Kết thúc hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà ‘chúc cho biển miền Trung sớm được công bố an toàn’ vì trong hội nghị này không ai dám khẳng định biển đã an toàn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: ‘Chúc cho biển miền Trung sớm được công bố an toàn’

Lê Đình Dũng | 22/08/2016, 14:46

Kết thúc hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà ‘chúc cho biển miền Trung sớm được công bố an toàn’ vì trong hội nghị này không ai dám khẳng định biển đã an toàn.

Một số vùng nước biển ‘trong giới hạn cho phép’

Hội nghị do Bộ TNMTtổ chức sáng 22.8 tại TP.Đông Hà (Quảng Trị)nhằm công bố báo cáo kết quả ‘điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung’ do nhóm chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ NN-PTNT…

Thay mặt nhóm tác giả, GS.TS. Mai Trọng Nhuận cho biết chương trình quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích và các hệ sinh thái trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5.2016 trên phạm vi 8 tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam. Tiếp đó, chương trình đánh giá, xác định phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển thực hiện từ tháng 6 đến ngày 16.8.2016 trên phạm vi 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.

Một con cá vẩu chết trên biển Thừa Thiên-Huế trong tháng 5.2015- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Các nhóm đối tượng được nhóm chuyên gia phân loại đánh giá diễn biến gồm chất lượng nước biển, chất lượng trầm tích biển, tồn lưu trong màng bám hệ keo sắt, các hệ sinh thái. Theo nhóm chuyên gia, 3 chất nguy hại gây hiện tượng biển chết là phenol, xyanua, sắt có nguồn gốc từ Formosa Hà Tĩnh. Hệ keo sắt khi hấp thụ độc tố phenol, xyanua…lắng xuống các rạn san hô phủ bám và gây ra việc suy thoái của các hệ sinh thái.

Theo ông Mai Trọng Nhuận, chất lượng nước biển tại 19 bãi tắm từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế cũng như trầm tích biển qua kết quả giám sát liên tục đến nay cho thấy tất cả các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

GS.TS. Mai Trọng Nhuận cho biết nước biển đã sạch theo nghiên cứu khoa học còn việc nuôi cá được hay chưa thì cần phải chờ công bố từ Bộ NN-PTNT-Ảnh: Lê Đình Dũng.

Tuy nhiên, còn 3 khu vực cần được tiếp tục quan trắc và giám sát chặt chẽ, thường xuyên gồm khu vực cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh, khoảng 300km2), cửa Nhật Lệ (Quảng Bình, khoảng 330km2), hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế, khoảng 160km2) do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Báo cáo này cũng kết luận: Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực.

Về chất lượng hải sản đánh bắt ở 4 tỉnh miền Trung, phía Bộ Y tế đưa ra một kết luận rất mập mờ: ‘hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian’.

Chưa ai nói ăn được cá hay chưa

Từ kết luận ban đầu của Bộ TNMT và Bộ Y tế, đại diện các nhà khoa học, lãnh đạo các tỉnh vẫn thắc mắc một câu hỏi mà dân cần nhất từ trước đến nay: ăn cá được chưa?.

GS Nguyễn Chu Hồi cho biết, qua trình bày của nhóm nghiên cứu, một số con số đánh giá ban đầu cũng đáng tin cậy. Tuy nhiên, sau hội thảo này, cần khoanh vi các vùng còn đang theo dõi giao cho địa phương phối hợp với TƯ để giải thích thêm và cảnh báo.

“Tắm biển được chưa? Ăn cá an toàn chưa? Đánh cá chỗ nào…?, đây là những câu hỏi chính, cần chọn cách tiếp cận thích hợp để trả lời câu hỏi đó. Không nhất thiết phải quá nhiều thông số, vì sự cố đã xảy ra khoảng 4 tháng rồi”, GS. Hồi nhấn mạnh.

Tiến sỹ Friedhelm Schoreder, Viện nghiên cứu về vật liệu và quản lý bờ biển Đức cho rằng các thông số phenol đã có chiều hướng giảm, còn một vài điểm còn bẫy thủy lực cần quan sát thêm. Ông cho rằng các bờ biển đã công bố an toàn đều đáng tin cậy, có thể bơi lội và phục vụ du lịch được.

Về chuyện ăn cá được chưa, Tiến sỹ Friedhelm Schoreder nói: “Nhìn theo số liệu quan trắc và video ghi lại thì cá nhỏ đã có trở lại, nhưng quan trọng Bộ Y tế phải tiếp tục kiểm soát ở các chợ cá. Loại cá nhỏ phải giữ nó để tiếp tục phát triển, rồi chờ những loài cá lớn khác đến tiếp. Khoảng 2 tháng tới sẽ nuôi trồng bình thường nếu môi trường nước đã được kiểm soát”.

