Một số trường đại học lớn đã ngừng sử dụng các công cụ phát hiện trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty chống sao chép Turnitin vì lo ngại rằng công nghệ này khiến sinh viên bị buộc tội sai việc sử dụng ChatGPT để viết luận văn.

Sợ sinh viên bị buộc tội sai việc dùng ChatGPT, nhiều trường bỏ phần mềm phát hiện AI

Sơn Vân | 22/09/2023, 21:40

Một số trường đại học lớn đã ngừng sử dụng các công cụ phát hiện trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty chống sao chép Turnitin vì lo ngại rằng công nghệ này khiến sinh viên bị buộc tội sai việc sử dụng ChatGPT để viết luận văn.

Các trường đại học phải tiếp tục tìm cách khác để ngăn sinh viên sử dụng ChatGPT viết bài luận sau khi bỏ công cụ phát hiện AI do Turnitin cung cấp vì lo ngại về độ chính xác, theo hãng tin Bloomberg.

Quyết định này được đưa ra bất chấp sự phổ biến ngày càng tăng của ChatGPT với sinh viên và mối lo ngại ngày càng nhiều của các nhà giáo dục rằng chatbot AI này đang thúc đẩy vấn nạn gian lận.

Đại học Vanderbilt (Mỹ) cho biết trong bài đăng trên blog: “Sau vài tháng sử dụng và thử nghiệm công cụ này, gặp gỡ Turnitin và các nhà lãnh đạo AI khác, cũng như nói chuyện với các trường đại học khác cũng có quyền truy cập (công cụ của Turnitin), Đại học Vanderbilt đã quyết định vô hiệu hóa công cụ phát hiện AI của Turnitin trong tương lai gần”.

Đại học Vanderbilt thông báo công cụ phát hiện AI này có tỷ lệ sai 1% khi ra mắt, ước tính sẽ dẫn đến khoảng 750 trong số 75.000 bài luận mà họ gửi tới Turnitin vào năm ngoái bị gắn nhãn không chính xác là được viết bằng AI.

Trong một bài đăng trên trang web của mình, Đại học Northwestern cũng cho biết sẽ tắt máy dò AI của Turnitin sau hàng loạt cuộc tư vấn. Trường này không khuyến nghị sử dụng nó để kiểm tra bài tập của sinh viên.

Art Markman, Phó hiệu trưởng phụ trách các vấn đề học thuật tại Đại học Texas (Mỹ), nói với Bloomberg rằng trường của ông đã ngừng sử dụng công cụ này vì lo ngại về độ chính xác.

Ông nói: “Nếu chúng tôi cảm thấy những công cụ này đủ chính xác thì việc có chúng sẽ thật tuyệt vời. Thế nhưng, chúng tôi không muốn tạo ra tình huống học sinh bị buộc tội sai”.

Các nhà giáo dục đã thử nghiệm nhiều cách để giải quyết sự phổ biến của các công cụ generative AI như ChatGPT trong sinh viên, với nhiều kết quả khác nhau. Một giáo sư ở Đại học Texas đã bị sa thải vì đánh trượt nửa lớp sau khi "ChatGPT xác định sai bài luận của họ là do AI viết". Các sinh viên khác cho biết bị phần mềm chống sao chép cáo buộc sai về việc sử dụng AI.

so-sinh-vien-bi-buoc-toi-sai-viec-dung-chatgpt-nhieu-truong-bo-phan-mem-phat-hien-ai.jpg
Đại học Vanderbilt thông báo công cụ phát hiện AI của Turnitin có tỷ lệ sai 1% khi ra mắt - Ảnh: Internet

Xác định khi nào văn bản được viết bởi AI là việc rất khó khăn. OpenAI, công ty khởi nghiệp tạo ra ChatGPT, đã loại bỏ công cụ phát hiện văn bản AI của mình do "tỷ lệ chính xác thấp". OpenAI cảnh báo các nhà giáo dục rằng trình phát hiện nội dung AI không đáng tin cậy trong hướng dẫn tựu trường gần đây của họ.

Theo đó, OpenAI xác nhận rằng nhiều công cụ phát hiện có xu hướng xác định không chính xác tác phẩm được viết bởi các tác giả không phải người Anh là do AI tạo ra, điều mà Đại học Vanderbilt xác định rằng đáng lo ngại.

Trong một tuyên bố với Bloomberg, Turnitin cho biết phần mềm phát hiện AI của họ không được thiết kế để sử dụng để trừng phạt sinh viên. Annie Chechitelli, Giám đốc sản phẩm của Turnitin, nói: “Công nghệ của Turnitin không nhằm mục đích thay thế quyết định chuyên môn của các nhà giáo dục”.

Việc sử dụng công nghệ AI trong giáo dục đã trở thành vấn đề gây tranh cãi. Trong khi một số trường ở bang Texas (Mỹ) đã cấm học sinh/sinh viên sử dụng ChatGPT, những trường khác đang cố gắng tích hợp chatbot AI này vào quá trình giảng dạy.

