ĐTDĐ giả và nhái bắt đầu nở rộ vào năm 2005 khi hãng MediaTek (Đài Loan) cung cấp chip tích hợp với phần mềm.

Sau thời bùng nổ ĐTDĐ giả, ngành smartphone Trung Quốc lao đao vì thiếu chip tiên tiến

Sơn Vân | 04/04/2023, 16:14

ĐTDĐ giả và nhái bắt đầu nở rộ vào năm 2005 khi hãng MediaTek (Đài Loan) cung cấp chip tích hợp với phần mềm.

Tang Qi là người bán ĐTDĐ trước đây tại quận Hoa Cường Bắc thuộc thành phố Thâm Quyến, một trong những thị trường xám ĐTDĐ lớn nhất Trung Quốc. Anh đã chứng kiến ​​những thăng trầm của ngành ĐTDĐ.

Có một điều chắc chắn: Kinh doanh luôn xoay quanh chip bán dẫn. Giờ đây, với những năm tháng vàng son của toàn cầu hóa dường như đã lùi xa, ngành công nghiệp ĐTDĐ Trung Quốc đang bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ khi Mỹ cùng các đồng minh cấm xuất khẩu chất bán dẫn được sử dụng để cung cấp sức mạnh cho smartphone tiên tiến.

Từ đầu thế kỷ 20 cho đến những năm 2010, Hoa Cường Bắc (một quận điện tử rộng 1,45km2 ở trung tâm Thâm Quyến) là khu vực thịnh vượng nhất của thành phố. Những chiếc ĐTDĐ mới nhất - chính hãng, nhập lậu hoặc nhái - thường có thể được tìm thấy ở đó, trước khi được chuyển đi khắp thế giới. Tuy nhiên, số phận của Hoa Cường Bắc cho thấy điều gì có thể xảy ra khi việc tiếp cận chip bán dẫn cao cấp trở nên khó khăn hơn và sự đổi mới trong nước chững lại.

Trước năm 2004, không có ĐTDĐ giả trên thị trường. Hàng giả và hàng nhái bắt đầu nở rộ vào năm 2005 khi MediaTek cung cấp chip tích hợp với phần mềm, khiến việc sản xuất ĐTDĐ giả trở nên dễ dàng”, Tang Qi cho hay.

MediaTek, công ty thiết kế chất bán dẫn có trụ sở tại Đài Loan, đã mở rộng công nghệ của mình sang Trung Quốc vào năm 2003 trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đang ấm lên.

Năm 2007, MediaTek gia nhập Liên minh thiết bị cầm tay mở do Google dẫn đầu với hơn 80 nhà sản xuất phần cứng, nhà phát triển phần mềm và nhà khai thác viễn thông toàn cầu để phát triển hệ thống Android.

Việc tiếp cận công nghệ chip và hệ điều hành đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất ĐTDĐ của riêng họ. Nhiều hãng trong số đó đã cung cấp linh kiện cho các thương hiệu nước ngoài tên tuổi lớn như Motorola và Nokia theo thỏa thuận nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM). Thế nhưng, công nghệ này cũng dẫn đến một thị trường hàng giả phát triển mạnh mẽ.

Theo Tang Qi, các công ty nhỏ ở tỉnh Quảng Đông sẽ mua chip MediaTek được cài sẵn phần mềm, tìm nguồn các linh kiện khác và yêu cầu một nhà máy lắp ráp chúng.

Hơn 80% ĐTDĐ giả sử dụng chip MediaTek. Những thứ khác cần thiết duy nhất là pin và vỏ để làm cho một điện thoại được dán nhãn và trông giống như chiếc Samsung hoặc Sony”. Thời hoàng kim, Tang có tới 20 máy điều khiển số máy tính (CNC), sản xuất các loại vỏ khác nhau ngày đêm để làm hàng giả và hàng nhái

Từng là trụ sở của hàng chục ngàn công ty điện tử, Hoa Cường Bắc có doanh thu hàng năm lên tới 120 tỉ nhân dân tệ (17,4 tỉ USD) vào thời kỳ đỉnh cao, từ năm 2009 đến 2011, Nhật báo Kinh tế Thâm Quyến đưa tin.

