom toàn bộ nước thải xả ra biển.

Trả lời việc này, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết sắp tới sở này sẽ có văn bản đề nghị một nhóm giáo sư của trường ĐH Bách khoa TP.HCM nghiên cứu phương án cải tạo các cửa xả ven biển. Ông Hùng cũng đề nghị thanh tra Sở TN-MT phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các khách sạn ven biển, đặc biệt là xả nước thải xem có đạt yêu cầu hay không.

Đáng lưu ý, ở Đà Nẵng từ trước đến nay có hiện tượng cấp dự án nhưng khâu đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lại bị xem nhẹ. TS.KTS. Tô Văn Hùng (Trưởng ban Đô thị, HĐND TP.Đà Nẵng) cho rằng cần phải xem xét lại vai trò, vị trí của công tác tài nguyên và bảo vệ môi trường.

“Ngành TN-MT phải tham gia ngay từ đầu trong việc tiếp cận các dự án, chứ không phải là khâu sau cùng như quy trình hiện nay (khi dự án đã được Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch lập quy hoạch). Dự án đã lập rồi mới đến khâu ĐTM thì không được hợp lý lắm”, ông Hùng nói. Theo ông này, tính đến năm 2015, có đến hơn 160 dự án quy hoạch có quy mô trên 5 ha vẫn chưa có ĐTM. Ông đề nghị Sở TN-MT phối hợp Sở Xây dựng rà soát lại các dự án hiện chưa có ĐTM, dự án nào cần phải bổ sung ĐTM cần gấp rút triển khai ngay.

Biển Đà Nẵng nhiều nơi bị xả thải trực tiếp ra gây ô nhiễm- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Liên quan đến rừng, KTS. Hùng cho rằng Sở TN-MT cần phối hợp với Sở NN-PTNT xem lại công tác trồng rừng thay thế, không chỉ đảm bảo về diện tích mà còn phải đảm bảo về loại cây. “Thực tế số liệu thống kê cho thấy tỷlệ rừng giảm rất nhiều. Dự án có trồng rừng thay thế và có triển khai, vậy tại sao diện tích rừng lại giảm như thế? Việc trồng rừng thay thế có được kiểm tra, giám sát hay không?”.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Anh chỉ thẳng: “Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành thành thành phố môi trường, thành phố an bình, sạch – xanh – đẹp, thế nhưng môi trường vẫn là vấn đề nóng và chưa được giải quyết triệt để, chưa đạt yêu cầu thành phố đề ra”.

Ông Bí thư nêu một loạt bất cập của ngành TN-MT Đà Nẵng như: chưa phát huy hết vai trò là cơ quan tham mưu chủ lực trên lĩnh vực TN&MT; chưa kịp thời giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trên lĩnh vực đất đai; công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực môi trường vẫn còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm. Công tác quản lý khai thác khoáng sản, tài nguyên vẫn còn nhiều bất cập, bộc lộ nhiều yếu kém, mà mà ví dụ cụ thể là phía tây thành phố hiện đang “tan hoang như bãi chiến trường” dẫn đến dư luận không hay về những tiêu cực trong việc quản lý, cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản.

Ông Nguyễn Xuân Anh trong chuyến khảo sát bãi rác Khánh Sơn lúc mới nhậm chức Bí thư Đà Nẵng- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Ông Xuân Anh yêu cầu Sở TN-MT cần quản lý chặt chẽ việc cấp đất, quản lý tài nguyên… Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh các điểm nóng mới về môi trường; nếu cần thì thu hồi giấy phép, đóng cửahoạt động đối với các cơ sở tái diễn vi phạm về môi trường. Trên lĩnh vực khai thác khoáng sản, Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh: “Phải có thanh tra, kiểm tra xem có tiêu cực trong việc cấp phép khai thác khoáng sản tại Hòa Vang hay không? Nếu có sai phạm phải có hướng xử lý”.

Đối với công tác vệ sinh môi trường, ông Xuân Anh cho biết chủ trương của thành phố là sẽ dần tiến đến xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác để tăng tính cạnh tranh, tăng hiệu quả và giảm chi phí xử lý. Trong tương lai, Thành ủy, HĐND và UBND TP.Đà Nẵng đã thống nhất chọn địa điểm xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) với quy mô khoảng 100ha. Trong năm 2016 triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai xây dựng giai đoạn 1, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động chính thức vào cuối năm 2017 để giảm tải cho bãi rác Khánh Sơn.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở TN-MT Đà Nẵng còn quá nhiều yếu kém