Kẻ lừa đảo giả danh các cơ quan pháp luật gọi điện thoại cho bị hại, thông tin về việc người này có liên quan đến tội phạm, đe dọa, bắt ép phải gửi tiền đến các tài khoản do chúng cung cấp.

Sau cuộc điện thoại, người phụ nữ mất trắng gần 4 tỉ đồng

Nhã Thanh | 02/06/2021, 15:13

Kẻ lừa đảo giả danh các cơ quan pháp luật gọi điện thoại cho bị hại, thông tin về việc người này có liên quan đến tội phạm, đe dọa, bắt ép phải gửi tiền đến các tài khoản do chúng cung cấp.

Ngày 2.6, sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX cấp sơ thẩm TAND TP.Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đình Vân (SN 1996, trú tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) 10 năm tù và bị cáo Nguyễn Mạnh Hiền (SN 1997, trú tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) 9 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Mở tài khoản thuê cho nhóm lừa đảo

Theo cáo trạng, từ tháng 5 - 8.2019, Nguyễn Đình Thành và một người tên Xoài (hiện chưa xác định được lai lịch) thỏa thuận với Nguyễn Đình Vân đứng ra mở tài khoản ngân hàng, bán cho Thành 1,5 triệu đồng/tài khoản và bán cho Xoài 2,7 triệu đồng/tài khoản tại nhiều ngân hàng có đăng ký Internet Banking và Mobile Banking.

Sau khi mở tài khoản, Vân gửi thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập Internet Banking và Mobile Banking qua tin nhắn Viber cho Thành và Xoài, rồi chuyển các sim điện thoại đã đăng ký cho những người không quen biết do Thành và Xoài cử đến nhận.

Tiếp đến, Vân đứng tên mở 3 tài khoản ngân hàng cho Thành, được 4,5 triệu và thuê nhiều người mở được 70 tài khoản khác nhau, được Xoài trả 189 triệu đồng. Vân thuê Nguyễn Mạnh Hiền mở 3 tài khoản tại các nhiều ngân hàng và trả cho Hiền 3 triệu đồng; Vân hưởng lợi hơn 66 triệu đồng.

Nguyễn Mạnh Hiền và Nguyễn Đình Vân khai nhận mặc dù không có nhu cầu sử dụng tài khoản ngân hàng nhưng thấy được hưởng lợi cao nên đã đồng ý lời đề nghị của Thành và Xoài, giúp sức cho 2 người đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

sau-mot-cuoc-dien-thoai-nguoi-phu-nu-mat-trang-gan-4-ti-dong.jpg
Hai bị cáo tại phiên tòa

Giả danh cơ quan pháp luật

Cụ thể, vào ngày 6.8.2019, bọn chúng đã giả danh các cơ quan pháp luật sử dụng điện thoại gọi cho chị Nguyễn Thị Thanh H. và nói chị H. có liên quan đến tội phạm, đe dọa, bắt ép phải gửi tiền vào các tài khoản do nhóm của Xoài cung cấp.

Lo sợ, chị H. ra ngân hàng VPBank (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm thủ tục chuyển khoản số tiền 3,8 tỉ đồng đến tài khoản mang tên Nguyễn Mạnh Hiền mở tại SCB và chuyển 172 triệu đồng qua Internet Banking đến số tài khoản bọn chúng cung cấp.

Ngay sau đó, những kẻ này đã chuyển vào 5 tài khoản ngân hàng khác nhau tổng số tiền 750 triệu đồng từ tài khoản mang tên Nguyễn Mạnh Hiền. Quá trình giao dịch, thấy tài khoản mang tên Nguyễn Mạnh Hiền có nhiều giao dịch đáng ngờ nên phía Ngân hàng SCB đã khóa tài khoản này. Thấy vậy, Xoài đã gọi điện thông báo tài khoản của Hiền bị khóa và bảo Vân đi cùng Hiền ra ngân hàng rút tiền, nếu rút được sẽ được Xoài trả công 30 triệu đồng.

Khi đến ngân hàng, Hiền rút toàn số tiền hơn 3 tỉ đồng rồi cùng đi đến phòng giao dịch khác làm thủ tục chuyển số tiền hơn 3 tỉ đồng vào số tài khoản mà Xoài yêu cầu. Số lẻ còn lại trong số tiền hơn 3 tỉ đồng (hơn 51 triệu đồng), Xoài trả công cho Vân; Vân chia cho Hiền 8 triệu đồng, số còn lại Vân sử dụng chi tiêu cá nhân.

Như vậy, qua điều tra và xác minh cho thấy Nguyễn Đình Vân và Nguyễn Mạnh Hiền đã câu kết với Xoài chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Thanh H. số tiền trên. Tổng số tiền Vân được hưởng lợi là hơn 114 triệu đồng; Nguyễn Mạnh Hiền hưởng lợi 11 triệu đồng.

Đối với người đàn ông tên Nguyễn Đình Thành và người tên Xoài, cơ quan điều tra xác minh tại nơi cư trú nhưng Thành không có mặt, gia đình không biết Thành đã đi đâu, đồng thời chưa làm rõ được nhân thân, lai lịch của Xoài nên cơ quan điều tra đã quyết định tách phần tài liệu liên quan đến hành vi của 2 người nêu trên, khi nào đủ căn cứ sẽ xử lý sau.

Trước đó, Bộ Công an đã nhiều lần phát đi cảnh báo và đề nghị mọi người cần nâng cao cảnh giác trước những cuộc điện thoại của người lạ tự xưng là cán bộ của các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng.

Theo đó, Bộ Công an cho biết thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là sử dụng công nghệ cao để gọi điện cho người bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của viện KSND..., yêu cầu kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng.

Sau đó, kẻ lừa đảo dùng lời lẽ đe dọa và yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề nghị người dân nên cảnh giác với những đặc điểm của kẻ lừa đảo trên không gian mạng như yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, không trình báo cho cơ quan công an được biết… Nhiều bị hại dù không có sai phạm gì nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục đó mà dẫn đến lo lắng, không đủ tỉnh táo để nhận biết bị lừa đảo.

Bài liên quan
Bắt 2 người sử dụng công nghệ để lừa đảo hàng tỉ đồng
Bằng phương pháp sử dụng công nghệ để hack tài khoản mạng xã hội của người khác, 2 người tên Vũ và Sang đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người với tổng số tiền lên tới hàng tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau cuộc điện thoại, người phụ nữ mất trắng gần 4 tỉ đồng