Hôm 5.8, Facebook và Twitter đã gỡ video clip đưa thông tin sai lệch về coronavirus trên tài khoản của Tổng thống Donald Trump.
Trong nội dung video có một cuộc phỏng vấn của Fox News mà Tổng thống Mỹ nói rằng "trẻ em gần như miễn dịch với căn bệnh do coronavirus gây ra và có hệ thống miễn dịch mạnh hơn nhiều".
Video được đăng tải trên Twitter trong chiến dịch tranh cử của Trump. Sau đó, Tổng thống Mỹ chia sẻ video sang tài khoản Facebook.
"Trẻ em gần như miễn dịch với căn bệnh này", Trump nói trong video khi thúc đẩy việc mở cửa các trường học vào mùa thu này.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nhiều trẻ em đã mắc COVID-19, bệnh hô hấp do coronavirus gây ra, dù người lớn chiếm hầu hết các trường hợp.
Cả Facebook và Twitter đều có các quy tắc chống lại thông tin coronavirus có thể dẫn đến tác hại, như tuyên bố một nhóm nhất định miễn dịch hoặc thúc đẩy các phương pháp chữa trị chưa được chứng minh.
Facebook từng bị chỉ trích vì không chuyển bài đăng từ các chính trị gia đến người kiểm duyệt nội dung thực tế. Dù vậy, các chính trị gia không được miễn trừ khỏi các quy tắc của mạng xã hội này chống lại thông tin sai lệch về coronavirus.
"Video này chứa các tuyên bố sai lầm rằng một nhóm người miễn dịch với COVID-19. Đó là điều vi phạm chính sách của chúng tôi xung quanh thông tin sai lệch COVID-19 có hại", Andy Stone, phát ngôn viên của Facebook cho biết trong một thông báo về việc xóa video của ông Trump.
Video vẫn tồn tại trên Twitter một thời gian và đạt được hơn 900.000 lượt xem sau khi Facebook gỡ nó.
Sau đó, một phát ngôn viên Twitter cho biết tweet của ông Trump vi phạm các quy tắc và chủ sở hữu tài khoản được yêu cầu xóa video để tweet lại.
Đến cuối chiều 5.8, một liên kết đến video vẫn xuất hiện trong tweet của ông Trump, nhưng khi nhấp vào sẽ thấy màn hình có nội dung "đã xảy ra sự cố".
Từ tháng 5 đến nay, Twitter đã dán nhãn một số tweet của Tổng thống Trump, gồm cả thông tin sai lệch về các lá phiếu gửi qua thư. Ngoài ra, Twitter cũng có lập trường cứng rắn hơn chống lại thông tin sai lệch về coronavirus.
Nhà Trắng và Twitter hiện chưa bình luận về chuyện video của ông Trump bị gỡ.
Trong khi Facebook cho hay đây là lần đầu tiên gỡ bỏ nội dung vi phạm quy tắc về thông tin liên quan COVID-19 trên tài khoản của Tổng thống Mỹ.
Tối 27.7, ông Trump đã chia sẻ lại dòng tweet từ một tài khoản @stella_immanuel có nội dung: "Covid đã được chữa khỏi. Nước Mỹ thức giấc". Ngay sau đó, Twitter gỡ bỏ tweet này và hiển thị hộp màu xám có nội dung: "Tweet này không còn nữa".
"Tweet với video vi phạm chính sách thông tin sai lệch COVID-19 của chúng tôi", Twitter cho biết.
Thời gian qua, Đảng Cộng hòa tố các mạng xã hội kiểm duyệt phát ngôn chính trị dù các công ty nhiều lần phủ nhận. Ông Trump cáo buộc các nền tảng truyền thông xã hội đang có quyền lực nằm ngoài tầm kiểm soát.
Hôm 28.5, Twitter làm điều chưa từng có là ẩn đi tweet của Tổng thống Donald Trump vì vi phạm quy định "tôn vinh bạo lực", đồng thời vô hiệu hóa khả năng chuyển tiếp hoặc bình luận.
Nội dung tweet của ông Trump liên quan đến thành phố Minneapolis, nơi xảy ra các cuộc biểu tình và bạo động liên tiếp sau vụ cảnh sát da trắng ghì chết George Floyd, trong đó cảnh báo "cướp bóc bắt đầu thì súng sẽ nổ" và dọa sẽ điều vệ binh quốc gia đến.
Đáp lại, hôm 29.5, Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm giảm sự bảo vệ pháp lý mà mạng xã hội được hưởng. Sắc lệnh này trao cho cơ quan quản lý quyền thực hiện biện pháp pháp lý để chống lại các công ty như Facebook và Twitter liên quan đến cách họ kiểm soát nội dung trên các nền tảng của mình.
Facebook và Twitter cũng từng loại bỏ thông tin sai lệch, có hại về coronavirus được đăng bởi các chính trị gia.
Tháng 3.2020, Facebook và Twitter đã gỡ video của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vì đưa ra tuyên bố sai lầm rằng thuốc chống sốt rét hydroxycholoroquine là phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả ở mọi nơi. Vào thời điểm đó, các thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiến hành.
Tháng 7.2020, Facebook, Twitter và YouTube đã xóa một video từ trang tin tức cánh hữu Breitbart có tuyên bố sai rằng hydroxychloroquine là "phương thuốc cho COVID-19" và "bạn không cần đeo khẩu trang".
Video này đã có hơn 20 triệu lượt xem trên Facebook và mạng xã hội này bị chỉ trích vì hành động không đủ nhanh.
Hai nghiên cứu mới được tiến hành từ các nơi khác nhau trên thế giới dẫn đến cùng một kết luận: Trẻ em không chỉ dễ lây lan COVID-19 ra cộng đồng mà còn có thể là nguyên nhân chủ chốt gây ra đại dịch.
Nghiên cứu đầu tiên được công bố trên trang JAMA, báo cáo các phát hiện từ một bệnh viện nhi ở Chicago, bang Illinois, Mỹ. Nghiên cứu thứ hai là bản thảo in sẵn đang chờ đánh giá chuyên môn, được thực hiện tại thành phố Trento, Ý.
Nhân Hoàng