Mục tiêu, ý nghĩa của Thông tư 30 là rất tốt, tránh việc lấy điểm thi làm áp lực, nhưng khi áp dụng vào thực tế không tránh được vướng mắc.
Ngay sau khi có những ý kiến phản hồi từ giáo viên, các chuyên gia giáo dục hàng đầu, Bộ GD&ĐTcho biết năm học tới sẽ sửa đổi bổ sung một số điều thực hiện quy định đánh giá học sinh tiểu học trong thông tư 30.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đồng bộ cùng lúc nhiều giải pháp, tập huấn cho hơn 4.000 hiệu trưởng tiểu học. Kiểm tra, hỗ trợ những giáo viên còn lúng túng hay hiểu chưa đúng về Thông tư 30; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm; xây dựng tài liệu hỏi đáp về đánh giá học sinh; Đổi mới cách thức sinh hoạt chuyên môn để giáo viên cùng nhau rút kinh nghiệm. Các giáo viên hiện nay cũng thay đổi, chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất...
Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, ưu điểm của thông tư 30 là một trong những bước đi của việc đổi mới giáo dục nhằm chuyển từ phương pháp dạy truyền thụ kiến thức sang phát huy khả năng của học sinh. Thế nhưng trước những vướng mắc đang gặp phải, Bộ đang chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện này một cách nghiêm túc.
Khó khăn lớn nhất của thông tư 30 chính là sự vượt trội về sĩ số lớp họcquá quy định, gây khó khăn, mệt mỏi cho giáo viên. Thậm chí nhiều phụ huynh học sinh còn cho rằng đánh giá bằng điểm số cho con mình sẽ chính xác hơn là những nhận xét.
Trong năm học tới,Bộ sẽ có chỉ đạo tránh thực hiện máy móc việc ghi chép nhận xét, giúp các cấp quản lý quy định hồ sơ hợp lý, khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử để giảm nhẹ sức lao động cho giáo viên tập trung vào hoạt động chuyên môn.
Trong quá trình thực hiện, Thông tư 30 sẽ được vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của giáo viên, sĩ số lớp học, vùng miền. Thực hiện Thông tư 30 sẽ theo khả năng cho phép trong việc đánh giá thường xuyên để giúp đỡ học sinh nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạđã chia sẻgiải quyết vấn đề còn vướng mắc của thông tư 30 chính là làm sao cho sĩ số/lớp nhỏ đi, chế độ đãi ngộ với giáo viên phù hợp với chuyên môn và cường độ làm việc. Đặc biệt giáo viên tiểu học phải làm việc trong môi trường rất vất vả cộng với áp lực sĩ số nhưng thu nhập vẫn như cũ sẽ khiến cho hiệu quả làm việc không cao.
Hơn nữa, giáo viên cần ứng dụng công nghệ thông tin để lượng hóa những đánh giá này, đồng thời cần có sự tham gia đồng thuận của phụ huynh để Thông tư có hiệu quả.
"Giáo dục là cần bình tĩnh,chờ đợi để rút kinh nghiệm chứ không nên nóng vội thì sẽ không bao giờ bền vững được"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Dạ Thảo