Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) nói trong năm 2015, có hơn 284.000 công chức, viên chức bị kỷ luật ở các mức độ khác nhau vì dính líu tới tham nhũng (một sư đoàn khoảng 10.000-25.000 người). Và từ đầu năm 2016 đến nay, thêm 160.000 công chức, viên chức bị kỷ luật vì các hành vi liên quan đến tham nhũng.

Số người tham nhũng bị kỷ luật ở Trung Quốc đủ lập cả chục sư đoàn

Theo SGGP | 03/07/2016, 06:11

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) nói trong năm 2015, có hơn 284.000 công chức, viên chức bị kỷ luật ở các mức độ khác nhau vì dính líu tới tham nhũng (một sư đoàn khoảng 10.000-25.000 người). Và từ đầu năm 2016 đến nay, thêm 160.000 công chức, viên chức bị kỷ luật vì các hành vi liên quan đến tham nhũng.

CCDI sẽ mở đợt kiểm tra chống tham nhũng mới - qua việc “sờ gáy” ban lãnh đạo đảng tại 32 cơ quan đảng và nhà nước như Quốc hội, các bộ Ngoại giao, Công an, Tài chính, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia, cùng các cơ quan Chính phủ phụ trách những vấn đề lập pháp. Tuy nhiên, các quan tham cũng tìm mọi cách để chuyển tài sản ra nước ngoài trước khi “ngã ngựa”.

Mạnh tay hơn nữa

Báo cáo tổng kết của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho thấy, trong năm 2015 có gần 50.000 người bị điều tra về các hành vi tham nhũng. Trong số đó, có khoảng 34.000 trường hợp bị tòa án các cấp ở Trung Quốc truy tố, xét xử vì tội danh tham nhũng, trong đócó 22 quan chức cấp bộ và tương đương.

Còn theo báo cáo của CCDI, trong năm 2015, có hơn 284.000 công chức, viên chức bị kỷ luật ở các mức độ khác nhau vì dính líu tới tham nhũng. Và từ đầu năm 2016 đến nay, thêm 160.000 công chức, viên chức bị kỷ luật vì các hành vi liên quan đến tham nhũng. Biết rõ tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc hiện đang ở mức độ cao nên CCDI đang phải áp dụng những biện pháp mạnh để chống tham nhũng.

Trong bài phát biểu về trọng tâm chống tham nhũng mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định sẽ trừng phạt nghiêm khắc mọi quan chức Chính phủ có hành vi sai trái. Ủy ban Giám sát của Chính phủ sẽ được tăng cường thêm một đơn vị đặt tại cơ quan Kiểm toán Nhà nước để phát huy khả năng giám sát của chính phủ đối với mọi tổ chức, đơn vị trực thuộc. Cùng với đó, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội Trung Quốc hủy bỏ một loạt quyền miễn trừ đối với nhiều quan chức cấp cao, để có thể nhổ bỏ tận gốc rễ tệ nạn tham nhũng trong bộ máy công quyền.

Xác định cuộc chiến chống tham nhũng không phải nhất thời, ngắn hạn mà là một cuộc chiến trường kỳ, liên tục, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy hơn nữa vai trò tích cực của mình để xử lý tận gốc rễ vấn nạn tham nhũng, phải nhanh chóng đề ra kế hoạch hành động mang tầm quốc gia về chống tham nhũng.

Tập trung nghiên cứu xây dựng và bổ sung các bộ luật cũng như các quy định hiện có để nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan chống tham nhũng, xây dựng hệ thống tư pháp rộng và mạnh hơn để chống tham nhũng hiệu quả hơn. Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh, cuộc chiến chống tham nhũng đối với các quan chức cấp cao vẫn tiếp diễn. Sẽ không có “góc chết”, “vùng cấm” hay “nút tạm dừng” trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc.

Tìm mọi cách tẩu tán tài sản

Một bản báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chỉ ra những cách thức các tham quan Trung Quốc thường sử dụng để chuyển tiền ra nước ngoài, như: Một vài người dùng cách đơn giản là tự mình hoặc cho người xách những vali lớn đựng đầy tiền qua biên giới. Một số khác sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng hiệu với khối lượng lớn ở nước ngoài, sau đó dùng tiền biển thủ công quỹ hoặc tiền hối lộ để bù vào thẻ tín dụng. Trong một số trường hợp, tham quan nhận tiền hối lộ ở nước ngoài và dùng tiền đó mua bất động sản cũng ở nước ngoài, hoặc chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ở nước ngoài.

Tinh vi hơn, tham quan sẽ thành lập công ty ở nước ngoài song song với một công ty trong nước. Kế đó, họ cho công ty trong nước mua nguyên vật liệu từ công ty ở nước ngoài với mức giá “trên trời” rồi để công ty trong nước bán hàng cho công ty ở nước ngoài với giá dưới mức giá thị trường. Công ty ở trong nước sau đó sẽ phá sản theo một kịch bản có sẵn, rồi công ty ở nước ngoài sẽ thâu tóm công ty phá sản này.

