Phương pháp dạy và học tiếng Việt cho học sinh lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông sắp được áp dụng đang thu hút sự chú ý của dư luận bởi cách đọc và học khá khác với các chương trình cũ.
Nhiều ý kiến băn khoăn đã được đặt ra, rằngliệu chủ trương một chương trình có nhiều cách dạy và nhiều bộ SGK có khiến cho việc dạy học sinh không được đồng nhất. Đặc biệt phương pháp dạy học sinh cách đọc và phát âm của chương trình do Giáo sư Hồ Ngọc Đại biên soạn đang khiến nhiều phụ huynh hoang mang do có nguyên lý trái với kiến thức thông thường của cộng đồng.
Cách giáo viên dạy học sinh đánh vần tiếng Việt theo cách đọc một số chữ như “ki” đọc là cờ - i - ki; “uôn” đọc là: ua - nờ - uôn; “qua” đọc là: cờ - oa - qua…và các chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ” khiến nhiều người lạ lẫm. Điều này khiến nhiều người cho rằng sẽ khó dạythêm con em ở nhà với cách phát âm này. Thậm chí đến các giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn khi trong quá trình học sư phạm không hề biết đến bộ sách Công nghệ giáo dục nhưng khi ra trường phải dạy theo bộ sách này.
Trả lời trên báo chí, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan (Trung tâm Công nghệ giáo dục,NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị biên soạn sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1) cho biếthọc sinh học theo sách công nghệ giáo dục sẽ nắm vững cấu trúc ngữ âm của tiếng, nắm vững luật chính tả theo nguyên tắc gặp ở đâu sẽ giải quyết ở đó. Nhờ đó, học sinh sẽ nắm luật rất kỹvà không bị viết sai chính tả. Ví dụ sẽ sẽ phân biệt khi nào viết c, k, q; khi nào viết l, n và do đó giáo viên khi dạy phải chuẩn phát âm mới dạy cho học sinh. Nguyên tắc đánh vần trong Công nghệ giáo dục là theo âm, không phải theo chữ.
Một số cách đánh vần theo sách công nghệ giáo dục
Thậm chí, PGS-TS Bùi Hiền cho rằngcách đọc chữ công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại có đôi phần giống với cách đọc chữ cải tiến mà ông đề xuất mới đây và ông đánh giá về hệ thống âm vị của GS Hồ Ngọc Đại là hoàn toàn chính xác, đặc biệt là âm vị của người Hà Nội. Nghĩa là âm 'a' đọc là 'a'; 'ư' thì đọc là 'ư'; 'ơ' đọc là 'ơ'; 'k' đọc là 'ca'... Tức âm thì vẫn giữ nguyên như thế và ghi cũng tương tự như vậy... Nhưng chương trình cũng không tránh khỏi những hạn chế như việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với học sinh bản ngữ (tiếng Việt) không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp học bản ngữ.
Trên thực tế, sách Công nghệ giáo dụcđã được thực nghiệm mấy chục năm, nhưng đến nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về tính đúng/sai, hiệu quả của những cải cách trong chương trình nói chung và về phương pháp dạy tiếng Việt nói riêng. Dù đã được thực nghiệm mấy chục năm và thực tế đang triển khai tại nhiều tỉnh thành nhưng do khâu truyền thông ít ỏi nên phần lớn các phụ huynh chưa được biết đến chương trình cải cách, chưa hiểu các khái niệm, kiến thức sâu về ngữ âm học nên họ lo lắng bởi sẽ rất khó để kèm cặp, dạy thêm con em mình tại nhà với cách phát âm mới này. Mặc dù số ít phụ huynh khi am hiểu thì đánh giá cao và chọn cho con mình theo học vì những ưu điểm của chương trình.
Bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục
Trao đổi với phóng viên, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình SGK giáo dục phổ thông mới cho biết, sách Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại là một thí nghiệm khoa học, không phải SGK bởi hiện nay vẫn đang thực hiện một chương trình, một bộ SGK.
“Chúng ta nên nhìn nhận đó là một thí nghiệm có thể tốt hoặc chưa hoàn toàn tốt. Thí nghiệm này cũng không liên quan gì đến chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ quy định mục tiêu, yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất của học sinh ở các môn học, nội dung khái quát các môn học, phương pháp dạy học, đánh giá. Chương trình không quy định chi tiết việc dạy học vần ở lớp 1 chẳng hạn, vì thế tài liệu của GS Hồ Ngọc Đại không liên quan đến chương trình mới”, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.
GS Thuyết cũng cho biết hiện nay chương trình SGK vẫn đang được biên tập để chuẩn bị ban hành, khi nào có chương trình thì mới tổ chức viết SGK, vì thế, phụ huynh học sinh không nên hoang mang. Các cuốn SGK của GS Hồ Ngọc Đại vẫn mang tính chất thí điểm ở các tỉnh vùng cao nên khi triển khai chương trình phổ thông mới, nếu định đưa vào nhà trường thì phải phù hợp với chương trình phổ thông mới cả về yêu cầu cần đạt, mức độ với các lớp, quan điểm dạy học. "Nếu muốn trở thành SGK được lựa chọn để sử dụng trên cả nước thì phải được hội đồng thẩm định quốc gia thông qua và muốn được thông qua thì phải phù hợp về yêu cầu giảm tải, mức độ, không dạy những kiến thức sâu về ngôn ngữ học, mà tập trung chủ yếu là kỹ năng đọc, nói, nghe."
Đối với các lớp đầu cấp tiểu học, tinh thần chung của các chương trình giáo dục phổ thông từ trước tới nay là ưu tiên phát triển các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, không dạy lý thuyết ngôn ngữ học. Do đó, tới đây khi biên soạn chương trình và SGK chương trình giáo dục phổ thôngmới, thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, cách dạy đơn giản, hiệu quả là một yếu tố quan trọng để người dạy, người học lựa chọn sách.
Hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng là SGK được biên soạn theo đúng quy định của chương trình giáo dục phổ thông, không vượt quá yêu cầu của chương trình đối với mỗi lớp học, cấp học. Các hội đồng thẩm định SGK sẽ lấy đây làm căn cứ quan trọng để xem xét, thông qua.
Còn theo PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, sắp tới khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, thì SGK Tiếng Việt lớp 1 của các nhóm tác giả khác nhau có thể sử dụng những phương pháp dạy học đánh vần khác nhau. Chắc hẳn cuốn SGK nào giúp học sinh đạt được các yêu cầu của chương trình bằng phương pháp hiệu quả nhất sẽ được nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh ưu tiên lựa chọn.
Dạ Thảo