Ngày Apple giới thiệu tai nghe thực tế hỗn hợp vào tháng 6 đang đến gần, làm dấy lên nhiều suy đoán xung quanh việc liệu nhà sản xuất iPhone có thể tạo ra một cú hích khác hay không.

Tai nghe thực tế hỗn hợp Apple có thể là cú hích toàn ngành cần khi Google, Meta, Microsoft chưa thành công

Sơn Vân | 02/04/2023, 19:41

Ngày Apple giới thiệu tai nghe thực tế hỗn hợp vào tháng 6 đang đến gần, làm dấy lên nhiều suy đoán xung quanh việc liệu nhà sản xuất iPhone có thể tạo ra một cú hích khác hay không.

Theo tờ New York Times, các nhân viên Apple cũ và hiện tại lo ngại tai nghe thực tế hỗn hợp khó thành công vì mức giá cao ngất ngưởng 3.000 USD, thiết kế cồng kềnh và quan trọng hơn là liệu khách hàng có thích nó hay không.

Thị trường cho những công nghệ thực tế tăng cường và thực tế ảo vẫn chưa nổi bật, dẫn đến sự bất đồng quan điểm. Các công ty tên tuổi như Google, Meta Platforms, Microsoft đã thử sức mình trong lĩnh vực này nhưng đều thất bại ở một mức độ nào đó.

Microsoft và Google đều đã định vị kính HoloLens và Glass của họ cho thị trường doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả hai gã khổng lồ công nghệ đều gặp sóng gió. Google đã đi xa đến mức ngừng cung cấp Glass Enterprise Edition.

Điều đó làm cho việc thâm nhập thị trường này của Apple trở nên khó khăn. Các chuyên gia nói rằng đó là "thời điểm bây giờ hoặc không bao giờ". Apple có một chặng đường khó khăn phía trước khi cố gắng biến chiếc tai nghe thực tế hỗn hợp này trở thành thiết bị lớn tiếp theo trong dòng sản phẩm của mình. Song nếu Apple thành công, đó có thể là đòn bẩy để đưa toàn bộ thị trường thực tế mở rộng (XR) sôi động trở lại.

XR là thuật ngữ để chỉ tất cả công nghệ tương tác thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), thực tế kết hợp (MR). XR đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, giải trí, quảng cáo…

Apple có tài để cho đối thủ thấy những gì họ có thể thực hiện được với bất kỳ công nghệ mới nào và chứng minh những gì người tiêu dùng thích (hoặc không). Cũng giống thành công của iPhone đã mở đường cho Google xây dựng hệ điều hành Android, tai nghe thực tế hỗn hợp này có thể là khởi đầu của cái gì đó lớn hơn.

Jitesh Urbani, Giám đốc nghiên cứu của International Data Corporation, nhận xét: “Thông thường, bất cứ khi nào Apple tham gia vào một thị trường, đó là thủy triều nâng tất cả con thuyền. Điều đó mang lại rất nhiều sự công nhận và an tâm cho thị trường để cả nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng biết rằng đây là điều lớn tiếp theo”.

tai-nghe-thuc-te-hon-hop-apple-co-the-la-cu-hich-toan-nganh-can.jpg
Apple dự kiến sẽ giới thiệu tai nghe thực tế hỗn hợp vào tháng 6. Điều đó khiến Apple trở thành kẻ thách thức trong thị trường mà các đối thủ cạnh tranh như Google, Microsoft, Meta Platforms đều thất bại ở một mức độ nào đó - Ảnh: Internet

Apple Watch giúp nhu cầu về đồng hồ thông minh tăng đột biến

Ví dụ, đồng hồ thông minh đã ra mắt nhiều năm trước khi Apple Watch xuất hiện. Đồng hồ theo dõi sức khỏe Fitbit ra đời năm 2009. Đến năm 2013, Samsung đã trình làng đồng hồ thông minh Galaxy Gear chạy hệ điều hành Android. Thế nhưng phải đến khi Apple Watch xuất hiện thì khái niệm này mới trở nên phổ biến.

Apple Watch ra mắt vào năm 2015 và đột nhiên nhu cầu về đồng hồ thông minh tăng mạnh. Theo dữ liệu của Statista, doanh số đồng hồ thông minh trên toàn thế giới đã tăng từ 5 triệu vào năm 2014 lên 19 triệu trong 2015 và tăng gấp đôi số lượng đó vào 2016.

Statista là công ty nghiên cứu và thống kê dữ liệu trực tuyến có trụ sở tại thành phố Hamburg, Đức.

Thị trường thực tế mở rộng được cho là đang trong tình trạng tương tự như ngành công nghiệp đồng hồ thông minh trước khi Apple Watch trình làng. Các công ty như Microsoft và Google đã đầu tư hàng tỉ USD nhưng vẫn chưa thể giải quyết các thách thức về công nghệ của thị trường thực tế mở rộng. Điều đó dẫn đến hàng loại sự hoài nghi về công nghệ này, khi Thung lũng Silicon đã bắt đầu hạ nhiệt các khoản đầu tư của mình.

Những tên tuổi công nghệ như Google và Microsoft đã nhận được sự quan tâm từ phía chính phủ và các hợp đồng doanh nghiệp. Chiếc tai nghe AR của Microsoft, HoloLens, được cung cấp cho khách hàng doanh nghiệp vào năm 2016 và giúp cho công ty ký được hợp đồng nhiều tỉ USD với quân đội Mỹ vào năm 2021. Google Glass Enterprise Edition đã tồn tại trong 6 năm trước khi bị ngừng bán từ tháng 3.2023.

