Trong năm 2019, khoảng 30% số lượng thẻ ATM trên thị trường sẽ được chuyển đổi sang thẻ chip và đến năm 2021, toàn bộ 75 triệu thẻ ATM được đổi sang thẻ chip.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đặt ra lộ trình trong năm 2019 sẽ chuyển đổi khoảng 30% lượng thẻ từ (loại thẻ dùng làm thẻ ATM thông thường) sang thẻ chip, tương đương con số 21 triệu thẻ. Kế hoạch đến hết năm 2021 sẽ chuyển đổi thành công cho toàn bộ thị trường (hiện tại khoảng 75 triệu thẻ).
Đến nay có rất nhiều ngân hàng đã đăng ký với Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) để thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.
Hiện tại, 7 ngân hàng đầu tiên đã sẵn sàng thực hiện triển khai chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa vào cuối tháng 5.2019 gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank và ABBank. Việc chuyển đổi bao gồm triển khai hệ thống phát hành thẻ, hệ thống chấp nhận thẻ, hệ thống xử lý giao dịch để kết nối với Napas. Số lượng thẻ của 7 ngân hàng này chiếm khoảng 70% thị phần thẻ nội địa.
Theo số liệu từ Napas, số lượng thẻ từ hiện tại khoảng 75 triệu thẻ, theo kế hoạch sẽ có khoảng hơn 21 triệu thẻ sẽ được chuyển đổi trong năm nay. Số lượng POS khoảng 300.000 máy, tuy nhiên phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc nâng cấp để hỗ trợ Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa VCCS (Vietnam Chip Card Specification) không quá phức tạp.
Với vai trò trung tâm chuyển mạch thẻ quốc gia, Napas đã chuẩn bị hạ tầng và sẵn sàng nguồn lực, quy trình, nghiệp vụ cũng như kỹ thuật để hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi khoảng 75 triệu thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip.
Ưu điểm của thẻ chip là thông tin nằm trong chip được mã hóa và chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được dữ liệu trong thẻ và thẻ chip cũng không thể làm thẻ giả được. Do đó, các ngân hàng sẽ khắc phục được tình trạng tội phạm thẻ đánh cắp dữ liệu thẻ, hạn chế được rủi ro các giao dịch giả mạo, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng, chống gian lận trong giao dịch thanh toán.
Việc này còn mở rộng khả năng tích hợp các tiện ích thanh toán với các ngành kinh tế khác, hướng tới chiếc thẻ thanh toán đa năng, như thẻ chip có thể tích hợp các ứng dụng y tế, trường học, hay thanh toán phí giao thông, có thể thanh toán nhiều dịch vụ công ngay trên thẻ…
Về phía người dùng khi chuyển sang dùng thẻ chip nội địa sẽ có lợi hơn dùng thẻ từ, vì tính an toàn, bảo mật thẻ cao hơn. Do không cần nhập mã PIN nên giảm được các thao tác khi thanh toán, cũng không lo lộ mã PIN..., góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tỉ lệ giao dịch bị giả mạo tại một số thị trường đã giảm mạnh khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.
Với các thẻ chip không tiếp xúc (contactless) sẽ tiện dụng hơn so với thanh toán tiền mặt ở tốc độ giao dịch nhanh chỉ 0,2 -0,3 giây là xử lý xong giao dịch, khách hàng khi đưa thẻ thanh toán chạm vào máy POS cũng không cần nhập mã PIN hay ký xác nhận với các giao dịch giá trị nhỏ.
Sẽ mạnh tay hơn với thanh toán tiền mặt
Phát biểu tại một buổi hội thảo thường niên ngành ngân hàng mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: Thời gian tới, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, phát huy sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại đưa ra các sản phẩm tiện ích đa dạng và đề xuất, tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn.
Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa các cơ chế thể lệ, tạo điều kiện mở rộng quyền hạn và trách nhiệm cho các tổ chức tín dụng, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, đồng thời vẫn phải bảo đảm an toàn vốn, hạn chế rủi ro trong hoạt động.
Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ trao quyền chủ động hơn cho các ngân hàng thương mại trong huy động và cho vay cũng như tự chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ mạnh tay hơn trong việc siết thanh toán bằng tiền mặt trong thời gian tới.
A.T.T tổng hợp từ VnEconomy