Một kênh rửa tiền phổ biến khác là các sòng bạc ở Macau. Do quy định kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài, các sòng bạc ở Macau cho phép khách hàng từ đại lục để đồng Nhân dân tệ trong nhà băng ở đại lục rồi chuyển bằng thẻ tín dụng tới Macau, thường là với số lượng lớn hơn nhiều so với số lượng tiền gửi ban đầu tại ngân hàng. Người thắng bạc có thể được trả bằng đô la Hồng Công và chuyển số tiền này đến một địa chỉ khác, nhưng cũng có lúc quan tham thắng bạc cầm thẳng số tiền này mang đi.

Ngoài ra, quan tham Trung Quốc còn sử dụng cách đưa thân nhân ra nước ngoài, sau đó tìm mọi cách nhập quốc tịch rồi chuyển các khối tài sản lớn cho họ. Mới đây, Báo Mainichi Shimbun (Nhật Bản) có bài phóng sự cho biết, do chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc diễn ra ngày càng quyết liệt và mạnh mẽ nên các quan tham và những thương nhân từng hối lộ quan chức để được kinh doanh thuận lợi rất lo sợ, ngày đêm nghĩ cách di chuyển tài sản trước để tính đường chuồn sau này. Tại phố Kabukicho ở Tokyo có hẳn một “trung tâm đẻ thuê” hoạt động bí mật chuyên phục vụ thân nhân các quan chức Trung Quốc tới tìm người mang thai hộ, sau đó sẽ chuyển tài sản sang cho đứa bé sinh ra ở Nhật Bản.

Sau thời gian dài móc nối, họ đã tiếp xúc được 2 khách hàng Trung Quốc, một phụ nữ ngoài 30 tuổi và một người đàn ông 40 tuổi. Người phụ nữ sống ở Bắc Kinh, chồng cô là cán bộ quản lý của một công ty thương mại. Chú ruột của chồng là quan chức giữ chức vụ cao ở trung ương. Ông chú này nói, trong gia đình có con cháu mang quốc tịch Nhật Bản, không may xảy ra điều gì thì cả nhà dễ dàng sang đó tị nạn, do đó đã yêu cầu vợ chồng cô sang Nhật Bản tìm người mang thai đẻ hộ. Cô này đã được giới thiệu gặp mặt một phụ nữ Nhật Bản gốc Hoa nhận lời cho “mượn bụng” và sau đó đã có được cậu con trai mang quốc tịch Nhật Bản như mơ ước của cả gia tộc.

Trường hợp thứ hai cho biết, anh ta nhận được điện thoại của một ông chú là quan chức cấp cao giữ vị trí trọng yếu ở trung ương. Ông này nói: “Có vẻ ông Tập Cận Bình sẽ tiến hành chống tham nhũng triệt để nên nhà mình phải chuyển tài sản đến nơi an toàn hơn. Nghe người bạn nói nếu có đứa con do người mẹ Nhật đẻ hộ thì sẽ rất bảo đảm. Cháu hãy lo liệu vụ này đi”. Sau đó anh ta và vợ đến khu phố Kabukicho để móc nối và thực hiện việc đưa trứng đã thụ tinh vào tử cung một phụ nữ Trung Quốc sống ở Nhật Bản.

Sau đó, anh ta có được cậu con trai mang quốc tịch Nhật Bản rồi gửi vào nhà trẻ nuôi dưỡng. Năm ngoái, anh ta xin được visa sang Nhật Bản làm việc, hiện sống ở Nhật, mỗi tháng gặp mặt con trai 2 lần. Phóng viên tờ Mainichi Shimbun cho biết, đứa bé này đã có hơn 2 tỷ yên trong tài khoản cá nhân, nhưng đây chỉ là một phần trong tài sản của gia tộc được phân tán khắp nơi.

Một người Tokyo làm nghề môi giới dịch vụ này cho phóng viên xem qua 2 cuốn sổ ghi chép, cho thấy 4 năm qua đã môi giới cho 86 đứa trẻ Trung Quốc có được quốc tịch Nhật Bản nhờ phương pháp “mượn bụng sinh con” như thế này. Các khách hàng Trung Quốc có đủ loại: quan chức, chủ công ty, giáo sư đại học… dù phí dịch vụ cho mỗi ca “đẻ thuê” khoảng 15 triệu yên, nhưng số người đăng ký vẫn tiếp tục gia tăng.

Việt Lê (theoSGGP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số người tham nhũng bị kỷ luật ở Trung Quốc đủ lập cả chục sư đoàn