Theo TS Cấn Văn Lực, cần hết sức cân nhắc việc đưa giá sách giáo khoa vào danh mục bình ổn, vì bản chất vấn đề của Việt Nam hiện nay là đang lãng phí sách giao khoa phổ thông.

SGK phổ thông đang bị lãng phí, cần cân nhắc khi đưa vào danh mục bình ổn

Lam Thanh | 14/09/2022, 12:40

Theo TS Cấn Văn Lực, cần hết sức cân nhắc việc đưa giá sách giáo khoa vào danh mục bình ổn, vì bản chất vấn đề của Việt Nam hiện nay là đang lãng phí sách giao khoa phổ thông.

Làm rõ khái niệm hàng hóa thiết yếu

Góp ý cho Luật Giá (sửa đổi), TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Khoa học của UBTVQH cho rằng về cơ bản, các nội dung quy định tại dự thảo Luật hiện nay đã khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật Giá năm 2012. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung tại dự thảo luật còn chưa rõ ràng, chưa thống nhất với quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động hiện nay.

Cụ thể, đối với các hành vi bị nghiêm cấm: Điểm c, Khoản 2 quy định: “Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh: Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”.

Ông Lực cho rằng cụm từ “bất hợp lý, không phù hợp” mang tính “định tính”, có thể tạo khó khăn cho các chủ thể chịu sự quản lý của Luật Giá do không có quy định về lợi nhuận định mức ngành và nguyên tắc cung - cầu, không thể có số liệu thống kê về lợi nhuận định mức ngành để khống chế việc tăng giá, nhất là việc tăng giá không phải là mặt hàng thiết yếu trong những thời điểm nhất định.

Về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, ông Lực đề nghị cần làm rõ khái niệm thiết yếu, tác động ảnh hưởng toàn diện là như thế nào để tránh tranh cãi, hiểu không đúng, khó khả thi.

Đồng thời, việc xác định hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo dự thảo mới dựa trên các tiêu chí là tính thiết yếu và tác động đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà chưa đề cập tới những hàng hóa, dịch vụ có thể tác động to lớn tới sức khỏe người dân (vắc xin, thiết bị y tế, thuốc trị bệnh...) khi xảy ra các yếu tố thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh...

“Thực tế cho thấy, khi xảy ra đại dịch COVID-19 nhiều hàng hóa chưa được xem là không thể thiếu như vắc xin, test kit, thuốc trị bệnh đã được Nhà nước kiểm soát giá cả đã góp phần ổn định đời sống xã hội”, ông Lực nêu.

Do đó, theo chuyên gia này, để đầy đủ hơn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung định nghĩa thành: “Hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá phải đáp ứng các tiêu chí sau đây: a) Là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; b) Có tác động ảnh hưởng toàn diện đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; c) mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường gây ảnh hưởng đến ổn định kinh tế, xã hội”, hoặc có giải thích rõ thêm về tiêu chí hàng hóa, dịch vụ bình ổn để có cơ sở thực hiện.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, bổ sung một số dịch vụ thiết yếu theo các tiêu chí trên (vắc xin, thiết bị y tế, thuốc trị bệnh...) vào phụ lục danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá ban hành kèm Luật Giá sửa đổi.

“Việc bổ sung này chỉ nên xem xét kỹ, thận trọng, không nên can thiệp quá nhiều mà nên để thị trường quyết định, nhất là khi Việt Nam đang hướng đến được công nhận là “nền kinh tế thị trường” nhiều hơn”, ông Lực nêu.

luc.jpg
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Khoa học của UBTVQH

Cũng theo chuyên gia này, cần hết sức cân nhắc việc đưa giá sách giáo khoa vào danh mục bình ổn, vì bản chất vấn đề của Việt Nam hiện nay là đang lãng phí sách giao khoa phổ thông (mỗi năm một bộ, dùng 1 lần...).

Nếu sách giáo khoa dùng được nhiều lần, nhiều năm, thì sẽ vừa tiết giảm chi phí vừa không cần đưa vào danh mục bình ổn giá. Ngoài ra, giá của một số mặt hàng, dịch vụ khác như dịch vụ y tế, giáo dục, điện nước... về lâu dài cũng cần tăng tính thị trường, tính cạnh tranh mới đảm bảo phát triển lành mạnh, bền vững.

Bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Cũng theo ông Lực, việc giao các bộ, ngành hướng dẫn phương pháp định giá riêng (dù phối hợp với Bộ Tài Chính) đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý có khả năng dẫn đến việc nhiều phương pháp định giá được quy định rải rác tại pháp luật chuyên ngành và sẽ khó kiểm soát. Điều này ảnh hưởng đến việc áp dụng trong thực tiễn, thậm chí có thể xảy ra chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu sự thống nhất với các nguyên tắc cơ bản tại phương pháp định giá chung.

Do đó, dự thảo luật cần thống nhất và quy định đơn vị đầu mối là Bộ Tài chính quy định cụ thể các điều kiện để giới hạn phương pháp định giá để việc xây dựng, ban hành các quy định định giá được đảm bảo thống nhất trong Luật Giá cũng như các luật liên quan.

Đối với quỹ bình ổn giá, ông Lực đề nghị cân nhắc bỏ quỹ này như dự thảo ban đầu, thay vào đó, cần rà soát, đánh giá, thay đổi nguồn cung và phương thức quản lý xăng dầu, gắn với chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.

Tại khoản 3 Điều 20 dự thảo quy định “Xác định rõ thời hạn và phạm vi thực hiện trên phạm vi vùng, cả nước, tại địa phương”. Điều này cho thấy tinh thần của dự thảo Luật là không thực hiện các biện pháp bình ổn trong thời gian kéo dài. Hiện nay, giá xăng dầu là mặt hàng duy nhất được thực hiện các biện pháp bình ổn với quỹ bình ổn với thời gian kéo dài.

“Việc can thiệp kéo dài khiến giá trong nước khó tiệm cận với giá xăng dầu trên thế giới, có thể làm méo mó tính thị trường”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, trong việc thực hiện bình ổn giá, cần bổ sung yêu cầu: Cung cấp đầy đủ, công khai, minh bạch thông tin cung - cầu và các biện pháp điều hành bình ổn giá. Lý do là trong điều kiện xảy ra các sự kiện bất thường (thiên tai, chiến tranh, gián đoạn nguồn cung... khiến giá cả tăng cao bất thường), việc cung cấp đầy đủ, công khai, minh bạch thông tin cung cầu và các giải pháp điều hành bình ổn giá sẽ góp phần ổn định tâm lý người tiêu dùng, ngăn ngừa các hành vi trục lợi tích trữ hàng hóa, khôi phục sự ổn định cho thị trường hàng hóa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
SGK phổ thông đang bị lãng phí, cần cân nhắc khi đưa vào danh mục bình ổn