Trước sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhiều chính trị gia, nhà ngoại giao và lãnh đạo tôn giáo trên khắp thế giới đã gửi lời chia buồn, tiếc thương.

Chính khách quốc tế tiếc thương thiền sư Thích Nhất Hạnh

Long Hải | 23/01/2022, 06:30

Trước sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhiều chính trị gia, nhà ngoại giao và lãnh đạo tôn giáo trên khắp thế giới đã gửi lời chia buồn, tiếc thương.

thien-su.jpg
Nhiều chính khách quốc tế chia buồn khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cùng một số chính trị gia, lãnh đạo tôn giáo quốc tế đã gửi lời chia buồn và bày tỏ suy nghĩ, tình cảm trước sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Viết trên Twitter ngày 22.1, ông Moon Jae In chia sẻ: "Người dẫn dắt Phật học và nhà hoạt động hòa bình nổi tiếng thế giới Thích Nhất Hạnh đã viên tịch. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất. Nhà sư được xem như Phật sống, được mọi người tôn quý và có nhiều sức ảnh hưởng".

moon.jpg
Tổng thống Moon Jae In chia sẻ cảm nghĩ và gửi lời chia buồn khi hay tin thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch

Theo Tổng thống Moon Jae In, thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những nhà lãnh đạo tinh thần của nhiều người trên thế giới mà ông rất kính trọng. Ông tìm thấy ở nhà sư tình yêu thương nhân loại trong từng hành động. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nhớ lại hai lần thiền sư đến Hàn Quốc và bản thân đã cảm động trước các bài thuyết giảng của ông. 

"Ông luôn nhấn mạnh đến chánh niệm trong khi truyền đạt lời dạy của Đức Phật bằng những bài thơ hay bài viết trong nhiều cuốn sách. Những bước chân, lời nói và lời dạy của sư thầy sẽ luôn sống trong hành trình của mọi người. Tôi mong ngài được an nghỉ", ông Moon Jae In viết thêm.

Trước đó, trong sáng 22.1, bà Marie Damour, đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam, cũng thay mặt phái đoàn ngoại giao Mỹ gửi lời chia buồn về sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh thông qua trang Facebook của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ.

Bà Damour đánh giá cao những hoạt động không mệt mỏi vì hòa bình của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong 60 năm qua. Bà nói rằng ông sẽ được nhớ đến như một trong những lãnh đạo tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.

"Những lời giảng của ông, đặc biệt là về việc đưa chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày, đã làm phong phú thêm cuộc sống của rất nhiều người Mỹ", bà Damour bày tỏ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, một trong những nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới, cũng bày tỏ thương tiếc về sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ông nhắc lại những đóng góp của thiền sư trong phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam cũng như tâm huyết lan tỏa chánh niệm và ước mơ hòa bình.

"Tôi tin rằng cách tốt nhất để tưởng nhớ ông chính là tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình khắp thế giới", Đức Đạt Lai Lạt Ma viết.

thich-nhat-hanh.jpg
Các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đều đưa tin thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời - Ảnh: The New York Times

Bên cạnh đó, các hãng tin và cơ quan báo chí lớn trên thế giới cũng đều đưa tin thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch và dành những lời ca ngợi tốt đẹp đến ông.

The New York Times đánh giá thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người có ảnh hưởng tới phong trào hòa bình toàn cầu. Tờ báo này nhấn mạnh cuộc gặp giữa ông với mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Mỹ, vào những năm 1960 để truyền đi tiếng nói phản đối Chiến tranh Việt Nam.

Theo The New York Times, mục sư Martin Luther King đã gọi thiền sư Thích Nhất Hạnh là "tông đồ của hòa bình và bất bạo động". Luther King đã đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình năm 1967, nhưng giải thưởng này không được trao cho bất kỳ ai vào năm đó.

Trong khi đó, tờ AFP ca ngợi thiền sư là "một trong những nhà Phật giáo có ảnh hưởng nhất thế giới". Hãng tin Pháp nhấn mạnh đóng góp của ông khi mang khái niệm "chánh niệm" tới phương Tây, đồng thời đề cập việc ông đã viết hơn 100 quyển sách trong đó có nhiều quyển về thức tỉnh và thiền định.

Hãng tin AP gọi ông là "vị thiền sư đáng kính, người đã đi tiên phong trong khái niệm chánh niệm ở phương Tây và Phật giáo gắn bó với xã hội ở phương Đông". Trong một bài viết năm 2009 của AP, thiền sư Thích Nhất Hạnh được đánh giá là lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.

thien-su-nhat-hanh.jpg
Thiền sư Thích Nhất Hạnh được kính trọng trên khắp thế giới do những bài giảng có sức mạnh, truyền cảm hứng về chánh niệm và hòa bình

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh ngày 11.10.1926 tại Thừa Thiên - Huế với tục danh Nguyễn Xuân Bảo. Ông xuất gia làm sa di từ năm 16 tuổi tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế, thọ giới Thiền sư Thanh Quý Chân Thật theo Thiền tông thuộc Phật giáo Đại thừa.

Ông được kính trọng trên khắp thế giới do những bài giảng có sức mạnh, truyền cảm hứng về chánh niệm và hòa bình. Thông điệp chính của thiền sư Thích Nhất Hạnh là thông qua chánh niệm, con người có thể học cách sống an lạc trong hiện tại, nhờ đó xây dựng sự bình an trong bản thân mỗi người và xây dựng hòa bình cho thế giới.

Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" trong cuốn sách "Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa" (Vietnam: Lotus in a Sea of Fire) do chính ông xuất bản năm 1967. Ngoài ra, ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như: "Đường xưa mây trắng", "Phép lạ của sự tỉnh thức", "Hạnh phúc cầm tay", "Phật trong ta"...

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP.Huế lúc 0 giờ ngày 22.1, hưởng thọ 95 tuổi, theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính khách quốc tế tiếc thương thiền sư Thích Nhất Hạnh