Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 15.508 tỉ đồng giảm 38,2 % so với cùng kỳ năm trước.

Sau khủng hoảng niềm tin, doanh thu phí bảo hiểm giảm mạnh

Lam Thanh | 21/08/2023, 18:01

Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 15.508 tỉ đồng giảm 38,2 % so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu phí giảm

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 112.741 tỉ, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.910 tỉ đồng, tăng trưởng 1.3% so với cùng kỳ 2022; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 77.831 tỉ đồng, giảm 7.9% với cùng kỳ năm 2022.

Số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.028.402 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 61,2% giảm 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 16,2% giảm 52,5% so với cùng kỳ năm ngoái); sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,7% giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 0,7% giảm 48,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 7,4%, giảm 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng 6,5%; sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng 0,05%; sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm tỷ trọng 0,77%.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 15.508 tỉ đồng giảm 38,2 % so với cùng kỳ năm trước.

bao-hiem.jpeg
Doanh thu phí bảo hiểm giảm mạnh

Tổng doanh thu phí bảo hiểm và thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường cụ thể như sau: Bảo Việt Nhân thọ (16.036 tỉ đồng và 20,6%), Manulife (13.357 tỉ đồng và 17,2%), Prudential (12.842 tỉ đồng và 16,5%), Dai-ichi Life (9.737 tỉ đồng và 12,5%), AIA (7.874 tỉ đồng và 10,1%), FWD (2.611 tỉ đồng và 3,4%), Sun Life (2.361 tỉ đồng và 3,03%), MB Ageas (2.357 tỉ đồng và 3,03% ), Generali (2.122 tỉ đồng và 2,7%), Chubb Life (2.092 tỉ đồng và 2,7%), Hanwha Life (1.908 tỉ đồng và 2,5%), Cathay Life (1.408 tỉ đồng và 1,8%), MVI (1.133 tỉ đồng và 1,46%), BIDV Metlife (792 tỉ đồng và 1,02%), các doanh nghiệp bảo hiểm: FWD Assurance, Mirae Asset Prevoir, Phú Hưng Life, Fubon Life, Shinhan Life (1.199 tỉ đồng và 1,5%).

Số liệu thống kê từ Chứng khoán SSI (SSI Reserch) cũng cho thấy doanh thu phí bảo hiểm mới qua kênh bán chéo ngân hàng (bancassurance) giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023. Chẳng hạn, doanh thu phí bảo hiểm mới tại VIB và TPBank cùng giảm 68%, tại Techcombank giảm 60% và tại MB giảm 54%. 

Với 8 ngân hàng công bố chi tiết về thu nhập mảng bảo hiểm, doanh thu 6 tháng đầu năm của mảng này chỉ đạt hơn 6.500 tỉ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ trong khi đó doanh thu từ hoạt động dịch vụ vẫn tiếp tục tăng.

Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy bức tranh ảm đạm của thị trường bảo hiểm. Tính chung, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 117.000 tỉ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ.

Những kết quả trên cho thấy sự chững lại đáng kể của ngành bảo hiểm khi những năm qua, ngành này luôn có sự tăng trưởng 2 con số, ngay cả trong đại dịch.

Nguyên nhân chính của tình trạng này được cho là niềm tin với ngành bảo hiểm của người dân sụt giảm sau nhiều điều tiếng của bảo hiểm liên kết qua ngân hàng.

Chấn chỉnh để khôi phục niềm tin

Trong năm 2022, Hiệp hội Bảo hiểm đã ghi nhận hơn 3.100 đại lý vi phạm chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: làm song song hai doanh nghiệp bảo hiểm, sai phạm về kê khai tài chính, tuyên truyền quảng cáo sai sản phẩm và dịch vụ. Trong 3 năm trở lại đây, con số vi phạm đã tăng lên hơn 9.000 trường hợp.

Kết quả thanh tra một số doanh nghiệp bảo hiểm của Bộ Tài chính vừa qua cũng cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng.

Một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin; không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng kênh bảo hiểm bán qua ngân hàng trên thế giới rất phát triển và mang lại lợi ích cho cả ngân hàng, bảo hiểm lẫn khách hàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam kênh này có nhiều điều tiếng trong thời gian qua, chủ yếu xuất phát từ việc ngân hàng "ép" người vay vốn phải mua bảo hiểm.

thinh-2.jpeg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Trước tình trạng trên, ông Thịnh cho rằng vẫn tồn tại tình trạng ngân hàng đứng "chiếu trên", có vị thế mạnh hơn nhiều so với người đi vay nên phát sinh việc ép mua bảo hiểm mới giải ngân.

Do đó, theo chuyên gia này, cần kiểm soát hoạt động cho vay tại tất cả ngân hàng. Những hồ sơ đáp ứng đủ các điều kiện ràng buộc về mặt tín dụng, phải cho người dân, doanh nghiệp vay một cách đơn giản, thuận tiện.

"Khi cửa vay vốn rộng mở cho người đủ điều kiện, cửa ép mua bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân khoản vay sẽ bị hẹp lại", ông Thịnh nói đồng thời cho biết cần thiết kế lại hợp đồng bảo hiểm một cách đơn giản, dễ hiểu, tránh tình trạng hợp đồng rất dài với nhiều thuật ngữ như hiện nay. Ngoài ra, tư vấn viên cần giải thích thật rõ ràng các điều khoản về quyền lợi, rủi ro cho khách hàng. 

Tại toạ đàm mới đây, ​Bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho rằng Ngân hàng phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đối với hoạt động đại lý bảo hiểm.

Theo đó, không chỉ đạo/định hướng cho nhân viên ngân hàng làm đại lý ép buộc người gửi tiền/vay vốn mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; trường hợp nhân viên ngân hàng có vi phạm cần phải xử lý nghiêm; cần ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn nhân viên thực hiện hoạt động đại lý, các biện pháp xử lý đối với các nhân viên thực hiện hoạt động đại lý trong trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên rà soát quy trình thẩm định, phát hành hợp đồng bảo hiểm để có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng đại lý tư vấn bảo hiểm để hạn chế tình trạng đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm

Bài liên quan
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
6 phút trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau khủng hoảng niềm tin, doanh thu phí bảo hiểm giảm mạnh