Kể từ khi được công ty khởi nghiệp OpenAI phát hành vào tháng 11.2022, ChatGPT đã trở thành hiện tượng internet. Chatbot AI này hỗ trợ nhiều học sinh/sinh viên viết văn, làm bài tập về nhà... Dù được nhiều người ca ngợi, ChatGPT vẫn là mối đe dọa với giới học thuật.

Nhiều trường đại học trên khắp thế giới đang cấm sử dụng ChatGPT. Một số thậm chí còn coi việc dùng chatbot của OpenAI là hành vi bất hợp pháp, có thể bị trừng phạt giống như đạo văn.

Ngay từ đầu tháng 12.2022, Học khu thống nhất Los Angeles đã đình chỉ quyền truy cập vào trang web ChatGPT. Kể từ tháng 1, các trường công lập ở thành phố New York (Mỹ), đại học khoa học hàng đầu Pháp, một số trường đại học ở Úc... đã cấm ChatGPT. Tất cả trường này đều đưa lý do cho lệnh cấm liên quan đến "đạo văn, gian lận".

Jenna Lyle, người phát ngôn của Sở Giáo dục thành phố New York, tuyên bố: “ChatGPT có thể tác động tiêu cực đến việc học tập của học sinh/sinh viên. Không có gì đảm bảo về tính an toàn và chính xác của nội dung mà ChatGPT tạo ra. Dù có thể cung cấp câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng nhưng ChatGPT không phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh/sinh viên”.

Sinh viên Đại học Trung văn Hồng Kông có thể bị đuổi học nếu bị phát hiện sử dụng các công cụ AI như ChatGPT không đúng cách hoặc không được phép trong học tập, theo hướng dẫn do trường này công bố. Đại học Trung văn Hồng Kông cho biết sinh viên sẽ cần sự cho phép của giáo viên trước khi sử dụng ChatGPT cho các bài tập.

AI là con dao hai lưỡi. Chúng ta nên sử dụng nhưng không lạm dụng ChatGPT, dùng nó như công cụ nghiên cứu chứ không phải gian lận và quan trọng nhất là sử dụng AI để suy nghĩ cùng bạn chứ không phải cho bạn”, hướng dẫn nêu rõ.

Phản ứng của cộng đồng học thuật với ChatGPT không chỉ giới hạn ở các trường học. Nhiều tạp chí cũng đã thể hiện những ý tưởng tương tự.

Tạp chí Nature đã đăng bài viết vào đầu tháng 12.2022, thể hiện sự quan ngại về việc ChatGPT bị thu hẹp lại thành một công cụ cho học sinh viết bài luận. Một số tạp chí Trung Quốc tuyên bố sẽ không chấp nhận các bài viết có dấu ấn của ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ khác. Những người che giấu việc sử dụng ChatGPT sẽ bị từ chối hoặc rút lại bài viết.

Song xem xét sự không ổn định của nội dung do ChatGPT tạo ra, một số giáo viên cho rằng chatbot này không thể hoàn thành các bài tập cấp cao. Tuy nhiên, một số sinh viên vẫn đánh liều trích dẫn nội dung do ChatGPT trả lời.

Theo cuộc khảo sát với 1.000 sinh viên đại học trên 18 tuổi ở Mỹ, có tới 89% số người được hỏi thừa nhận đã sử dụng ChatGPT khi hoàn thành bài tập về nhà.

Tất nhiên, không phải ai cũng phản đối việc thêm ChatGPT vào quy trình hoàn thành bài tập về nhà.

Bhaskar Vira, Phó chủ tịch phụ trách giáo dục của Đại học Cambridge (Anh), đã nêu quan điểm trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo của trường. Trong mắt ông, AI là một công cụ để mọi người sử dụng và sẽ không khôn ngoan nếu trường đại học vô hiệu hóa các công cụ AI như ChatGPT.

Quan điểm của Bhaskar Vira là các trường nên điều chỉnh quá trình giảng dạy và kiểm tra để đảm bảo rằng sinh viên duy trì tính toàn vẹn trong học tập khi sử dụng các công cụ tương tự. Thậm chí có những giáo viên “cùng chí hướng” với sinh viên dùng công cụ AI.

Nhà triết học nổi tiếng Slavoj Zizek ủng hộ mọi người sử dụng các công cụ AI khác nhau và hào hứng nói: Đừng vô hiệu hóa nó!

Sinh viên của tôi sử dụng AI để viết bài và tôi dùng AI để chấm điểm sau khi nộp bài. Bằng cách đó, tất cả chúng ta đều thoải mái và dễ dàng phải không?!”, ông nói.

Bài liên quan
Google Bard có các tính năng mới hấp dẫn dù lưu lượng truy cập kém xa ChatGPT
Hôm 19.9, Google cho biết Bard, chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty, sẽ có khả năng kiểm tra tính xác thực các câu trả lời và phân tích dữ liệu Google cá nhân của người dùng khi gã khổng lồ công nghệ đang cố gắng bắt kịp ChatGPT về mức độ phổ biến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sợ sinh viên bị buộc tội sai việc dùng ChatGPT, nhiều trường bỏ phần mềm phát hiện AI