Đại sứ quán Anh tại Ukraine thông báo đã rút gần một nửa số nhân viên và người thân của họ khỏi Ukraine trước "mối đe dọa ngày càng lớn từ Nga".
"Một số nhân viên trong đại sứ quán và những người thân cận của họ đang được rút khỏi Kiev để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Nga. Đại sứ quán Anh sẽ vẫn mở cửa và duy trì các công việc thiết yếu", Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung Anh quốc (Bộ Ngoại giao Anh) thông báo trên Twitter hôm 24.1.
Ngoài ra, chính phủ Anh cũng khuyến cáo công dân không đến khu vực Donetsk, Lugansk ở miền đông Ukraine và bán đảo Crimea. Họ cũng chỉ nên đến các khu vực còn lại của Ukraine nếu có lý do cần thiết.
"Tình hình ở Kiev và các khu vực ngoài Donetsk, Lugansk vẫn yên bình. Tuy nhiên, các sự kiện ở Ukraine diễn ra rất nhanh và chúng tôi không thể nắm được các ý định tiếp theo của Nga. Do đó, công dân Anh nên tránh các hoạt động đi lại không cần thiết và bảo đảm sẵn sàng thay đổi kế hoạch nhanh chóng nếu cần", theo thông báo của Bộ Ngoại giao Anh.
Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố rút một phần nhân viên ngoại giao và người thân của họ khỏi đại sứ quán ở Kiev, đồng thời cho phép các nhân viên không thiết yếu tự nguyện rời Ukraine với chi phí do chính phủ Mỹ cung cấp.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đại sứ quán ở thủ đô Kiev vẫn mở cửa và thông báo trên không phải lệnh sơ tán. Một số quan chức khác cho biết quyết định rút người khỏi sứ quán Ukraine đã được xem xét trong thời gian dài và khẳng định bước đi này không làm thay đổi hoặc làm suy yếu sự ủng hộ họ đối với Ukraine.
Phản ứng trước động thái trên, Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng quyết định như vậy của phía Mỹ là "động thái hấp tấp và thể hiện thận trọng thái quá".
Trong khi đó, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cho rằng không có lý do để khối này áp dụng hành động tương tự.
"Chúng tôi sẽ không làm điều đó vì chưa có lý do cụ thể. Tôi không nghĩ chúng ta phải bi kịch hóa tình hình, khi những cuộc đàm phán đang diễn ra", ông Borrell nói.
Được biết, căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây sau khi Mỹ và NATO cáo buộc Nga điều số lượng lớn binh sĩ tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Về phần mình, phía Nga đã bác bỏ cáo buộc, khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích tự vệ.