Tháng 5.2010, giá thuê hàng tháng cho một cửa hàng ở tầng trệt thuộc Hoa Cường Bắc có thể lên tới hơn 3.000 nhân dân tệ/m2, vào thời điểm mà các trung tâm thương mại sang trọng hàng đầu thành phố chỉ có thể tính phí vài trăm nhân dân tệ mỗi m2.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ĐTDĐ giả bắt đầu suy giảm vào năm 2012 do chip MediaTek không thể sánh được với năng lực kỹ thuật của thế hệ smartphone mới nhất, như iPhone của Apple và Galaxy của Samsung.

"Chip, thành phần cốt lõi của thế hệ smartphone mới nhất, trở nên khó sao chép. Các doanh nghiệp sao chép lụi tàn vì không thể tái tạo được công nghệ cao cấp và bán với giá rẻ", Tang Qi nói.

Những năm gần đây, thị trường smartphone toàn cầu đã trải qua những giai đoạn đầy biến động, chủ yếu do thiếu hụt chip, mà Trung Quốc phải nhập khẩu để cung cấp cho các thiết bị cao cấp của mình. Còn có những lo ngại rằng các nhà cung cấp linh kiện nội địa có thể mất đơn đặt hàng từ các tập đoàn đa quốc gia, vốn đang tìm cách đa dạng hóa khỏi Trung Quốc giữa căng thẳng địa chính trị Trung – Mỹ leo thang.

Chip đã nổi lên như chiến trường quan trọng trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung, bởi chúng cung cấp sức mạnh cho mọi thứ, từ ô tô điện đến tàu con thoi. Mỹ đang bóp nghẹt quyền tiếp cận của Trung Quốc với cả chip bán dẫn và thiết bị sản xuất chúng, đồng thời liên minh với Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.

Năm ngoái, Apple đã tiết lộ ý định chuyển các bộ phận trong quy trình sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam sau khi trải qua các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt.

Foxconn gần đây đã công bố kế hoạch xây một nhà máy lớn mới tại Việt Nam, sau khi đầu tư 500 triệu USD vào công ty con ở Ấn Độ vào năm ngoái. Nhà máy Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam là địa điểm lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới, thuê tới 300.000 nhân viên và chiếm 50 đến 60% công suất lắp ráp iPhone toàn cầu của công ty Đài Loan.

Tang Qi vẫn lạc quan khi cho biết: “Việc chuyển dịch chuỗi công nghiệp ra nước ngoài không dễ dàng như tưởng tượng và hầu hết nguyên liệu thô đã qua chế biến sâu đều được tái xuất khẩu từ Trung Quốc. Nếu tỷ suất sinh lời của ĐTDĐ cao cấp được sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam hiện là khoảng 50 hoặc 60% thì phải tăng thêm 200% để đạt được tỷ suất sinh lời hiện tại của các nhà máy ở Trung Quốc. Đây là một quá trình lâu dài. Đó là lý do tại sao Apple hiện không thể rời khỏi Trung Quốc để sản xuất loạt iPhone mới nhất của mình”.

Các công ty Trung Quốc có hoạt động tại Ấn Độ vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch sản xuất một số iPhone của Apple, tờ The New York Times đưa tin vào tháng 9.2022. Tại thành phố Chennai (Ấn Độ), các công ty Trung Quốc sẽ cung cấp bộ sạc và các linh kiện khác cho iPhone, tờ The New York Times đưa tin, trích dẫn những người quen thuộc với tình hình.

tu-thoi-bung-no-dtdd-gia.jpg
Ngành công nghiệp ĐTDĐ của Trung Quốc đang bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ chứng kiến việc Mỹ và các đồng minh cấm xuất khẩu chất bán dẫn được sử dụng để cung cấp sức mạnh cho smartphone tiên tiến - Ảnh: Henry Wong

Zeng Liaoyuan, phó giáo sư kỹ thuật thông tin và truyền thông tại Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc ở thành phố Thành Đô, cho biết những khó khăn với các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ sớm ập đến và kéo dài ít nhất hai thập kỷ trước khi quốc gia này có thể tự sản xuất thành công chip tiên tiến.

Đã có những cuộc nói chuyện giữa các học giả về việc thay đổi đấu trường cạnh tranh với Mỹ. Tuy nhiên trong lĩnh vực sản xuất, không cái nào có thể vượt qua chip. Với quy mô lớn của ngành viễn thông và kinh tế số, Trung Quốc không thể từ bỏ lĩnh vực điện thoại thông minh. Chỉ bằng cách thúc đẩy các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kỹ sư thực hiện đổi mới, Trung Quốc mới có thể nắm bắt được các công nghệ sản xuất chip”, Zeng Liaoyuan nhận định.

