Singapore bắt đầu nhập khẩu điện từ nhà máy thủy điện của Lào thông qua Thái Lan và Malaysia từ ngày 23.6.

Singapore nhập khẩu điện từ thủy điện của Lào

Bảo Vĩnh | 24/06/2022, 10:47

Singapore bắt đầu nhập khẩu điện từ nhà máy thủy điện của Lào thông qua Thái Lan và Malaysia từ ngày 23.6.

nyt-singapore.jpg

Theo báo The Straits Times, đây là lần đầu tiên có hoạt động nhập khẩu năng lượng tái tạo vào Singapore và là giao dịch mua - bán điện đa quốc gia đầu tiên liên quan 4 quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Tối đa 100 megawatt (MW) từ thủy điện của Lào sẽ được chuyển qua Singapore bằng cách sử dụng các đường dây hiện có, cụ thể hóa dự án Hội nhập năng lượng Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore. Đây là dự án liên chính phủ lập năm 2014 để nghiên cứu tính khả thi của hoạt động mua - bán điện xuyên biên giới.

100 MW tương đương 1,5% nhu cầu sử dụng điện của Singapore trong năm 2020, có thể cung cấp điện cho khoảng 144.000 căn hộ 4 phòng ngủ/năm.

Dòng điện xuyên biên giới này tiếp sau một thỏa thuận hồi tháng 9.2021 giữa Keppel Electric (công ty con của Keppel Infrastructure Holdings ở Singapore) với Công ty Điện lực nhà nước Lào để nhập năng lượng tái tạo qua Singapore. Hai tổ chức này cũng đã ký một thỏa thuận sơ bộ về mua - bán điện trong 2 năm.

Nguồn điện nhập khẩu sẽ dùng để thử nghiệm kỹ thuật và các quy định nhập khẩu điện vào Singapore, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc nhập khẩu cấp độ lớn trong tương lai.

Tiến sĩ Daovong Phonekeo, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ, nói Lào nhắm mục tiêu trở thành nguồn cung cấp năng lượng tái tạo chính trong khu vực.

Dự án hòa nhập dòng điện là một bước hướng tới nỗ lực phát triển một lưới điện lớn khắp ASEAN, theo tuyên bố chung của Cơ quan Điều hành Thị trường Điện (EMA, Singapore), Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Công ty Điện lực nhà nước Lào và Keppel Electric.

Tuyên bố chung viết: “Lưới điện ASEAN là một sáng kiến ​​quan trọng của khu vực nhằm nâng cao tính liên kết, an ninh năng lượng và tính bền vững thông qua các kết nối điện hiện có. Điều này mang lại cơ hội khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và carbon thấp trong khu vực, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, cải thiện an ninh và ổn định năng lượng”.

Theo The Straits Times, hồi tháng 10.2021, Singapore công bố kế hoạch nhập khẩu khoảng 30% nguồn điện từ các nguồn carbon thấp như các nhà máy năng lượng tái tạo từ năm 2035.

Hiện tại, hơn 95% nguồn điện ở Singapore là khí tự nhiên, một loại nhiên liệu hóa thạch mà việc đốt chúng sẽ thải ra carbon dioxide góp phần vào sự thay đổi thời tiết và việc Trái đất nóng dần lên.

EMA từ chối tiết lộ chi phí nhập khẩu năng lượng tái tạo. Hồi tháng 10.2021, EMA cho biết công ty sản xuất - bán lẻ YTL PowerSeraya sẽ tiến hành dự án thử nghiệm nhập 100 MW điện từ Malaysia trong hai năm. Dự án này có thể bắt đầu trong năm nay.

EMA cũng đang làm việc với công ty sản xuất điện PacificLight để thử nghiệm nhập 100 MW từ một nông trại điện mặt trời ở Indonesia và có thể bắt đầu dự án này từ năm 2024.

Bài liên quan
Nhiều người bị di chứng hậu COVID-19 còn vi rút trong máu sau 1 năm
Sự hiện diện của protein gai trong máu sau lần nhiễm SARS-CoV-2 ban đầu có thể là một cách để chẩn đoán COVID-19 kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Singapore nhập khẩu điện từ thủy điện của Lào