Mặt khác, Meta Platforms đã thành công trong ngành công nghiệp game. Công ty mẹ của Facebook đã phát hành tai nghe thực tế ảo Meta Quest 2 vào năm 2020. Trong vòng hai năm, Meta Quest 2 đã trở thành tai nghe thực tế ảo phổ biến nhất trên thị trường tiêu dùng, nhưng chủ yếu để chơi game, khiến nó trở thành sản phẩm thích hợp cho phân khúc nhỏ hơn thay vì đột phá.

Tất cả những điều đó có nghĩa là hãy tiếp tục theo dõi. Nếu ai có thể thống lĩnh thị trường thực tế mở rộng, các chuyên gia đều đồng ý rằng đó là Apple. Song phải còn chờ xem Apple sẽ đưa thị trường này lên đến đâu.

Tuần trước, Apple tổ chức cuộc tụ họp quan trọng với khoảng 100 giám đốc cấp cao nhất của công ty tới Nhà hát Steve Jobs ở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ. Nhóm được gọi là Top 100 đã có mặt để xem sản phẩm mới quan trọng nhất của Apple trong nhiều năm: Tai nghe thực tế hỗn hợp.

Thiết bị này đã được trình diễn cho nhóm, đánh dấu một cột mốc quan trọng trước khi ra mắt công chúng dự kiến vào tháng 6. Đó là cơ hội để nhóm thực tế hỗn hợp tập hợp các nhà lãnh đạo xung quanh những gì có thể là nền tảng chính tiếp theo ngoài iPhone, iPad, Mac và Apple Watch.

Đây không phải là lần đầu tiên Top 100 được xem qua tai nghe thực tế hỗn hợp. Nhóm Phát triển Công nghệ (Technology Development Group) của Apple, đứng sau sáng kiến thực tế hỗn hợp, đã kín đáo giới thiệu sản phẩm cho những người ra quyết định hàng đầu của công ty hàng năm kể từ 2018. 

Song lần này thì khác. Các buổi trình diễn trước đây ít được chú ý hơn, chỉ nhằm hiển thị tiến trình và đảm bảo được số lượng nhân sự cần thiết để tiếp tục phát triển sản phẩm. Lần xem trước tai nghe thực tế hỗn hợp mới nhất diễn ra tại Nhà hát Steve Jobs - nơi Apple trưng bày các sản phẩm quan trọng nhất của mình, cho thấy sự ra mắt công khai sản phẩm đang đến gần. Các giám đốc Apple tham dự sự kiện trước khi đến điểm nghỉ thường niên của họ, được tổ chức tại một khu nghỉ dưỡng ở Carmel Valley, bang California.

Các màn trình diễn rất bóng bẩy, hào nhoáng và thú vị, nhưng nhiều giám đốc đã hiểu rõ về những thách thức của Apple khi thâm nhập vào thị trường mới này.

Thực tế hỗn hợp, danh mục kết hợp AR và VR, vẫn là một lĩnh vực non trẻ và rủi ro hơn nhiều so với những nỗ lực trước đó của Apple nhằm thiết lập các danh mục mới. Với Mac, iPod, iPhone, Apple Watch và iPad, về cơ bản Apple đang tạo ra phiên bản tốt hơn của một sản phẩm mà nhiều người đã quen thuộc. Với tai nghe thực tế hỗn hợp, Apple sẽ phải giải thích cho người tiêu dùng hiểu tại sao họ lại muốn sở hữu một sản phẩm như vậy.

Hơn nữa, thiết bị sẽ có giá khởi điểm khoảng 3.000 USD, thiếu ứng dụng chủ đạo rõ ràng, yêu cầu pin ngoài cần được thay thế vài giờ một lần và sử dụng thiết kế mà một số người thử nghiệm cho là không thoải mái. Tai nghe thực tế hỗn hợp của Apple cũng có khả năng ra mắt với nội dung đa phương tiện hạn chế.

Với ý nghĩ đó, các giám đốc đang đưa ra một lời nhắc nhở thực tế trong công ty. Đây sẽ không phải là một sản phẩm ăn khách ngay khi vừa xuất xưởng, thế nhưng nó có thể đi theo quỹ đạo tương tự như Apple Watch.

Apple Watch bắt đầu khá chậm, khởi chạy với các ứng dụng tầm thường, giao diện lộn xộn, bộ xử lý chậm chạp và mục đích không xác định. Song theo thời gian, Apple đã cải thiện khả năng của ứng dụng bên thứ ba, đơn giản hóa hệ điều hành và bổ sung bộ xử lý nhanh hơn.

Sản phẩm cũng nhận thấy vai trò của nó: Đó là một thiết bị theo dõi tập thể dục, người bạn đồng hành với sức khỏe và là cách dễ dàng để xử lý các thông báo. Điều đó gây ấn tượng với người tiêu dùng. Trong 8 năm, Apple Watch đã đi từ một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của Apple trở thành trung tâm chiến lược của hãng. 

Hy vọng tốt nhất cho tai nghe thực tế hỗn hợp là kết quả tương tự Apple Watch. 

Bài liên quan
AI thống trị ở CES 2023: Web3, ô tô bay và tai nghe VR sẽ được giới thiệu nhiều
Những bước nhảy vọt mới nhất về trí tuệ nhân tạo (AI) trong mọi thứ, từ ô tô, robot đến thiết bị gia dụng, sẽ được trưng bày đầy đủ tại CES 2023, khai mạc tại thành phố Las Vegas (bang Neveda, Mỹ) vào tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tai nghe thực tế hỗn hợp Apple có thể là cú hích toàn ngành cần khi Google, Meta, Microsoft chưa thành công