Các công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình thế “đổi mới hay chết” giữa sự cạnh tranh khốc liệt trong thế hệ 5G, người phát ngôn một công ty Trung Quốc đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ nói với SCMP.

Theo công ty này, mạng 5G đã được triển khai trên khắp thế giới với tốc độ đáng kinh ngạc và tất cả doanh nghiệp Trung Quốc nên tiếp tục đổi mới, vun đắp nền tảng cho những đổi mới đột phá. Công ty nói thêm rằng mạng 5G sẽ liên tục cho phép người dùng tận hưởng trải nghiệm kỹ thuật số toàn diện tập trung vào ĐTDĐ giữa các thiết bị đầu cuối khác.

John Kou, kỹ sư điện tử kỳ cựu ngoài 50 tuổi ở thành phố Thâm Quyến, nói toàn bộ lĩnh vực điện tử của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu các nhà sản xuất smartphone cao cấp nước ngoài tiếp tục đa dạng hóa.

Những thương hiệu như Apple đã thực sự thúc đẩy việc nâng cấp chuỗi công nghiệp điện tử của Trung Quốc những năm qua. Họ đặt ra những yêu cầu cao về quy trình, dù đó là linh kiện điện tử hay mặt kính màn hình. Để đảm bảo đơn hàng của họ, các nhà máy Trung Quốc được khuyến khích đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất và đào tạo lực lượng lao động”, John Kou nói.

Liu Kaiming, người đứng đầu Viện Quan sát Đương đại ở tỉnh Quảng Đông, cho biết: "Nếu các thương hiệu nước ngoài chuyển nhà máy đi nước khác, nhu cầu trong nước của Trung Quốc không đủ để tạo ra sự hỗ trợ cho R&D (nghiên cứu & phát triển) và sản xuất thế hệ sản phẩm điện tử cao cấp tiếp theo".

Ông cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc làm trung tâm sản xuất smartphone của thế giới là nhờ chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, sự tồn tại của số lượng lớn công nhân có kỹ năng và một thị trường nội địa lớn.

Sự trưởng thành của chuỗi cung ứng là lợi thế lớn nhất với ngành sản xuất ĐTDĐ Trung Quốc. Nếu rời khỏi Trung Quốc để tạo ra các sản phẩm của mình ở một nơi khác, các thương hiệu di động sẽ phải bỏ ra một số lượng lớn tiền để đầu tư vào việc xây dựng lại hệ thống cung ứng mới”, theo Liu Kaiming, người có viện giám sát chuỗi cung ứng tại hàng trăm công ty OEM ở Trung Quốc trong hai thập kỷ.

Tuy nhiên, những thay đổi địa chính trị đang ảnh hưởng đến động lực kinh tế. Vì ĐTDĐ rất quan trọng đối với hệ sinh thái của ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc, quốc gia này nên cố gắng giảm thiểu sự khác biệt chính trị và duy trì quan hệ thương mại thân thiện với hầu hết các quốc gia, Liu Kaiming nói.

Đông Nam Á đang nổi lên như một trung tâm sản xuất toàn cầu mới. Trung Quốc nên sử dụng mối quan hệ kinh tế đã thiết lập với các nước Đông Nam Á để cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng với lợi thế bổ sung, hiệu quả tổng hợp và cùng có lợi”, ông chia sẻ thêm.

Tính đến hiện nay, 90% sản lượng iPhone mới nhất của Apple vẫn được sản xuất tại Trung Quốc. Song điều đó hoàn toàn có thể thay đổi sau 3 năm nữa, với khoảng 30% sản lượng như vậy được chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác, theo Liu Kaiming.

Bài liên quan
Xiaomi, Oppo, Vivo cho chuyển dữ liệu giữa các smartphone trong cuộc chiến chống Apple
Ba hãng smartphone nội địa hàng đầu Trung Quốc là Oppo, Vivo và Xiaomi đã đạt được thỏa thuận cho phép người dùng chuyển dữ liệu giữa các thiết bị mang thương hiệu của họ. Đây là liên minh có thể thách thức sự phổ biến của Apple tại quốc gia này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
5 phút trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau thời bùng nổ ĐTDĐ giả, ngành smartphone Trung Quốc lao đao vì thiếu chip tiên tiến