Tại hội nghị, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Nhân dân rất mong chờ hội nghị này và đặt câu hỏi là bây giờ cá thế nào, ra sao, cần phải trả lời sớm? Hôm nay không thấy Bộ Y tế và NN-PTNT để trả lời 2 nội dung là cá đã đảm bảo ăn được chưa, việc sản xuất nuôi trồng thế nào. Có 3 nội dung mà 2 nội dung chưa được trả lời”.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thì cho rằng, hiện ngưỡng các giá trị về phenol và cyanua thì các quy chuẩn Việt Nam chưa có, vậy các giới hạn dưới ngưỡng cho phép trong báo cáo là giới hạn nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Hợp (Khoa Hóa, ĐHKH Huế) thì nói thẳng, có thể do Bộ Y tế cẩn thận quá nên kết luận của Bộ rất chung chung. Hàm lượng một số chất phơi nhiễm ở trong cá ‘giảm dần theo thời gian’ là như thế nào, chất nào giảm. Phải nói rõ là phenol hay gì giảm, giảm so với các vùng Thanh Hóa, Quảng Nam như thế nào thì dân mới yên tâm ăn được.

Tiến sỹ Friedhelm Schoreder.

Trả lời việc này, ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế nói: “Chúng tôi cung cấp 1 số thông tin bước đầu theo sự chỉ đạo của Chính phủ từ 28.4 đến tháng 8.2016. Các mẫu lấy từ tháng 6 trở lại đây có chiều hướng giảm dần. Chúng tôi với bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục giám sát để công bố vùng đánh bắt an toàn sau”. Theo đại diện Bộ này, việc quản lý VSATTP ở Việt Nam có các quy chuẩn quy định về mức độ ô nhiễm nói chung trong đó có cá chứ không có riêng cá, nên khi đánh giá theo mức độ ô nhiễm thì thấy có hiện tượng (độc tố) giảm dần.

Đại diện Bộ NN-PTNT thì cho rằng, sẽ căn cứ theo kết luận này của Bộ TNMT để khuyến cáo người dân ở vùng biển nào an toàn nuôi trồng và vùng biển nào đánh bắt thủy hải sản được. Vị này đề nghị Bộ TNMT khoanh vùng trên bản đồ những vùng còn nguy cơ tiềm ẩn để có hướng dẫn cụ thể người dân.

Chưa làm trọn vẹn mong muốn của dân

Phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Tại thời điểm này, những công bố này chưa làmđược trọn vẹn mong muốn của đồng bàomiền Trung là biển đã sạch chưa. Nhưng đây là báo cáo cho thấy tín hiệu đáng mừng. Biển miền Trung có thể hoàn toàn tự làm sạch, đào thải những chất độc này”.

“Thông qua hội nghị này có thể công bố một số khu vực biển an toàn. Sau này sẽ xác định địa danh, diện tích, tọa độ để người dân biết đó là vùng an toàn. Thứ hai, về diễn biến tồn lưu là vật chất lắng đọng không còn bám gây nguy hại như trước nữa và đã xác định được một số khu vực.

Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn thận trọng khuyến cáo về những bẫy hay vùng nước xoáy có khả năng tích tụ các chất ô nhiễm. Với niềm tin tự nhiên sẽ nhanh chóng đào thải chất độc, nhưng chúng ta sẽ khoanh các vùng đó để khuyến cáo người dân tránh đánh bắt, thể thao dưới biển”.

“Hầu hết các vùng biển này là yên tâm (sạch), đã được chứngminh bằng những dữ liệu khoa học chính đáng”.

Một đoàn công tác lấy mẫu nước, trầm tích ở Thừa Thiên-Huế đợt cá chết- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Theo Bộ trường Hà, với góc độ khoa học thì việc lấy nước nuôi trồng thủy sản trên các vùng đã khẳng định an toàn là an toàn. Tuy nhiên, sau đây sẽ dựa vào các quy định, quy chuẩn để xem xét và giám sát chặt chẽ chongười dân biết.

“Về an toàn hải sản, trong công bố (này) là nền tảng để xác định cho các đánh giá tiếp theo, nó có độ trễ về tích lũy và khả năng bài tiết các chất tồn lưu. Bộ Y tế dựa vào đây tiếp tục giám sát và nghiên cứu đánh giá để có những công bố chính xác. Đây là việc cần thiết nhưng bà conlưu ý cần phải có thời gian để đáp ứng các biện pháp khoa học”.

“Chúng ta chờ công bố từ Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT; khi đó mới công bố là biển Việt Nam hoàn toàn an toàn, các hoạt động đánh bắt hải sản, du lịch, kinh tế hoàn toàn bình thường”.

“Ở đây quan trọng là chúng ta đã xác định được nguồn gây ô nhiễm, chúng ta đã hoàn toàn giám sát được việc xả thải. Và từ đó sẽ mong rằng biển miền Trung thời gian tới sẽ an toàn và an toàn trong tương lai dài”.

Cuối cùng, Bộ trưởng chúc: “Chúc cho biển miền Trung sớm được công bố an toàn”.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: ‘Chúc cho biển miền Trung sớm được công bố an toàn’